Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh tiêu chảy là bệnh lý rối loạn tiêu hóa phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Theo thống kê từ Tổ chức y tế Thế giới (WHO), bệnh tiêu chảy lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai về nguyên nhân khiến trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và tử vong. Bệnh tiêu chảy cấp tính hoặc kéo dài do nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng và bùng thành dịch đối với khu vực đông dân và sử dụng chung nguồn nước uống.

Mặc dù tiêu chảy có thể ngăn ngừa và điều trị thông qua đảm bảo nguồn nước sạch và vệ sinh đầy đủ. Nhưng tình trạng này còn có thể là biểu hiện của các bệnh lý tiêu hóa khác. Vì vậy Cô Bác, Anh Chị cần theo dõi và nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiêu chảy để đến ngay cơ sở y tế.

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh tiêu chảy là gì?

Bệnh tiêu chảy (tên tiếng Anh: diarrhea) là tình trạng đi ngoài (đại tiện) phân lỏng hoặc nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Nếu tình trạng bệnh tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy ồ ạt có thể khiến cơ thể mất nước, chất điện giải, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức,… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

bệnh tiêu chảy là bệnh gì
Tiêu chảy kéo dài có thể ảnh hưởng đến đời sống người bệnh cũng như khiến tình trạng sức khỏe trở nên nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Phân loại bệnh tiêu chảy

Dựa trên thời gian mắc bệnh mà tiêu chảy có thể được phân loại thành tiêu chảy cấp tính hoặc mạn tính. Mỗi loại tiêu chảy có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, người bị tiêu chảy khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường (ngày càng trầm trọng, kéo dài không hết) nên nhanh chóng đi thăm khám bác sĩ.

Tiêu chảy cấp tính

Tiêu chảy cấp tính được định nghĩa là tình trạng tiêu chảy phân lỏng, toàn nước kéo dài không quá 2 tuần. Trong tiêu chảy cấp tính có thể được chia thành 2 loại là tiêu chảy phân toàn nước và tiêu chảy phân kèm máu (còn gọi là kiết lỵ).

2 loại tiêu chảy cấp tính là:

  • Tiêu chảy phân toàn nước: Người tiêu chảy cấp toàn nước số lần đi ngoài nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài từ 2 – 3 ngày hoặc dưới 2 tuần và có thể tự hết. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do virus (rotavirus, norovirus,…) hoặc một số loại vi khuẩn.
  • Tiêu chảy phân kèm máu (kiết lỵ): là tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng với máu và chất nhầy lẫn trong phân. Người bệnh có thể biểu hiện sốt, buồn nôn và nôn. Nguyên nhân phổ biến là do nhiễm phải vi khuẩn Shigella. Người bị nhiễm có thể ủ bệnh trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Tiêu chảy mạn tính

Là tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc tái đi tái lại trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần hoặc dài hơn. Người bệnh tiêu chảy mạn tính thường có một số triệu chứng kèm theo với đau bụng, đầy bụng, buồn nôn. Tiêu chảy mạn tính có thể bắt nguồn từ tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohnviêm loét đại tràng, bệnh Celiac,…

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Nguyên nhân tiêu chảy đến từ nhiều yếu tố khác nhau như nhiễm trùng đường ruột, tác dụng phụ của thuốc, dị ứng thức ăn, bất dung nạp đường lactose, hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý tiêu hóa,… Cụ thể:

Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy đến từ nhiều yếu tố khác nhau. (Nguồn: GI Associates)

Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp tính

Một số nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp tính phổ biến là:

Nhiễm trùng đường ruột

Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy và chúng thường lây lan qua đường phân-miệng. Quá trình lây nhiễm xảy ra khi một người tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm như tay nắm cửa, nút, mặt bàn, lắc tay hoặc ăn phải thực phẩm, đồ uống bị ô nhiễm (đây cũng là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm dẫn đến tiêu chảy).

Nguyên nhân do virus

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy cấp tính và có liên quan chủ yếu đến 4 loại virus sau:

  • Norovirus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm dạ dày (viêm bao tử) do thực phẩm ở Hoa Kỳ.
  • Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em Mỹ và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em tại các nước đang phát triển.
  • Adenovirus bao gồm một họ hơn 50 loại phụ. Loại 40 và 41 là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy ở người. Các loại phụ siêu vi khuẩn Adenoviral khác bao gồm virus cảm lạnh.
  • Astrovirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở người già, trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm.

Nguyên nhân do vi khuẩn

Mặc dù nguyên nhân gây tiêu chảy do vi khuẩn ít phổ biến hơn ở Mỹ so với tiêu chảy do virus, nhưng rối loạn tiêu chảy do vi khuẩn thường dẫn đến bệnh kiết lỵ do sự phát triển của các vết loét và viêm trong ruột.

“Kiết lỵ” là thuật ngữ chỉ những bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy nhiễm trùng hoặc viêm dẫn đến thường xuyên đi ngoài ra phân nhỏ hơn có chứa nhiều chất nhầy kèm hoặc không kèm xuất huyết.

Một số loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ở người lớn phổ biến nhất, bao gồm:

  • Salmonella enteritidis có thể gây tiêu chảy cấp, sốt và đau quặn bụng trong vòng 12 đến 72 giờ sau khi sử dụng thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm.
  • Escherichia coli (đặc biệt là E. coli 0157) lây lan qua thực phẩm và sản phẩm sữa bị ô nhiễm, có thể dẫn đến tình trạng viêm đại tràng xuất huyết.
  • Shigella phổ biến ở cả Hoa Kỳ và trên thế giới, thường có thể gây tiêu chảy xuất huyết, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo.
  • Campylobacter là một trong những bệnh nhiễm trùng qua đường thực phẩm và có thể gây tiêu chảy xuất huyết do viêm đường ruột cấp tính.
  • Nhiễm khuẩn Vibrio thường liên quan đến việc ăn hải sản sống hoặc sushi.
  • Staphylococcus aureus tiết ra độc tố có thể gây tình trạng tiêu chảy cấp tính.
  • Clostridium difficile là nguyên nhân làm tăng tình trạng nhiễm trùng, thường liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng sinh trước đó hoặc đồng thời. Ngày nay, nó là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy kéo dài trong khi bệnh nhân nhập viện điều trị.
  • Yersinia là một loại vi khuẩn có thể gây ra một số bệnh khác nhau ở người. Yersinia enterocollitica là nguyên nhân phổ biến của bệnh tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn. Ngược lại, Yersinia pestis đã được phân lập như một nguyên nhân chính gây ra bệnh dịch hạch. Yersinia thường được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa.
nguyên nhân gây tiêu chảycấp tính do vi khuẩn
Người bệnh rối loạn tiêu chảy do vi khuẩn thường có thể dẫn đến bệnh kiết lỵ (Ảnh minh họa sưu tầm).

Nguyên nhân do ký sinh trùng

Động vật nguyên sinh là nguyên nhân chính của bệnh tiêu chảy do ký sinh trùng ở cả Hoa Kỳ và trên thế giới. Các sinh vật đơn bào này có nhiều dạng và thường được truyền qua nước uống bị nhiễm bệnh. Ba nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy do ký sinh trùng gồm:

  • Giardia lamblia được truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc do tiếp xúc giữa người với người, có thể dẫn đến tiêu chảy cấp tính trong vòng hai ngày kể từ khi nhiễm bệnh.
  • Entamoeba histolytica có liên quan đến lây truyền qua đường miệng và có thể gây tiêu chảy xuất huyết khi những ký sinh trùng này xâm nhập vào thành ruột.
  • Cryptosporidium được biết là gây ra cả bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa. Loại ký sinh trùng này được đặc trưng bởi sự phát triển trong phân lỏng.

Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc, như kháng sinh, có thể gây tiêu chảy. Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn tốt và xấu, có thể làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong đường ruột.
Các loại thuốc khác cũng có thể gây tiêu chảy như thuốc đặc trị ung thư, thuốc kháng axit có magie hay việc lạm dụng thuốc nhuận tràng.

Không dung nạp đường lactose

Lactose là một loại đường có trong thành phần của sữa. Phụ thuộc vào cơ địa mà một số người không có khả năng hấp thụ và tiêu hóa hoàn toàn lượng đường này. Từ đó, dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy hoặc đầy hơi sau khi sử dụng các sản phẩm từ sữa.

Tiêu chảy khi mang thai

Những thay đổi nội tiết tố, thay đổi chế độ ăn hay tâm lý lo lắng, căng thẳng trong thai kỳ có thể gây ra những vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,…

Ngoài ra, một số bệnh về đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy mạn tính (dai dẳng) ở giai đoạn đầu có thể nhầm lẫn với tiêu chảy cấp, ví dụ như tiêu chảy do viêm loét đại tràng,…

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy mạn tính

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy mạn tính, kéo dài có thể do:

  • Chế độ ăn uống
  • Dị ứng thức ăn
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Nhiễm trùng đường ruột
  • Bệnh viêm ruột (IBD)
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy mạn tính do bệnh tiêu hóa
Nguyên nhân bệnh tiêu chảy mạn tính có thể do các bệnh lý tiêu hóa gây ra. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Chế độ ăn uống

  • Uống quá nhiều rượu hoặc caffeine: Uống một lượng lớn rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine có thể dẫn đến đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Khi ngừng sử dụng các sản phẩm trên, tình trạng này sẽ được cải thiện và chấm dứt.
  • Đường và chất tạo ngọt nhân tạo: Một số chất tạo ngọt nhân tạo có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu chảy. Chúng bao gồm sorbitol, mannitol, fructose có trong các sản phẩm đường sữa, bánh kẹo hoặc nước ngọt.

Dị ứng thức ăn

Những người mắc bệnh Celiac rất nhạy cảm với gluten, một thành phần chính của bột mì có thể gây tiêu chảy và giảm cân. Bệnh nhân không dung nạp lactose sẽ bị tiêu chảy khi họ ăn sữa.

Tác dụng phụ của thuốc

Bệnh tiêu chảy kéo dài ở người lớn có thể do tác dụng phụ khi dùng một số thuốc như:

  • Hầu hết các thuốc kháng sinh: cefpodoxim, amoxicillin, ampicillin,…
  • Một số thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc kháng axit có chứa magiê.
  • Thuốc nhuận tràng và chất làm mềm phân.
  • Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprazole,…
  • Hóa chất điều trị ung thư.
  • Ngoài ra, một số thảo dược như trà thảo dược có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.

Nhiễm trùng đường ruột

Trong một số trường hợp, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng đường ruột gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài. Ví dụ lỵ trực khuẩn, lỵ amip, cryptosporidium, đơn bào giardia,… Khi đó, xét nghiệm phân là phương pháp cần thiết để phát hiện và chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng.

Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)

Hai loại bệnh lý ruột mạn tính phổ biến nhất là bệnh Crohnviêm loét đại tràng. Ngoài triệu chứng rối loạn tiêu hóa, một số dấu hiệu khác có thể xuất hiện như mệt mỏi, sốt, buồn nôn, đau bụng tiêu chảy, có máu trong phân (tiêu chảy ra máu).

Những nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân ít gặp có thể gây ra bệnh tiêu chảy mạn tính, bao gồm:

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Rối loạn chức năng của đại tràng có thể gây tiêu chảy, táo bón hoặc táo bón xen kẽ tiêu chảy.
  • Rối loạn nội tiết: Ví dụ cường giáp, đái tháo đường gây ra các vấn đề về đại tiện.
  • Phẫu thuật: Tiêu chảy có thể là một biến chứng của một số loại phẫu thuật ổ bụng hoặc ống tiêu hóa.
  • Các khối u hiếm gặp như khối u carcinoid tiết ra chất gây tiêu chảy.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy?

Mọi người ở mọi độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý đều có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa dẫn đến bệnh tiêu chảy. Đặc biệt, nhóm người đi du lịch đến các quốc gia đang phát triển rất dễ bị “tiêu chảy du lịch” do ăn phải thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm.

nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy đến những ai
Những người thường đi du lịch đến các nước đang phát triển có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy du lịch. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những người có nguy cơ cao bị tiêu chảy bao gồm:

  • Người sống chung với người bị tiêu chảy cấp hoặc mạn tính, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh, sử dụng chung đồ dùng với người bệnh.
  • Người sống tại môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Người có tập tính ăn uống không vệ sinh, không rửa kỹ rau sống trước khi ăn, thường ăn thủy hải sản chưa nấu chín kỹ.
  • Trẻ em bị suy dinh dưỡng, còi xương, không được bú mẹ trong 6 tháng đầu,…
  • Người lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc NSAIDs.
  • Người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, hóa trị, ung thư, đái tháo đường.

Tham khảo thêm >> Bảng chỉ số đường huyết chuẩn dành cho bệnh nhân đái tháo đường.

Sinh lý bệnh tiêu chảy

Cơ chế bệnh tiêu chảy gồm 4 nhóm sau: (1) tăng nhu động, (2) thẩm thấu, (3) xuất tiết và (4) phản ứng viêm.

Tiêu chảy do tăng nhu động

Các bệnh lý gây tăng nhu động làm vượt quá tốc độ hấp thu nước của ruột dẫn đến tăng lượng nước trong phân và gây tiêu chảy.

Một số bệnh lý hoặc phương pháp điều trị có thể làm tăng nhu động ruột gây tiêu chảy bao gồm:

  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp).
  • Hội chứng Zollinger – Ellison: tình trạng sản xuất quá nhiều axit do khối u.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, ruột non hoặc ruột già, bệnh lý ruột mạn tính như viêm loét đại tràng, phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
  • Sử dụng các loại thuốc kháng axit có chứa Magie, thuốc nhuận tràng, Prostaglandin, Serotonin thậm chí cả caffeine.
  • Nhiều loại thực phẩm đặc biệt có tính axit hoặc lượng đường cao như bánh quế hoặc xi-rô có thể làm tăng tốc độ vận chuyển.
  • Một số người không dung nạp được các loại thực phẩm như sữa và luôn bị tiêu chảy sau khi ăn chúng.
  • Tình trạng tâm lý căng thẳng.

Tiêu chảy thẩm thấu

Tiêu chảy thẩm thấu xảy ra khi một số chất không được hấp thụ qua thành ruột , điều này gây ra một nồng độ lớn chất đó trong lòng ruột làm kéo nước từ các tế bào biểu mô ruột vào trong lòng ruột vượt quá khả năng tái hấp thu của đại tràng dẫn đến tiêu chảy.

Một số loại thực phẩm như trái cây và đậu, chất thay thế đường trong thực phẩm ăn kiêng, kẹo và kẹo cao su có thể gây ra tiêu chảy thẩm thấu.

Ngoài ra, sự thiếu hụt lactase cũng có thể dẫn đến tiêu chảy. Lactase là một loại enzym xuất hiện trong ruột non, có chức năng chuyển hóa đường lactose thành glucose và galactose để chúng có thể hấp thụ vào máu.

Cơ chế sinh lý gây bệnh tiêu chảy
Cơ chế gây bệnh tiêu chảy có thể do hội chứng không dung nạp Lactose. (Nguồn Vimed.org)

Đối với những người bị thiếu men lactose, khi uống sữa hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa thì đường lactose sẽ không được chuyển hóa và tích tụ bên trong ruột.

Mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy thẩm thấu phụ thuộc vào lượng chất thẩm thấu được tiêu thụ, bệnh tiêu chảy cũng có thể chấm dứt khi bệnh nhân ngừng sử dụng thực phẩm đó.

Sự phát triển quá mức của các vi khuẩn đường ruột hoặc virus, ký sinh trùng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tiêu chảy thẩm thấu.

Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng sinh nếu không sử dụng đúng cách, lạm dụng hoặc không được sự đồng ý của bác sĩ cũng có thể tiêu diệt các lợi khuẩn, gây nên tiêu chảy thẩm thấu.

Tiêu chảy xuất tiết

Tiêu chảy xuất tiết là do tăng bài tiết các men tiêu hoá, dịch, các chất điện giải vào trong lòng ruột vượt quá khả năng hấp thu của đại tràng. Một số độc tố đến từ nhiễm trùng tả, nhiễm vi khuẩn (Campylobacter) hoặc ký sinh trùng (Cryptosporidium) cũng có thể kích thích tiết dịch.

Các nguyên nhân khác có thể gây tiết muối bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng như dầu thầu dầu, axit mật (có thể tích tụ sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột non).
  • Một số khối u hiếm gặp như ung thu biểu mô tuyến, khối u tuyến tụy, khối u dạ dày đôi khi là các polyp. Bác sĩ khuyến khích tầm soát ung thư tiêu hóa nếu Cô Bác, Anh Chị có dấu hiệu tiêu chảy xuất huyết.

Tiêu chảy do viêm

Tiêu chảy do viêm xảy ra khi lớp niêm mạc đại tràng bị viêm, loét, căng cứng và tiết ra máu, chất nhầy hoặc các chất lỏng khác, làm tăng khối lượng và độ lỏng của phân.

Nguyên nhân gây tiêu chảy do viêm có thể đến từ nhiều bệnh lý khác nhau như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, bệnh lao, ung thư hạch, ung thư biểu mô tuyến,…

triệu chứng bệnh tiêu chảy do viêm
Tiêu chảy cũng có thế là triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa khác. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Lớp niêm mạc của trực tràng nhạy cảm hơn đại tràng, vì vậy, khi chúng bị tổn thương sẽ khiến người bệnh cảm thấy phải đi tiêu gấp, đi nhiều lần và liên tục.

Dấu hiệu và triệu chứng tiêu chảy

Các triệu chứng xuất hiện phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, vì thế Cô Bác, Anh Chị có thể gặp một hoặc nhiều các triệu chứng bệnh tiêu chảy, bao gồm:

  • Đi ngoài phân lỏng, nhiều nước.
  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng, co thắt cơ bụng.
  • Đau quặn bụng.
  • Sốt.
  • Xuất hiện máu, dịch nhầy trong phân.
  • Buồn nôn.
dấu hiệu tiêu chảy kéo dài gây mất nước
Tiêu chảy kéo dài có thể sẽ gây ra mất nước, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, sốt cao,… (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra với mọi nguyên nhân ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, chúng cũng có thể tự hết sau vài lần đi vệ sinh. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ tại cơ sở y tế nếu gặp các dấu hiệu nguy hiểm sau:

Dấu hiệu cảnh báo tiêu chảy ở người lớn

Sau đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiêu chảy ở người lớn:

  • Tình trạng tiêu chảy kéo dài liên tục sau 2 ngày.
  • Cơ thể bị mất nước khiến nhịp tim tăng, mệt mỏi, đau đầu, khát nước, giảm đi tiểu, lượng nước tiểu ít đi.
  • Đau quặn bụng hoặc đau trực tràng dữ dội.
  • Đi ngoài ra máu hoặc phân đen.
  • Sốt cao trên 39ºC.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi, bệnh tiêu chảy cấp có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng và gây nguy hiểm đến tính mạng. Hãy liên hệ ngay với trung tâm y tế gần nhất nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Triệu chứng tiêu chảy kéo dài liên tục trong 24h hoặc hơn, đi tiêu trên 8 lần trong vòng 6 giờ.
  • Cơ thể mất nước (trẻ rất khát, khô miệng, mệt mỏi, da khô, mắt trũng sâu, khóc không có nước mắt, tiểu ít, tã ướt ít hơn bình thường và số lần thay tã ít hơn bình thường).
  • Nôn ói nhiều, đau bụng. Sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 39ºC.
  • Đi cầu ra máu hoặc tiêu ra phân đen, phân màu hắc ín.
  • Trẻ yếu đi, lừ đừ, li bì.

Phương pháp chẩn đoán bệnh tiêu chảy

Chẩn đoán, khám bệnh tiêu chảy có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh từ ngay giai đoạn thăm khám và hỏi tình trạng sức khỏe, triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải. Ngoài các triệu chứng, bác sĩ cũng sẽ dựa vào các dấu hiệu, tiền sử bệnh lý và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh được chính xác.

Khám lâm sàng

Trong bước khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng, dấu hiệu, tiền sử bệnh, thời gian xuất hiện, tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy.

Sau đó, người bệnh sẽ được khám sức khỏe tổng quát, dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả khám sức khỏe bác sĩ sẽ nêu ra các nguyên nhân gây tiêu chảy và các xét nghiệm cần thực hiện.

chẩn đoán bệnh tiêu chảy từ phương pháp khám lâm sàng
Chẩn đoán bệnh tiêu chảy dựa vào các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng để xác định nguyên nhân gây. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các câu hỏi của bác sĩ sẽ tập trung vào thời gian, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tiền sử bệnh cá nhân và gia đình như:

  • Tiêu chảy xuất hiện khi nào và kéo dài bao lâu, có lặp đi lặp lại không, đi bao nhiêu lần trong một ngày?
  • Mức độ tiêu chảy như thế nào? (ít, nhiều hay ồ ạt)
  • Tính chất của phân như thế nào? (lỏng nước, lợn cợn, nhầy, mủ, máu…)
  • Có triệu chứng nào kèm theo hay không? (đau bụng, nôn ói, khát, khó thở, tiểu ít, sụt cân…)
  • Gần đây, Cô Bác, Anh Chị có đi du lịch xa hay ăn những loại thực phẩm mới nào không?
  • Cô Bác, Anh Chị có đang hay đã từng mắc bệnh lý hoặc đang dùng thuốc điều trị nào không? (kể cả thực phẩm chức năng)
  • Người thân trong gia đình có ai mắc bệnh về tiêu hóa hay ung thư không?

Sau khi có kết quả và dự đoán được các nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các cận lâm sàng để tìm dấu hiệu của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc loại trừ các bệnh lý liên quan như xuất huyết tiêu hóa, viêm loét đại tràng hoặc dấu hiệu ung thư.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa hoặc chẩn đoán hình ảnh để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Xét nghiệm

Xét nghiệm máu và xét nghiệm phân là hai loại xét nghiệm thường được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy.

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để phát hiện các bất thường về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và chất điện giải. Thiếu máu gợi ý tình trạng mất máu, cơ thể kém hấp thu, nhiễm trùng hoặc u bướu. Đối với trường hợp bạch cầu ái toan tăng có thể liên quan đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng, bệnh dị ứng.
  • Xét nghiệm PCR trên phân để kiểm tra các bất thường như máu ẩn trong phân, dấu hiệu viêm hoặc sự hiện diện của các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây tiêu chảy như Campylobacter, Yersinia, Amebas, GiardiaCryptosporidium.

Đối với các trường hợp mắc tiêu chảy mạn tính kéo dài từ 3 – 4 tuần hoặc 1 – 3 tuần đối với những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ cần phải thực hiện thêm xét nghiệm chất béo để xác định tình trạng kém hấp thu.

xét nghiệm tìm nguyên nhân gây tiêu chảy
Xét nghiệm phân và xét nghiệm máu là hai phương pháp giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Đôi khi, kiểm tra hơi thở cũng được áp dụng giúp bác sĩ kiểm tra độ hấp thụ carbohydrate trong chế độ ăn uống.

Ngoài ra, đối với những bệnh nhân rất trẻ hoặc đã lớn tuổi xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như mất nước, máu lẫn trong phân, sốt cao, đau quặn bụng, hạ huyết áp,… cần thực hiện thêm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, điện giải đồ, BUN (đo lượng Nito có trong ure) và Creatinine (chỉ số phản ánh chức năng của thận).

Nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa không chỉ dùng để chẩn đoán các bệnh lý của ống tiêu hóa (ống tiêu hoá trên, ống tiêu hoá dưới), mà còn giúp tầm soát ung thư ống tiêu hóa hiệu quả. Với nội soi, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương nghi ngờ và làm sinh thiết mẫu mô bất thường gửi giải phẫu bệnh, từ đó chẩn đoán bệnh lý ở mức tế bào giúp phát hiện ung thư sớm.

endoclinic.vn – Trung tâm Nội soi & Chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa hàng đầu Việt Nam

endoclinic.vn là trung tâm nội soi hiếm hoi chuyên sâu tầm soát và chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa.

Không chỉ sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm đến từ các bệnh viện lớn, endoclinic.vn còn trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại như: Máy nội soi tiên tiến với độ phóng đại 100-135 lần, màn hình nội soi độ phân giải 4K, chế độ nhuộm ảo (NBI) giúp bác sĩ quan sát rõ nét các tổn thương trong lòng ống tiêu hóa.

Đặc biệt, endoclinic.vn còn kết hợp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê), vừa giúp khách hàng cảm thấy thoải mái; vừa tăng tỷ lệ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác lên tới 90% – 95%, và Tầm soát ung thư chính xác lên tới 95% – 99%.

nội soi ống tiêu hóa tìm nguyên nhân gây tiêu chảy
endoclinic.vn ứng dụng hệ thống máy nội soi tiên tiến, kết hợp dịch vụ nội soi không đau, giúp Bác sĩ chẩn đoán bệnh lý chính xác. (Nguồn ảnh Endo Clinic).

Sau chẩn đoán, dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân mà Bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị theo Guideline và thuốc kê đơn Brandname chính hãng. Khách hàng còn được bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

> Tìm hiểu ngay dịch vụ nội soi tiêu hóa tại noisoitieuhoa.com!

Chẩn đoán hình ảnh

Trong quá trình thăm khám, Bác sĩ có thể chỉ định một số chẩn đoán hình ảnh như:

  • Siêu âm để loại trừ các vấn đề bất thường về cấu trúc của hệ tiêu hóa.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng có thể cần thiết để đánh giá vị trí, kích thước các khối u, ổ viêm loét và tình trạng hoạt động của ruột.

Biến chứng của bệnh tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, nếu được xử lý đúng cách, bệnh sẽ không gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không điều trị sớm, có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như cơ thể bị mất nước nặng có thể rơi vào hôn mê, suy kiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây trụy mạch, suy dinh dưỡng,…

Các biến chứng của bệnh tiêu chảy có thể gặp phải như:

  • Hăm loét đỏ vùng hậu môn nếu đi ngoài nhiều lần.
  • Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tác động bất lợi đến sự tăng trưởng của trẻ em và sự phát triển nhận thức. Lý do chính là trẻ ăn ít đi khi bị tiêu chảy và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị giảm một phần. Trẻ em tử vong vì tiêu chảy phần lớn đều bị suy dinh dưỡng, đồng thời tiêu chảy kéo dài cũng sẽ khiến cho tình trạng suy dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn.
  • Mất nước: Tiêu chảy ồ ạt hoặc kéo dài sẽ gây ra tình trạng mất nước cho cơ thể, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu. Đối với trẻ nhiễm HIV, nếu mắc bệnh tiêu chảy, tỷ lệ tử vong cao gấp 11 lần so với trẻ không nhiễm HIV (Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ).

Trong giai đoạn tiêu chảy, nước và chất điện giải (natri, clorua, kali và bicarbonate) bị mất qua phân lỏng, nôn ói, mồ hôi và nước tiểu. Nếu không được bổ sung nước kịp thời, người bệnh có thể bị co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong.

chẩn đoán nguyên nhân gây tiêu chảy tại Endo Clinic
endoclinic.vn ứng dụng hệ thống máy nội soi tiên tiến, kết hợp dịch vụ nội soi không đau, giúp Bác sĩ chẩn đoán bệnh lý chính xác. (Nguồn ảnh Endo Clinic).

Một số dấu hiệu mất nước do tiêu chảy ở người lớn như:

  • Khát nước.
  • Khô miệng hoặc da.
  • Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, nước tiểu sẫm màu.
  • Cơ thể mệt mỏi, ốm yếu, chóng mặt hay choáng.

Các dấu hiệu nhận biết mất nước do tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:

  • Tã không bị ướt trong 3 giờ trở lên.
  • Miệng và lưỡi thường xuyên bị khô.
  • Sốt cao, nhiệt độ cơ thể trên 39ºC.
  • Khát nước, khóc không ra nước mắt.
  • Buồn ngủ, khó chịu.
  • Xuất hiện các vùng trũng ở bụng, mắt hoặc má.

Cách điều trị bệnh tiêu chảy

Hầu hết trường hợp tiêu chảy mức độ nhẹ đều tự khỏi trong thời gian ngắn mà không cần can thiệp điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài, với mức độ nặng hoặc xuất hiện nhiều triệu chứng đi kèm, hãy đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám tiêu hoá gần nhất để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị.

Thông thường, các cách trị bệnh tiêu chảy gồm điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân và điều trị biến chứng nếu có.

Điều trị triệu chứng bệnh tiêu chảy

Thuốc cầm tiêu chảy là một biện pháp ngắn hạn, tạm thời để hạn chế tình trạng đi ngoài. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm dịu cơ co bóp nhu động ruột có thể giúp làm giảm quá tình tiêu chảy. Một số loại thuốc điều trị tiêu chảy bao gồm:

  • Thuốc Loperamid không kê đơn.
  • Thuốc Opioid như Codeine, Diphenoxylate và Paregoric.
  • Thuốc Eluxadoline được sử dụng cho các bệnh nhân bị tiêu chảy do Hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Thuốc Bismuth cũng có thể được sử dụng nhưng có tác dụng phụ là khiến phân trở thành màu đen.
  • Thuốc Psyllium hoặc Methylcellulose được dùng để điều trị bệnh táo bón mạn tính nhưng đôi khi cũng có thể được sử dụng điều trị tiêu chảy mạn tính.

Tuy nhiên, một số nguyên nhân tiêu chảy do vi khuẩn gây viêm dạ dày như Salmonella, ShigellaClostridioides difficile có thể khiến các triệu chứng tệ hơn khi dùng các loại thuốc trị bệnh tiêu chảy trên.

* Lưu ý: để đảm bảo an toàn và điều trị dứt điểm bệnh tiêu chảy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nào. Sau 2 – 3 ngày tự điều trị tại nhà, nếu bệnh tình vẫn không thuyên giảm, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

cách điều trị chữa tiêu chảy bằng thuốc
Sử dụng thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cần có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Điều trị nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Nếu có thể cần tìm nguyên nhân và điều trị để giải quyết tận gốc tình trạng tiêu chảy. Ví dụ, một số bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng cần dùng thuốc kháng sinh.

Ở những người bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng phải có lộ trình điều trị và theo dõi lâu dài. Nếu tiêu chảy do ăn uống hoặc dị ứng thực phẩm, loại bỏ những thức ăn là nguyên nhân gây bệnh sẽ giải quyết được tình trạng này. Nếu nguyên nhân là do các loại thuốc kháng sinh người bệnh đang sử dụng thì bác sĩ có thể sẽ giảm liều lượng hoặc thay thế bằng một loại kháng sinh khác.

Điều trị biến chứng

Tiêu chảy cấp hay mạn tính đều có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như mất nước, rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng. Do đó, hãy đảm bảo bù đủ nước và điện giải cho cơ thể phòng biến chứng. Nếu người bệnh không tự uống được hoặc trường hợp tiêu chảy mất nước nặng, cần truyền dịch đường tĩnh mạch tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh cũng rất quan trọng để mau hồi phục và đề phòng suy dinh dưỡng.

Chữa bệnh tiêu chảy giảm nhẹ biến chứng bằng cách bù nước và chất điện giải sẽ khác nhau ở từng đối tượng.

bù nước điều trị tiêu chảy
Bù nước và chất điện giải là bước đầu tiên trong điều trị tiêu chảy. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Đối với người lớn

Người bệnh nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây (trừ nước táo), nước dùng hoặc nước khoáng để bù lại lượng nước mất đi khi bị tiêu chảy. Nếu nước làm rối loạn dạ dày hoặc gây nôn, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên truyền dịch qua tĩnh mạch. Mục đích là để tránh mất nước, hay điều trị nếu có mất nước.

Chú ý: nếu bệnh nhân có các dấu hiệu mất nước, phải liên hệ với bác sĩ ngay.

Theo hướng dẫn chung, người bệnh phải uống ít nhất 200ml dịch sau mỗi lần tiêu chảy, lượng dịch bù này sẽ cộng thêm với lượng dịch bình thường bệnh nhân uống. Ví dụ, một người lớn bình thường sẽ uống khoảng 2 lít/ngày, nhiều hơn ở những quốc gia nắng nóng. Lượng dịch 200ml sau mỗi lần tiêu chảy khuyến cáo ở trên là lượng thêm vào lượng dịch bình thường.

Nếu có nôn, hãy đợi 5 – 10 phút sau đó bắt đầu uống nước trở lại, nhưng uống chậm hơn. Ví dụ, uống 1 ngụm mỗi 2 – 3 phút, nhưng đảm bảo tổng lượng dịch đưa vào cơ thể như đã mô tả ở trên.

Sẽ cần phải uống nhiều hơn nếu bị mất nước. Bác sĩ sẽ đưa ra lượng dịch người bệnh cần phải bù là bao nhiêu nếu có mất nước.

Đối với trẻ em

  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: Đối với trẻ bú mẹ thì cho trẻ bú thường xuyên và lâu hơn bình thường vì trẻ cần năng lượng để hoạt động, tăng trưởng cũng như để chống đỡ bệnh tật.
  • Cho trẻ uống dung dịch ORS – “nước biển khô”: Một gói pha 1 lít nước chín, uống 50 – 100ml sau mỗi lần tiêu tiêu chảy ở trẻ < 2 tuổi, 100 – 200ml ở trẻ > 2 tuổi, cho trẻ uống từng muỗng hoặc uống từng ngụm nhỏ. Ngoài các lần đi tiêu chảy, cho trẻ uống thêm nước cháo, nước chín, nước cơm, nước dừa,… Nếu trẻ ói sau khi uống, cho trẻ nghỉ 15ph sau uống lại từng ngụm chậm hơn, sau 24h mà vẫn còn dư lượng dịch pha thì nên đổ bỏ và pha gói mới.
  • Có thể bổ sung thêm kẽm cho trẻ trong 14 ngày: Nếu trẻ < 6 tháng bổ sung 10mg, trẻ > 6 tháng bổ sung 20mg kẽm nguyên tố/ ngày.
  • Tiếp tục cho trẻ ăn: Tâm lý các bà mẹ thường không cho trẻ ăn hoặc hạn chế cho trẻ ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng, càng làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Cho trẻ ăn uống như bình thường, không kiêng cử, nhưng có thể chia làm nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu hóa.

Cách giảm tiêu chảy tại nhà

Tiêu chảy là một vấn đề tiêu hóa gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Thông thường, tình trạng tiêu chảy có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Sau đây là một số gợi ý giúp Cô Chú, Anh Chị có thể áp dụng tại nhà để cải thiện các triệu chứng của tiêu chảy và nhanh chóng hồi phục.

Một số cách giúp cải thiện tiêu chảy ở nhà là:

  • Uống nhiều nước: Khi bị tiêu chảy, người bệnh cần bù nước bù khoáng giúp hạn chế tình trạng mất nước. Một số thức uống như nước lọc, nước khoáng giàu điện giải, một số loại nước ép trái cây,… giúp người bệnh nhanh chóng bổ sung nước.
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp: Người bị tiêu chảy nên có chế độ ăn uống bao gồm thực phẩm giàu pectin (trái cây,…), thực phẩm giàu kali (khoai tây, khoai lang,…), rau củ quả được nấu kỹ, mềm,… Ngoài ra, người bị tiêu chảy có thể áp dụng chế độ ăn BRAT (chuối, gạo, sốt táo, bánh mì nướng). Lưu ý, chế độ ăn BRAT không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vì thế chỉ được áp dụng trong 2 ngày để tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng.
  • Hạn chế một số loại thực phẩm, đồ uống: Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, cay nóng, đồ ngọt,… nên được hạn chế tuyệt đối trong khẩu phần ăn của người bị tiêu chảy. Ngoài ra, các loại thức uống như cà phê, rượu bia,… cũng cần tránh sử dụng.
  • Uống men vi sinh: Việc sử dụng men vi sinh có thể hỗ trợ cơ thể mau hồi phục sau khi bị tiêu chảy. Lượng vi khuẩn có lợi trong men vi sinh sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, trước khi sử dụng men vi sinh cải thiện tiêu chảy, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn sản phẩm phù hợp.
phòng ngừa tiêu chảy bằng chế độ ăn hợp lý tại nhà
Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng tiêu chảy.

Cách phòng ngừa tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy đến từ nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm vì thế Cô Bác, Anh Chị có thể phòng bệnh tiêu chảy bằng các biện pháp sau đây:

  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên đặc biệt là trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi tiếp xúc với thực phẩm, sau khi thay tã, ho, hắt hơi,…
  • Sử dụng cồn rửa tay khi không thể rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo nồng độ cồn từ 70% trở lên.
  • Tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ đặc biệt là vắc xin phòng rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ em. Cô Bác, Anh Chị hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để theo dõi lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
  • Nếu có thể nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
  • Đối với các du khách, cần chú ý đến chế độ ăn uống, nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh tại quốc gia đó. Tốt nhất là nên ăn thực phẩm nóng, được nấu chín kỹ, tránh ăn đồ sống, uống nước đóng chai, tránh sử dụng nước máy,…
  • Người bệnh cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc kháng sinh có thể sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Những lưu ý về bệnh tiêu chảy

Sau đây là một số thông tin tóm tắt về bệnh tiêu chảy, Cô Chú, Anh Chị nên lưu ý để hiểu rõ hơn về bệnh này:

  • Tiêu chảy là một bệnh lý cấp tính và có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày mà không cần điều trị (trường hợp tiêu chảy nhẹ, không mất nước và không do nhiễm trùng)
  • Trong một số trường hợp, các bệnh lý tiêu hóa vẫn gây ra tiêu chảy mạn tính và cần điều trị sớm.
  • Đối với bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, xét nghiệm phân chỉ thực hiện với những người có triệu chứng kéo dài trên 1 tuần hoặc các dấu hiệu bất thường.
  • Hãy thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị bệnh tiêu chảy khi bị viêm đại tràng do C. difficile, nhiễm Salmonella hoặc lỵ trực khuẩn.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS) xuất hiện ở 10% bệnh nhân bị viêm ruột nhiễm khuẩn cấp tính.

Câu hỏi thường gặp

Nguyên nhân gây tiêu chảy là gì?

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tiêu chảy là do việc tiêu thụ thức ăn và nước uống kém an toàn vệ sinh, dẫn đến nhiễm các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây hại, làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của đường ruột. Ngoài ra, tiêu chảy còn có thể là hậu quả của các bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh lý ruột mạn tính (IBD),…

Bị tiêu chảy nên ăn gì và kiêng gì?

Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn chín uống sôi, ăn các món ăn nhẹ, dễ tiêu, được chế biến ít gia vị để tránh kích thích đường tiêu hóa như cơm, ngũ cốc, thịt (gà, cá), các loại rau củ như cà rốt, nấm, củ cải,… giúp cung cấp chất xơ.

Theo đó, người bệnh cần lưu ý tránh thức ăn dầu mỡ, nhiều chất béo, đồ ăn cay, nóng. Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế các loại rau củ quả sinh nhiều khí trong đường ruột như bông cải xanh, các loại quả mọng,…

Bị tiêu chảy nên uống gì và kiêng gì?

Người bị tiêu chảy cần lưu ý bù nước bù khoáng bằng nước lọc, nước điện giải sau khi đi ngoài để hạn chế việc mất nhiều nước. Ngoài ra, các loại nước trái cây, nước hầm xương,… cũng là một lựa chọn tốt. Bên cạnh đó, người cần hạn chế rượu bia, cà phê, soda và sữa.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic.
  2. Brennan, Dan, biên tập viên. Diarrhea. 05 10 2019. https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-diarrhea (đã truy cập 06 14, 2021).
  3. Greenberger, Norton J. Bệnh tiêu chảy. 05 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-triệu-chứng-rối-loạn-tiêu-hóa/bệnh-tiêu-chảy (đã truy cập 06 14, 2021).
  4. Higuera, Valencia. Causes of Diarrhea and Tips for Prevention. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 26 09 2019. https://www.healthline.com/health/diarrhea (đã truy cập 06 14, 2021).
  5. Koo, Ingrid. Infectious Diarrhea. Biên tập bởi Paul A. Rufo. 04 12 2019. https://www.verywellhealth.com/diarrheal-diseases-101-1958810 (đã truy cập 08 05, 2021).
  6. Mayo Clinic Staff. Diarrhea. 16 06 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diarrhea/diagnosis-treatment/drc-20352246 (đã truy cập 06 14, 2021).
  7. World Health Organization. Diarrhoeal disease. 02 05 2017. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diarrhoeal-disease (đã truy cập 06 14, 2021).
  8. Cleveland Clinic. Diarrhea. 13 04 2020. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4108-diarrhea (đã truy cập 06 14, 2023).
  9. Aaron Kandola. How to treat diarrhea at home. 12 02 2019. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324424 (đã truy cập 06 14, 2023).
  10. Garrett J. Descoteaux-Friday; Isha Shrimanker. Chronic Diarrhea. 08 08 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544337/ (đã truy cập 06 14, 2023).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: