Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo thống kê từ Quỹ Crohn’s & Colitis của Mỹ (CCFA) năm 2011, có tới 780.000 người Mỹ mắc hội chứng Crohn. Crohn’s disease là bệnh lý thuộc nhóm bệnh viêm ruột mạn tính. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh Crohn triệt để.

Hội chứng Crohn có tên tiếng Anh là Crohn’s disease. Ngoài ra, bệnh Crohn còn được biết đến là bệnh viêm ruột từng vùng, viêm hồi tràng u hạt, viêm hồi đại tràng u hạt, viêm ruột Crohn,…

Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về hội chứng Crohn

Hội chứng Crohn là một bệnh lý viêm ruột mạn tính, bệnh Crohn có thể xảy ra trên toàn bộ ống tiêu hóa. Viêm ruột Crohn thường gây ra viêm và các lỗ rò phát triển dần vào sâu bên trong thành ruột, các tổn thương có thể xuất hiện từng vùng hoặc liên tục trên thành ruột.

Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh Crohn, tuy nhiên một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thường đến từ virus, vi khuẩn hoặc các loại ký sinh trùng.

Bệnh Crohn là gì?

Bệnh Crohn (tên tiếng anh: Crohn’s disease) là tình trạng xuất hiện viêm nhiễm nang và áp xe thường xảy ra tại ruột non và đại tràng. Bệnh lý này có thể gây đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, suy dinh dưỡng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Hội chứng Crohn là bệnh lý thuộc nhóm bệnh viêm ruột (IBD) mạn tính. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh Crohn triệt để. Các biện pháp chăm sóc và điều trị bệnh Crohn có thể làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng, thậm chí mang lại sự thuyên giảm lâu dài. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh Crohn từ nhẹ đến nặng.

Crohn’s disease có thể ảnh hưởng đến bất cứ cơ quan nào của ống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Bệnh gây ra viêm và lỗ rò phát triển dần vào các lớp sâu bên trong thành ruột

Bệnh Crohn là tình trạng xuất hiện viêm nhiễm nang và áp xe thường xảy ra tại ruột non và đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Bệnh Crohn là tình trạng xuất hiện viêm nhiễm nang và áp xe thường xảy ra tại ruột non và đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Bệnh viêm ruột Crohn có bao nhiêu loại?

Dựa vào vị trí viêm nhiễm, bệnh viêm ruột Crohn có 6 nhóm bao gồm viêm dạ dày – tá tràng, viêm hỗng tràng, viêm hồi tràng, viêm hồi tràng – đại tràng, viêm đại tràng, bệnh quanh hậu môn.

Dựa vào 6 nhóm Crohn’s disease trên, bác sĩ có thể phân loại và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị bệnh Crohn phù hợp với từng giai đoạn. Sau đây là đặc điểm từng nhóm bệnh viêm ruột Crohn:

  • Viêm dạ dày tá tràng: bệnh Crohn biểu hiện ở dạ dàytá tràng. Đây là vị trí có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất hầu như không phổ biến.
  • Viêm hỗng tràng: hội chứng Crohn biểu hiện ở hỗng tràng và cũng rất ít khi xảy ra.
  • Viêm hồi tràng: bệnh Crohn biểu hiện ở hồi tràng (phần cuối cùng của ruột non).
  • Viêm hồi tràng – đại tràng: bệnh Crohn biểu hiện ở hồi tràng và đại tràng. Đây là vị trí bệnh lý xuất hiện phổ biến nhất.
  • Viêm đại tràng: bệnh Crohn biểu hiện ở đại tràng. Tại đây, bệnh lý có các dấu hiệu tương tự như viêm loét đại tràng nhưng mức độ xâm lấn vào lớp cơ thành đại tràng sâu hơn và nguy hiểm hơn.
  • Bệnh quanh hậu môn: hội chứng Crohn biểu hiện ở xung quanh hậu môn gây ra các vết loét bất thường, rò hậu môn, nhiễm trùng mô sâu,…
Bệnh viêm ruột Crohn có 6 loại phụ thuộc vào vị trí xuất hiện trong ống tiêu hóa. (Nguồn: IBDrelief)
Bệnh viêm ruột Crohn có 6 loại phụ thuộc vào vị trí xuất hiện trong ống tiêu hóa. (Nguồn: IBDrelief)

Phân loại giai đoạn bệnh Crohn

Dựa vào đặc điểm, kích thước vết loét, mức độ viêm nhiễm, xâm lấn vào các lớp tế bào mà bệnh Crohn được chia thành 3 giai đoạn chính từ nhẹ đến nặng. 3 giai đoạn bệnh Crohn bao gồm:

  • Giai đoạn 1 (giai đoạn nhẹ): giai đoạn tế bào đột biến và các biểu hiện bất thường xuất hiện bên trên lớp niêm mạc tồn tại ở dạng viêm, chưa xuất hiện các vết loét.
  • Giai đoạn 2 (giai đoạn trung bình): giai đoạn mà các tế bào đột biến bị viêm nhiễm bắt đầu phát triển thành các vết loét trên lớp niêm mạc ống tiêu hóa. Các tổn thương có thể xâm lấn vào lớp dưới niêm mạc.
  • Giai đoạn 3 (giai đoạn nặng): ở giai đoạn này, kích thước các vết loét ngày càng lớn. Các vết loét tạo thành các lỗ rò xuyên thành tiêu hóa.
Bệnh Crohn trong giai đoạn 3 xuất hiện các đường rò quanh hậu môn. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Bệnh Crohn trong giai đoạn 3 xuất hiện các đường rò quanh hậu môn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh Crohn là gì?

Theo các nghiên cứ hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng, chính xác về nguyên nhân gây bệnh Crohn. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh được bác sĩ đưa ra như nhiễm trùng, yếu tố di truyền, môi trường sống, độ tuổi, chế độ ăn uống không khoa học,…

Các nguyên nhân gây bệnh Crohn

Các nguyên nhân gây bệnh Crohn thường do các yếu tố làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, từ đó làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Crohn như nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, viêm loét do hàm lượng axit tăng cao hoặc do gen di truyền.

  • Nhiễm khuẩn đường ruột: khi đường tiêu hóa bị nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch tự động của cơ thể được kích hoạt và hạn chế hoạt động khi đã loại bỏ tác nhân gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống miễn dịch vẫn tiếp tục hoạt động, tấn công các tế bào khỏe mạnh dẫn đến tình trạng viêm loét đường ruột.
  • Yếu tố di truyền: các nhà khoa học đã xác định được một loại gen có liên quan đến hội chứng Crohn. Số lượng gen đột biến này trong người bệnh gấp đôi so với người không mắc bệnh. Nếu gia đình có người đã từng mắc bệnh Crohn, các thành viên trong gia đình cũng có nguy cơ cao mắc bệnh Crohn.
  • Yếu tố môi trường: tuy chưa được xác định chính xác nhưng các yếu tố về môi trường có liên quan đến bệnh Crohn như khói bụi, ô nhiễm,…
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là một trong các nguyên nhây gây bệnh Crohn. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là một trong các nguyên nhây gây bệnh Crohn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm ruột Crohn

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm ruột Crohn bao gồm:

  • Độ tuổi: Crohn’s disease có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Tuy nhiên, độ tuổi phát triển bệnh cao nhất nằm trong khoảng 15 – 35 tuổi.
  • Lối sống: người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao nhất. Với những người đã mắc hội chứng Crohn, hút thuốc lá sẽ khiến bệnh nặng hơn và tăng tỷ lệ thực hiện phẫu thuật để điều trị.
  • Chế độ ăn uống: chế độ ăn nhiều chất béo cũng tăng khả năng mắc bệnh Crohn.
  • Lạm dụng các loại thuốc: một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) không gây ra bệnh Crohn nhưng sẽ khiến các triệu chứng Crohn’s disease trở nên nặng hơn.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Crohn?

Crohn’s disease có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, kể cả trẻ em và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các trường hợp sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao hơn như:

  • Người trong độ tuổi từ 15 – 35 tuổi.
  • Người từng mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột hoặc các bệnh lý ở ống tiêu hóa.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh Crohn, viêm loét tiêu hóa, polyp đại tràng, ung thư tiêu hóa,…
  • Người thường xuyên uống rượu bia, đồ uống có cồn, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
  • Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học, không vận động, thời gian sinh hoạt không hợp lý.
  • Người thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).

Sinh lý bệnh Crohn

Giai đoạn đầu của bệnh Crohn sẽ xuất hiện viêm ruột, viêm áp xe sau đó tiến triển thành loét áp-tơ khu trú. Các tổn thương này có thể phát triển theo chiều dọc hoặc chiều ngang trên lớp niêm mạc. Chúng tạo nên các vết loét xen kẽ nhau trên khắp thành ruột.

Viêm ruột dẫn đến sưng mô lymphô dưới niêm làm thành ruột và màng ruột dày lên. Ngoài ra, khi bệnh viêm ruột lan rộng có thể dẫn đến các triệu chứng khác như phì đại cơ niêm, xơ hóa, hẹp ống tiêu hóa dẫn đến tình trạng tắc ruột, các lớp mỡ ở mạc treo có thể xâm lấn vào lớp màng thanh dịch của ruột.

Biến chứng thường gặp của bệnh Crohn là áp xe ruột và xuất hiện các lỗ rò xung quanh các cơ quan lân cận như bàng quang, cơ thắt lưng chậu. Thậm chí, các lỗ rò có thể lan rộng đến da vùng bụng phía trước hoặc hông. Trong đó, các áp xe và lỗ rò hậu môn chiếm khoảng 25% – 33%.

Khi mắc bệnh Crohn, các phần ruột bị viêm của người bệnh được phân chia rõ ràng với các phần ruột khỏe mạnh (còn gọi là vùng bị bỏ qua hoặc tổn thương cách quãng). Chính vì vậy Crohn’s disease còn được gọi là viêm ruột từng vùng.

  • 35% các trường hợp mắc bệnh Crohn xảy ra ở hồi tràng (viêm hồi tràng).
  • 45% bệnh Crohn xuất hiện tại đại tràng và có liên quan đến hồi tràng (viêm hồi đại tràng). Phần lớn viêm hồi đại tràng xảy ra tại đại tràng phải.
  • 20% chỉ liên quan đến đại tràng (viêm đại tràng u hạt). Viêm đại tràng u hạt không có triệu chứng giống viêm loét đại tràng và không ảnh hưởng đến trực tràng.

Đôi khi, Crohn’s disease ảnh hưởng đến toàn bộ ruột non (viêm hỗng hồi tràng). Ống tiêu hóa trên thường ít bị ảnh hưởng nhưng đôi khi vẫn có một số trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi xuất hiện các triệu chứng bệnh Crohn ở môn vị dạ dày.

So sánh sinh lý bệnh Crohn và viêm loét đại – trực tràng

Sự khác biệt lớn nhất giữa sinh lý bệnh Crohnviêm loét đại tràng là mức độ xâm lấn. Hội chứng Crohn là tình trạng viêm toàn bộ bề dày của ruột, nó liên quan đến tất cả các lớp của thành ruột. Ngược lại, viêm loét đại tràng chủ yếu chỉ xảy ra ở lớp niêm mạc.

So sánh sinh lý bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
So sánh sinh lý bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Ở hình (2), ruột của bệnh nhân bị lớp mỡ bao bọc, phì đại cơ, niêm mạc ruột bị viêm, xuất hiện các khối u như sỏi và các lỗ rò xung quanh thành ruột.

Ảnh minh họa giải phẫu lớp cắt ruột so sánh bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Ảnh minh họa giải phẫu lớp cắt ruột so sánh bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn

Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh Crohn sẽ khác nhau và thay đổi theo thời gian. Nếu người mắc bệnh Crohn không được điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Các triệu chứng của bệnh Crohn là gì?

Các triệu chứng của bệnh Crohn thường xuất hiện phổ biến như đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón, sốt, chán ăn và sụt cân,… Những triệu chứng này rất dễ nhằm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác, vì vậy người bệnh thường xem nhẹ các triệu chứng, chủ quan, không chịu đi khám đến khi bệnh tiến triển nặng.

Dấu hiệu nhận biết và các triệu chứng ban đầu của bệnh Crohn có thể xuất hiện bao gồm:

Các triệu chứng thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh Crohn. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Các triệu chứng thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh Crohn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Trong những trường hợp bệnh trở nặng và không được điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Viêm ruột hoặc áp xe ruột.
  • Viêm gan, viêm đường mật.
  • Sỏi thận.
  • Xuất huyết tiêu hóa dẫn đến khó thở, thiếu máu, thiết sắt.
  • Các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa: Viêm da, đau mắt, đỏ mắt, đau xương khớp, viêm khớp, loãng xương, chậm phát triển ở trẻ em.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Cô Bác, Anh Chị hãy đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm khám nội soi tiêu hóa càng sớm càng tốt nếu cơ thể Cô Bác, Anh Chị xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh Crohn như trên. Ngoài ra, Cô Bác cũng nên chú ý một số dấu hiệu cảnh báo sau đây:

Những triệu chứng trên có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý tiêu hóa khác như hội chứng ruột kích thích, xuất huyết tiêu hóa, ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng. Vì vậy, khi phát hiện một trong các dấu hiệu, triệu chứng trên, Cô Bác, Anh Chị nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán loại trừ các bệnh lý liên quan.

Thông qua các bước khám lâm sàng, cận lâm sàng hoặc có thể bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện tầm soát ung thư trực tràng hoặc đại tràng để loại trừ các dấu hiệu ung thư. Ngoài ra, nếu hội chứng Crohn được điều trị trong giai đoạn sớm cũng sẽ hạn chế được những biến chứng nặng, mang lại hiệu quả điều trị cao và sớm kiểm soát được các triệu chứng.

Bệnh Crohn là bệnh lý viêm ruột mãn tính vì vậy cô chú nên đến gặp bác sĩ sớm nhằm ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra (Ảnh minh họa sưu tầm)
Bệnh Crohn là bệnh lý viêm ruột mạn tính vì vậy Cô Bác nên đến gặp bác sĩ sớm nhằm ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phương pháp chẩn đoán bệnh Crohn

Để chẩn đoán bệnh Crohn, bác sĩ sẽ kết hợp với các kết quả khám lâm sàng hoặc tầm soát ung thư đại tràng (nếu có) để loại trừ các bệnh lý hoặc dấu hiệu liên quan. Sau khi đã loại trừ các bệnh lý có thể mắc phải, Cô Bác, Anh Chị sẽ được chỉ định thực hiện một số phương tiện cận lâm sàng khác để xác định vị trí tổn thương do bệnh Crohn gây ra trong ống tiêu hóa.

Quy trình chẩn đoán bệnh Crohn được thực hiện như sau:

  • Thu thập các dấu hiệu, triệu chứng từ mô tả của Cô Bác, Anh Chị.
  • Chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý tiêu hóa giống với bệnh Crohn.
  • Thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh Crohn.
  • Tìm hiểu chính xác vị trí nào của ống tiêu hóa bị tổn thương.

Khi có kết quả chẩn đoán bệnh Crohn, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra liệu trình điều trị phù hợp với giai đoạn bệnh.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng sẽ bao gồm các bước thăm khám và thu thập thông tin sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị như:

  • Thăm khám bụng, nghe nhịp thở, mạch đập.
  • Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà bệnh nhân đang gặp phải.
  • Kiểm tra hồ sơ tiền sử bệnh án đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, các phẫu thuật, dị ứng với thuốc nếu có.
  • Kiểm tra các loại thuốc đã và đang sử dụng được kê đơn hoặc mua ngoài kể cả thực phẩm chức năng.
  • Hỏi tiền sử bệnh của gia đình có liên quan.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để xác định chính xác vị trí tổn thương do bệnh Crohn gây ra.

Các cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh Crohn gồm xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh. (Nguồn: verywell)
Các cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh Crohn gồm xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh. (Nguồn: Verywell)

Xét nghiệm

Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý liên quan đến bệnh viêm ruột Crohn như viêm đại tràng, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiêu hóa, ung thư tiêu hóa,… Một số loại xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC) giúp bác sĩ kiểm tra các chỉ số trong máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Ngoài ra, xét nghiệm máu định lượng sắt huyết thanh, ferritine, định lượng các khoáng chất, đo chỉ số CEA máu giúp xác định các bệnh lý như thiếu máu, viêm, loét, nhiễm trùng,…
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân giúp bác sĩ phát hiện tình trạng xuất huyết trong đường tiêu hóa, các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xuất hiện trong phân, viêm loét đại – trực tràng, ung thư đại – trực tràng,…
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu giúp loại trừ các bệnh lý liên quan đến Crohn’s disease. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu giúp loại trừ các bệnh lý liên quan đến Crohn’s disease. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Một số xét nghiệm khác để xác định chính xác tình trạng hội chứng Crohn mà bác sĩ có thể chỉ định như:

Xét nghiệm kháng thể để xác định dấu hiệu của hội chứng Crohn và viêm loét đại tràng.

  • Xét nghiệm kháng thể kháng Saccharomyces Cerevisiae (ASCA) những người có protein này có khả năng mắc bệnh Crohn cao hơn.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng tế bào chất chống bạch cầu trung tính (pANCA) những người có protein này có tỷ lệ mắc bệnh viêm loét đại tràng cao hơn.

Xét nghiệm chức năng gan.

Đo mật độ xương bằng phương pháp DXA ở mọi độ tuổi và giới tính.

Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán Crohn’s disease và loại trừ các trường hợp có triệu chứng tương tự khác. Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, dấu hiệu tổn thường và kết quả trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một trong các phương pháp nội soi sau đây:

  • Nội soi dạ dày giúp quan sát bên trong thành thực quản, dạ dày, tá tràng và phần trên của ruột non. Thông qua hình ảnh nội soi bệnh Crohn bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân gây ra các triệu chứng của hội chứng Crohn.
  • Nội soi đại trực tràng cho phép bác sĩ quan sát tình trạng toàn bộ đại tràng, trực tràng, ống hậu môn để tìm ra dấu hiệu của bệnh Crohn và xác định các vị trí thành niêm mạc bị tổn thương, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Nội soi toàn bộ ống tiêu hóa để chẩn đoán chính xác, xác định mức độ xâm lấn và quan sát được toàn bộ ống tiêu hóa. Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn tổng thể và biết được chính xác tất cả các vị trí viêm do hội chứng Crohn gây ra.
  • Nội soi đại tràng sigma cung cấp hình ảnh trực tiếp của phần xa đại – trực tràng và ống hậu môn.
  • Nội soi viên nang: Cô Bác, Anh Chị sẽ nuốt một camera nhỏ như viên nang giúp bác sĩ quan sát ống tiêu hóa thông qua đường đi của nó và được lấy ra qua việc đi đại tiện.
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh Crohn. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh Crohn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Đầu ống nội soi gắn camera có khả năng phóng đại trên 500 lần giúp bác sĩ soi đến mức độ tế bào, giảm khả năng xâm lấn, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI giúp kết quả chính xác và đồng nhất hơn.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ sinh thiết tế bào để phân tích và giải phẫu bệnh giúp kết quả chẩn đoán Crohn’s disease được chính xác hơn.

Chẩn đoán hình ảnh

Thông qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể phát hiện được tắc nghẽn, áp xe, lỗ rò hoặc các nguyên nhân khác giúp phân biệt Crohn’s disease với các bệnh lý tiêu hóa khác.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ xác định vị trí tổn thương bên trong ống tiêu hóa và tìm được phương pháp điều trị phù hợp.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp xác định vị trí cũng như mức độ bệnh hiệu quả cao hơn chụp X-quang thông thường, chụp CT giúp bác sĩ quan sát được các tổn thương bên trong lẫn bên ngoài toàn bộ ống tiêu hóa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) đặc biệt hữu ích để đánh giá các triệu chứng của bệnh Crohn và các bệnh lý tiêu hóa khác. Ảnh chụp MRI cũng thể hiện rõ chi tiết của cơ quan, mô và các vị trí bị tổn thương.
  • Chụp X-quang đối với các bệnh nhân có tình trạng đau bụng cấp tính, có thể sử dụng thêm thuốc cản quang Bari để có thể thấy hình ảnh trào ngược của Bari vào hồi tràng, không đều, dạng nốt, thâm nhiễm, dày thành và hẹp lòng ruột.

Tiên lượng và biến chứng bệnh Crohn

Theo khảo sát, Crohn’s disease khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát dấu hiệu, làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày nếu được phát hiện và điều trị sớm, tuân theo phác đồ điều trị bệnh Crohn và thích nghi với các liệu pháp điều trị bệnh.

Tiên lượng bệnh Crohn

Tiên lượng tử vong do bệnh Crohn rất thấp. Ung thư tiêu hóa, bao gồm ung thư trực tràng và ruột non tiến triển từ hội chứng Crohn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Khoảng 10% người bị tàn tật do bệnh Crohn và các biến chứng mà chúng gây ra.

Biến chứng bệnh Crohn

Tình trạng viêm làm tổn thương đoạn cuối của ruột non (hồi tràng) và phần đầu của đại tràng. Ngoài ra, bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn và các bộ phận khác của cơ thể như mắt và xương khớp. 

Crohn’s disease có thể dẫn đến một hoặc nhiều biến chứng sau:

  • Tắc ruột.
  • Viêm loét ống tiêu hóa.
  • Xuất hiện lỗ rò gây thủng ống tiêu hóa, áp xe, nhiễm trùng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Nứt hậu môn.
  • Sụt cân không kiểm soát, suy dinh dưỡng.
  • Xuất hiện các khối máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.
  • Ung thư đại – trực tràng và ung thư hậu môn.
  • Các vấn đề sức khỏe khác như thiếu máu, loãng xương, viêm khớp, viêm túi mật, viêm gan,…
  • Gây ra các bệnh lý khác như loãng xương, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, đái tháo đường, huyết áp cao,…

Vì thế, gói tầm soát ung thư tiêu hóa sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị kiểm tra toàn bộ hệ tiêu hóa, xác định các dấu hiệu, biểu hiện bất thường nhằm phát hiện ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp ở ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa.

Phương pháp điều trị bệnh Crohn

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị bệnh Crohn triệt để. Nguyên tắc điều trị chung của Crohn’s disease là làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng. Nhờ đó, bệnh nhân cảm thấy thoải mái, sinh hoạt bình thường và không chịu ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống hằng ngày.

Để làm giảm các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng Crohn, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh Crohn như chống viêm, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, thuốc kháng sinh, hoạt chất sinh học, thay đổi chế độ ăn uống của người bệnh và có thể thực hiện phẫu thuật nếu bệnh tiến triển nặng.

Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh Crohn theo chỉ định của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín.

Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm là bước đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh Crohn. Một số loại thuốc chống viêm thường được bác sĩ kê đơn như:

– Thuốc corticoid (còn được gọi là corticosteroid hay steroid): Thuốc corticosteroid làm giảm tình trạng viêm tại mọi cơ quan không chỉ riêng hệ tiêu hóa. Thuốc có tác dụng nhanh chóng và làm dịu các triệu chứng chỉ sau vài ngày sử dụng. Khi sử dụng thuốc corticoid người bệnh cần lưu ý:

  • Thuốc có thể không có tác dụng với tất cả bệnh nhân Crohn.
  • Corticosteroid có thể dùng để cải thiện triệu chứng và làm thuyên giảm bệnh ngắn hạn (từ 3 – 4 tháng).
  • Corticosteroid có thể sử dụng kết hợp với thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Chỉ được sử dụng corticoid nếu cơ thể bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Corticoid có nhiều tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng thậm chí nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này sẽ rõ ràng khi sử dụng corticoid liều cao hoặc trong một thời gian dài như: giữ lại natri (muối) trong cơ thể gây tăng cân, huyết áp cao, mất kali, đau đầu, yếu cơ, bọng mắt, loét dạ dày tá tràng, kinh nguyệt không đều,… Tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gây chậm phát triển ở trẻ, thậm chí dẫn đến co giật hoặc loạn tâm thần.

– Thuốc uống 5-aminosalicylates (5-ASA): loại thuốc này có chứa sulfa và mesalamine. Thuốc uống 5-aminosalicylates đã từng được sử dụng phổ biến rộng rãi. Hiện nay loại thuốc này được đánh giá có lợi ích rất hạn chế.

Thuốc chống viêm corticoid là bước đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh Crohn.
Thuốc chống viêm corticoid là bước đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh Crohn.

Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch

Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch giúp cơ thể giảm viêm và ảnh hưởng hệ thống miễn dịch nơi sinh ra các chất gây viêm. Trong một số trường hợp, kết hợp các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng thuốc đơn lẻ.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể giúp bệnh nhân Crohn tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm lượng dịch tiết ra từ lỗ rò, áp xe, đôi khi có thể chữa lành chúng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thuốc kháng sinh ức chế vi khuẩn có hại, kích hoạt hệ thống miễn dịch và dẫn đến viêm đường ruột.

Dựa vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh được kê toa.

Một số loại thuốc phối hợp khác

Ngoài việc điều trị các dấu hiệu viêm, một số loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của người bệnh như:

  • Thuốc trị tiêu chảy: các thực phẩm bổ sung chất xơ như bột metamucil, thuốc loperamide.
  • Thuốc giảm đau: đối với những cơn đau nhẹ, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh sử dụng thuốc paracetamol.
  • Vitamin và dưỡng chất bổ sung: giúp người bệnh bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Liệu pháp dinh dưỡng

Bác sĩ sẽ đề nghị liệu pháp dinh dưỡng đặc biệt như truyền chất dinh dưỡng qua đường uống hoặc qua tĩnh mạch để điều trị bệnh Crohn. Liệu pháp dinh dưỡng này giúp hệ thống tiêu hóa của người bệnh được nghỉ ngơi mà vẫn đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Trong thời gian hạn chế ruột hoạt động, bác sĩ có thể điều trị kết hợp các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch giúp làm giảm tình trạng viêm.

Phẫu thuật cắt bỏ

Phương pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện khi các liệu pháp khác không làm giảm các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo CCFA, khoảng 70% các ca mắc hội chứng Crohn phải thực hiện phẫu thuật ít nhất một lần. Tuy nhiên, phẫu thuật không giúp chữa khỏi bệnh Crohn’s disease.

Dựa vào quá trình nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh và theo dõi tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị tổn thương nghiêm trọng và nối phần ruột khỏe mạnh lại với nhau. Phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh Crohn cũng có thể kết hợp để mở rộng ruột, đóng lỗ rò, dẫn lưu áp xe.

Nhược điểm của phẫu thuật là bệnh thường tái phát tại các mô nối, dễ bị nhiễm trùng hoặc xuất huyết tiêu hóa. Cách tốt nhất để chữa bệnh Crohn là kết hợp với thuốc để giảm thiểu nguy cơ tái phát.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa bệnh Crohn

Mặc dù chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng dựa vào các yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể đưa ra một số phương pháp phòng ngừa bệnh Crohn hiệu quả. Sau đây là một số biện pháp tại nhà giúp Cô Bác, Anh Chị giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Crohn:

  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm 1 lần và nội soi tiêu hóa mỗi 10 năm đối với người lớn trên 50 tuổi.
  • Thực hiện nội soi định kỳ sớm hơn 10 năm so với tuổi của người thân nếu gia đình có tiền sử mắc Crohn’s disease.
  • Hạn chế hoặc ngưng hút thuốc lá và tránh đến những nơi có khói thuốc.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn, các chất kích thích, gây nghiện như cà phê, trà,…
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và hợp lý, bổ sung nhiều chất xơ và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo.
  • Không lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm NSAID và cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
  • Nếu có triệu chứng bất thường như đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược,… hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.
Phương pháp phòng ngừa bệnh Crohn tốt nhất là thực hiện khám sức khỏe và nội soi tiêu hóa định kỳ theo tư vấn của bác sĩ. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Phương pháp phòng ngừa bệnh Crohn tốt nhất là thực hiện khám sức khỏe và nội soi tiêu hóa định kỳ theo tư vấn của bác sĩ. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những điều cần lưu ý về bệnh Crohn

  • Bệnh Crohn đại tràng và hồi tràng là 2 loại bệnh phổ biến nhất, nhưng ít ảnh hưởng đến trực tràng.
  • Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Crohn là đau bụng, tiêu chảy kéo dài và xuất huyết tiêu hóa (dù rất hiếm gặp).
  • Các biến chứng hội chứng Crohn như tắc ruột, áp xe bụng và các lỗ rò ruột ra da.
  • Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột Crohn thường được sử dụng là các loại thuốc chống viêm, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, thuốc kháng sinh,…
  • Khoảng 70% trường hợp Crohn’s disease cần phẫu thuật để điều trị khi tắc ruột, lỗ rò và áp xe.

Người mắc bệnh Crohn nên ăn và kiêng ăn gì?

Hội chứng Crohn là bệnh lý ảnh hưởng trên toàn bộ đường tiêu hóa, vì vậy, Cô Bác, Anh Chị cần lưu ý một số thực phẩm nên ăn và kiêng ăn. Sau đây là những khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng của bác sĩ dành cho người mắc bệnh Crohn:

  • Không sử dụng các loại thực phẩm hết hạn, để lâu ngày.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ, các thực phẩm chiên, nướng.
  • Tăng cường, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây và tránh các loại hạt, bỏng ngô, ngũ cốc,…
  • Uống nhiều nước, hạn chế các loại nước ngọt, nước có gas, thức uống chứa caffeine và cồn.
  • Bổ sung các vitamin và dưỡng chất nhờ các thực phẩm chức năng hoặc sử dụng nhiều rau củ quả chứa vitamin.
  • Duy trì cân nặng và rèn luyện thể dục thể thao hợp lí.
  • Nhờ các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn uống và tập luyện thể thao khoa học và phù hợp dành riêng cho Cô Bác, Anh Chị.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Khatri, Minesh, biên tập viên. Crohn’s Disease. 27 06 2020. www.webmd.com/ibd-crohns-disease/crohns-disease/digestive-diseases-crohns-disease (đã truy cập 05 24, 2021).
  3. Holland, Kimberly. Understanding Crohn’s Disease. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 16 04 2021. www.healthline.com/health/crohns-disease (đã truy cập 05 24, 2021).
  4. Mayo Clinic Staff. Crohn’s disease. 13 10 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/crohns-disease/symptoms-causes/syc-20353304 (đã truy cập 05 24, 2021).
  5. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Crohn’s Disease. 09 2017. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/crohns-disease (đã truy cập 05 24, 2021).
  6. The Crohn’s & Colitis Foundation of America (CCFA). “The Facts About Inflammatory Bowel.” CROHN’S & COLITIS FOUNDATION. 09 2014. https://www.crohnscolitisfoundation.org/sites/default/files/2019-02/Updated%20IBD%20Factbook.pdf (đã truy cập 05 24, 2021).
  7. Walfish, Aaron E. Viêm ruột vùng, Viêm hồi tràng u hạt, Viêm hồi đại tràng u hạt. 10 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/bệnh-viêm-ruột-ibd/bệnh-crohn (đã truy cập 05 24, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: