Theo một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2016, tỷ lệ mắc bệnh trĩ là 4,4% trên toàn bộ dân số. Tỷ lệ người lớn tuổi bị bệnh trĩ tăng cao trong giai đoạn từ 45 – 65 tuổi. Trĩ là căn bệnh khó nói vì vậy người bệnh thường cố gắng chịu đựng đến khi các dấu hiệu, triệu chứng trở nên nghiêm trọng mới đến gặp bác sĩ điều trị. Bệnh trĩ nếu phát hiện trễ có thể dẫn đến các biến chứng gây tổn hại sức khỏe và nhiều bệnh lý tiêu hóa liên quan khác.
Tổng quan về bệnh trĩ
Mặc dù mức độ phổ biến và tỷ lệ mắc bệnh thấp, nhưng các triệu chứng của bệnh trĩ vẫn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài các dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ như đau rát, sưng hậu môn, kích ứng vùng da hậu môn, bệnh trĩ còn có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo khác như tiêu ra máu, búi trĩ chảy máu dẫn đến nhiễm trùng, viêm, sưng tấy,…
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (tên tiếng Anh: Hemorrhoids) là tình trạng viêm hoặc sưng tĩnh mạch ở hậu môn và phần dưới trực tràng. Nguyên nhân gây bệnh do thành mạch máu căng ra khiến các tĩnh mạch trĩ phồng lên. Qua thời gian, chúng sẽ tạo thành các khối u nhô ra thành niêm mạc. Khi người bệnh đi vệ sinh sẽ cảm thấy đau rát, khó chịu, ngứa ngáy dữ dội, khó ngồi và không thoải mái khi tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Theo thống kê, trĩ là bệnh lý lành tính phổ biến nhất trong các bệnh về hậu môn – trực tràng. Trong thời gian đầu, các dấu hiệu bệnh trĩ có thể tự khỏi nhưng nếu tái đi tái lại nhiều lần sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như búi trĩ sa ngoài dẫn đến viêm loét, nhiễm trùng, đau đớn, xuất huyết hoặc bị hoại tử. Bệnh trĩ có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng các phương pháp điều trị xâm lấn kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý và khoa học.
Bệnh trĩ có mấy loại?
Dựa vào vị trí xuất hiện, bệnh trĩ được chia thành 2 loại chính là bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại.
- Bệnh trĩ nội (Internal Hemorrhoids): búi trĩ xuất hiện trong thành trực tràng và ống hậu môn. Chúng thường được bao phủ bởi một lớp niêm mạc và một lớp biểu mô chuyển tiếp. Bệnh trĩ nội có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh trĩ nội không gây đau ngay cả khi người bệnh bị chảy máu. Khi đến giai đoạn nặng, các búi trĩ phát triển lớn cũng có thể sa ra ngoài gọi là sa búi trĩ, các búi trĩ này thường sẽ gây ngứa và khó chịu cho người bệnh.
- Bệnh trĩ ngoại (External Hemorrhoids): búi trĩ được hình thành dưới vùng da xung quanh hậu môn. Chúng được bao phủ bởi lớp biểu mô tế bào vảy và hình thành các khối máu đông bên trong búi trĩ. Tình trạng này gây các cơn đau đột ngột, ngứa dữ dội và gây khó khăn khi ngồi. Các khối máu đông này thường sẽ tự tan và để lại phần túi thừa gây ngứa hoặc kích ứng da. Bệnh trĩ ngoại là bệnh lý phổ biến và gây nhiều phiền phức nhất cho người bệnh nhưng chúng có thể điều trị hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.
Các cấp độ của bệnh trĩ
Dựa vào vị trí, mức độ phát triển và tình trạng búi trĩ nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn mà bệnh trĩ được chia thành 6 cấp độ bao gồm bệnh trĩ cấp độ I, II, III, IV, trĩ hỗn hợp và trĩ tắc mạch.
Tuy nhiên, phụ thuộc vào phân loại là bệnh trĩ nội hay bệnh trĩ ngoại mà bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác giai đoạn mắc bệnh cho từng nhóm bệnh trĩ khác nhau như sau:
Các cấp độ bệnh trĩ nội
Các cấp độ bệnh trĩ nội bao gồm:
- Trĩ nội độ I: búi trĩ còn nhỏ, nằm hoàn toàn trong ống hậu môn hoặc trực tràng.
- Trĩ nội độ II: búi trĩ lớn hơn, vẫn nằm bên trong hậu môn nhưng khi đi cầu búi trĩ có thể sa ra ngoài hậu môn, sau khi đi cầu xong thì búi trĩ tự rút về vị trí cũ.
- Trĩ nội độ III: búi trĩ sa ra ngoài hậu môn mỗi lần đi cầu, di chuyển, ngồi xổm hay làm việc nặng. Người bệnh phải nằm nghỉ một lúc thì búi trĩ mới trở lại vị trí cũ hoặc phải sử dụng tay đẩy vào.
- Trĩ nội độ IV: búi trĩ thường xuyên nằm ngoài hậu môn, phát triển lớn, gây đau và khó chịu cho người bệnh.
- Trĩ hỗn hợp: đây là tình trạng diễn tiến nặng của bệnh trĩ, các búi trĩ xuất hiện của bên trong lẫn bên ngoài hậu môn.
- Trĩ nội tắc mạch: trĩ nội có biến chứng tắc mạch, búi trĩ lớn, gây đau, có khi gây nhiễm trùng hoặc bị hoại tử.
Các cấp độ bệnh trĩ ngoại
Các cấp độ bệnh trĩ ngoại bao gồm:
- Trĩ ngoại độ I: búi trĩ vừa xuất hiện ở viền hậu môn, kích thước còn nhỏ, khiến người bệnh khó chịu.
- Trĩ ngoại độ II: xuất hiện nhiều búi trĩ với kích thước lớn hơn nằm bên ngoài hậu môn.
- Trĩ ngoại độ III: búi trĩ đã phát triển rất lớn khiến hậu môn bị tắc, khiến người bệnh bị đau khi đi đại tiện, búi trĩ cọ xát vào phân gây nhiễm trùng và chảy máu.
- Trĩ ngoại độ IV: búi trĩ sưng to, gây viêm nhiễm lở loét, ngứa ngáy khiến người bệnh đau đớn, khó chịu và dễ bị hoại tử.
- Trĩ hỗn hợp: xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ ngoại tắc mạch: có biến chứng tắc mạch, búi trĩ lớn, gây đau, có khi gây nhiễm trùng hoặc bị hoại tử.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân bệnh trĩ là gì?
Theo các nghiên cứu, nguyên nhân bệnh trĩ phần lớn là do áp lực kéo dài tại hậu môn và trực tràng, khiến các tĩnh mạch phồng lên và hình thành các búi trĩ.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ như tuổi tác, phụ nữ mang thai, ngồi làm việc trong thời gian dài, người thừa cân, do biến chứng của các bệnh lý tiêu hóa khác như ung thư đại tràng, ung thư trực tràng và ung thư hậu môn.
Những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là gì?
Phần lớn các nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là do các mạch máu xung quanh hậu môn bị lão hóa và có xu hướng căng dưới áp lực, lâu ngày khiến chúng bị phồng hoặc sưng lên. Tình trạng này khởi phát do một trong những nguyên nhân sau:
- Căng thẳng hoặc rặn nhiều khi đi cầu.
- Ngồi quá lâu trong toilet.
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính.
- Tăng cân, béo phì.
- Phụ nữ trong thời gian mang thai, thai nhi phát triển càng lớn sẽ càng tăng áp lực lên phần trực tràng và hậu môn.
- Quan hệ qua đường hậu môn.
- Chế độ ăn uống không khoa học, không cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể, không ăn rau xanh, củ quả và trái cây.
- Thường xuyên nâng vật nặng.
- Đứng thường xuyên hoặc ngồi quá lâu.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh trĩ?
- Người lớn trên 50 tuổi.
- Người thường xuyên lao động nặng như khuân vác.
- Người đứng thường xuyên hoặc ngồi lâu khi làm việc.
- Người thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ mang thai.
- Người không vận động, ít tập luyện thể dục thể thao, chế độ ăn không có hoặc ít rau xanh, củ quả, trái cây, uống ít nước.
- Người mắc bệnh ung thư đại – trực tràng.
- Người bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Người thường xuyên sử dụng điện thoại trong khi đi cầu hoặc ngồi quá lâu trong toilet.
- Nguy cơ mắc bệnh trĩ có thể cao hơn nếu trong gia đình có thành viên đã từng bị trĩ.
- Nguy cơ mắc bệnh trĩ có thể cao hơn với những người: đã từng phẫu thuật trực tràng, cắt polyp đại – trực tràng, bị ung thư đại – trực tràng hay u xơ tử cung,…
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh trĩ
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh trĩ thường xuất hiện như đi tiêu ra máu, xuất huyết tiêu hóa (trực tràng hoặc hậu môn), thay đổi thói quen đi tiêu, thay đổi màu sắc hoặc độ đặc của phân,…
Các triệu chứng của bệnh trĩ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý tiêu hóa khác như ung thư hậu môn, polyp đại tràng, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích,…
Các triệu chứng bệnh trĩ
Các triệu chứng của bệnh trĩ sẽ phụ thuộc vào từng loại bệnh trĩ. Đối với bệnh trĩ nội, các triệu chứng phổ biến như đi ngoài ra máu, búi trĩ sa ra ngoài, phân có dịch nhầy,… Đối với tình trạng trĩ ngoại, một số dấu hiệu của bệnh trĩ như ngứa hoặc kích ứng vùng da hậu môn, sưng và đau rát khi di chuyển hoặc ngồi,…
Triệu chứng bệnh trĩ nội
Trĩ nội là một bệnh lý khó phát hiện đến khi các dấu hiệu bệnh trĩ tiến triển nặng và xuất hiện rõ rệt. Nếu Cô Bác, Anh Chị xuất hiện các triệu chứng bệnh trĩ sau đây, hãy đến ngay phòng khám bệnh trĩ gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán. Một số triệu chứng bệnh trĩ nội thường gặp bao gồm:
- Đi tiêu ra máu nhưng không có cảm giác đau hậu môn. Tình trạng này dẫn đến máu lẫn trong phân, máu xuất hiện trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu.
- Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn gây đau rát hậu môn, sưng đỏ vùng hậu môn.
- Có tiết nhầy trong phân và đi đại tiện có cảm giác không hết.
Dấu hiệu bệnh trĩ ngoại
Một số dấu hiệu bệnh trĩ ngoại giúp Cô Bác, Anh Chị nhận biết sớm bao gồm:
- Ngứa hoặc kích ứng ở vùng da hậu môn.
- Có cảm giác đau và khó chịu khi ngồi hoặc di chuyển.
- Sưng xung quanh hậu môn.
- Xuất hiện các khối u màu hồng, tím hoặc xanh lam xung quanh rìa hậu môn.
- Búi trĩ chảy máu, nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử.
Đối với bệnh trĩ huyết khối
Bệnh trĩ huyết khối là một dạng tiến triển của bệnh trĩ, thường xảy ra khi một khối máu đông hình thành bên trong các búi trĩ, các khối máu đông làm tắc nghẽn dòng chảy của máu, gây ra các triệu chứng như viêm, đau rát hoặc chảy máu.
Các búi trĩ huyết khối có thể là một khối đơn lẻ hoặc hình thành nên các khối tròn. Bệnh trĩ huyết khối có thể hình thành ở cả trĩ nội và trĩ ngoại. Bệnh trĩ huyết khối còn có tên gọi khác là trĩ tắc mạch hoặc bệnh huyết khối quanh hậu môn.
Một số triệu chứng của bệnh trĩ huyết khối bao gồm:
- Đau dữ dội.
- Viêm, sưng tấy.
- Có thể sờ, cảm nhận bên dưới hậu môn có khối u và cứng.
- Trong trường hợp khối máu đông tan sẽ để lại vùng da thừa gây ngứa và rát.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bệnh trĩ là căn bệnh lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu các dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ. Tuy nhiên, nếu Cô Bác, Anh Chị bị tiêu ra máu hoặc việc điều trị trĩ tại nhà không hiệu quả sau một tuần, Cô Bác hãy đến ngay cơ sổ y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ phân loại trĩ, xác định mức độ, tìm ra phương pháp điều trị bệnh trĩ và tư vấn thay đổi chế độ ăn uống cùng lối sống phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh.
Bệnh trĩ có thể gây chảy máu và xuất hiện các khối phồng sa ra hậu môn hoặc ở rìa hậu môn, tuy nhiên các triệu chứng này có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác. Một số bệnh lý tiêu hóa khác có cùng triệu chứng như viêm loét đại tràng, polyp đại tràng, bệnh Crohn, viêm túi thừa, ung thư đại – trực tràng, ung thư hậu môn,…
Nếu Cô Bác, Anh Chị đi tiêu ra máu một lượng lớn, choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ
Bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh trĩ thông qua quan sát, thăm dò hậu môn – trực tràng, dựa vào tiền sử bệnh và các phẫu thuật trước đó. Ngoài ra, để ngăn ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện một số cận lâm sàng hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa để loại trừ các nguyên nhân liên quan.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trĩ
Bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực xung quanh hậu môn, xác định tình trạng búi trĩ và có thể thực hiện thêm nội soi tiêu hóa dưới để loại trừ tình trạng trĩ hỗn hợp hoặc các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Đối với chẩn đoán bệnh trĩ nội, bác sĩ có thể kiểm tra bằng tay đồng thời kết hợp với nội soi đại tràng Sigma hoặc nội soi ống hậu môn để xác định vị trí và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Trong một số trường hợp, nếu có nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện nội soi đại – trực tràng hoặc tầm soát ung thư hậu môn để kiểm tra các bất thường trên toàn bộ ống tiêu hóa dưới.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ
Các phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ bao gồm các bước khám lâm sàng và thực hiện một số cận lâm sàng phù hợp như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh (nếu có).
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị về chế độ ăn uống, thói quen đi vệ sinh, các bệnh lý tiêu hóa đã từng mắc phải, các triệu chứng gây khó chịu, các phẫu thuật đã thực hiện, các loại thuốc đang sử dụng,…
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra hậu môn và trực tràng của Cô Bác, Anh Chị để xác định tình trạng bệnh trĩ, bao gồm:
- Phát hiện các khối u, sưng tấy.
- Xác định vị trí của các búi trĩ ngoại.
- Khối máu đông trong búi trĩ ngoại hoặc da thừa.
- Tình trạng kích ứng da, rò rỉ phân, dịch nhầy.
- Vết nứt hậu môn.
- Kiểm tra sự co bóp của cơ hậu môn, mức độ đau, chảy máu, tình trạng bệnh trĩ nội.
Cô Bác, Anh Chị sẽ được nội soi tiêu hóa để xác định tình trạng bệnh trĩ nội hoặc loại trừ bệnh trĩ hỗn hợp và xác định các bệnh lý liên quan nếu bác sĩ nghi ngờ.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Thông thường, bệnh trĩ có thể dễ dàng chẩn đoán trong bước khám lâm sàng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, bác sĩ có nghi ngờ dấu hiệu bệnh trĩ có liên quan đến các bệnh lý tiêu hóa khác, Cô Bác, Anh Chị cần thực hiện thêm một số cận lâm sàng để loại trừ các bệnh lý liên quan, đồng thời xác định chính xác vị trí và tình trạng bị tổn thương.
Xét nghiệm
Một số xét nghiệm thường được thực hiện như xét nghiệm máu ẩn trong phân, soi cấy phân, xét nghiệm công thức máu toàn bộ.
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân giúp bác sĩ xác định tình trạng xuất huyết tiêu hóa ẩn.
- Xét nghiệm soi cấy phân giúp xác định vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có trong phân.
- Xét nghiệm công thức máu bình thường được bác sĩ chỉ định khi Cô Bác, Anh Chị thực hiện nội soi tiền mê để kiểm tra các dị ứng của cơ thể hoặc các chỉ số máu trước khi phẫu thuật điều trị trĩ.
Tham khảo thêm >> Xét nghiệm nhóm máu bao nhiêu tiền?
Nội soi ống tiêu hóa
Nội soi tiêu hóa dưới giúp kiểm tra tình trạng bên trong trực tràng, ống hậu môn và phần cuối của đại tràng. Cô Bác, Anh Chị cũng có thể được chỉ định nội soi đại tràng toàn bộ nếu bác sĩ phát hiện hoặc có nghi ngờ các dấu hiệu liên quan đến viêm loét đại tràng, polyp đại tràng, ung thư đại – trực tràng,…
Các phương pháp nội soi thường được sử dụng như nội soi đại tràng Sigma, nội soi trực tràng – hậu môn, nội soi đại tràng toàn bộ tiền mê hoặc không mê.
Các phương pháp nội soi tiêu hóa sẽ được thực hiện bằng ống nội soi mềm có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần giúp bác sĩ quan sát các búi trĩ nội, kiểm tra cẩn thận các mô lót hậu môn và phần dưới trực tràng, xác định các tổn thương hoặc bất thường xuất hiện trên thành lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc.
endoclinic.vn là phòng khám nội soi tiêu hóa chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt là tầm soát ung thư ống tiêu hóa dưới. Đặt lịch ngay với bác sĩ tại phòng khám nội soi để được tư vấn về bệnh lý trĩ.
Biến chứng bệnh trĩ
Những biến chứng bệnh trĩ có thể xảy ra nếu không được điều trị kịp thời, bao gồm:
- Thiếu máu: bệnh trĩ có thể gây chảy máu mạn tính. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây thiếu máu dẫn đến không đủ tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến các cơ quan.
- Trĩ sa nghẹt: nếu nguồn cung cấp máu cho búi trĩ bên trong bị tắc do trĩ quá lớn, búi trĩ sa ngoài sẽ gây đau đớn cho người bệnh và hình thành các khối máu đông.
- Tắc mạch: là tình trạng hình thành các khối máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ gây tắc mạch. Tình trạng khiến người bệnh đau đớn khi chạm vào hoặc vận động, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
- Khối máu đông: đôi khi bệnh trĩ xuất hiện các khối máu đông mặc dù không nguy hiểm nhưng sẽ khiến bệnh nhân đau đớn và phải điều trị gấp. Các khối máu đông trong búi trĩ ngoại có thể gây nhiễm trùng, viêm loét đôi khi dẫn đến hoại tử.
- Viêm da, viêm nhú, viêm khe vùng da xung quanh hậu môn hoặc xung quanh búi trĩ.
Phương pháp điều trị bệnh trĩ
Đối với các trường hợp bệnh trĩ giai đoạn đầu, vừa mới xuất hiện các triệu chứng Cô Bác, Anh Chị có thể sử dụng các biện pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà. Nếu tình trạng bệnh trở nặng, bệnh nhân cần đén cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh trĩ hiệu quả.
Các cách chữa bệnh trĩ tại nhà
Đối với bệnh trĩ cấp độ 1 hoặc các dấu hiệu bệnh trĩ còn nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các cách chữa bệnh trĩ tại nhà sau đây:
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chúng có tác dụng làm mềm phân, tránh ảnh hưởng đến búi trĩ khi đi vệ sinh.
- Sử dụng các loại thuốc bôi điều trị trĩ.
- Ngâm mình trong bồn nước ấm: ngâm vùng hậu môn trong nước ấm 10 – 15 phút, từ 2 – 3 lần một ngày.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau để giảm sự khó chịu.
Với các cách chữa bệnh trĩ này Cô Bác, Anh Chị cần tư vấn và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng. Ngoài ra, nếu sau 1 tuần áp dụng mà bệnh vẫn không thuyên giảm hãy đến gặp bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả hơn.
Điều trị bệnh trĩ bằng các phương pháp xâm lấn
Đối với tình trạng bệnh trĩ trong giai đoạn vừa, điều trị bệnh trĩ bằng các phương pháp xâm lấn sẽ mang lại hiệu quả hơn mà không cần phẫu thuật. Một số phương pháp xâm lấn giúp chữa bệnh trĩ bao gồm cắt trĩ ngoại, thắt dây cao su, băng búi trĩ, liệu pháp xơ hóa và sử dụng tia laser hoặc tia hồng ngoại.
- Cắt trĩ ngoại: nếu các khối máu đông đã hình thành trong các búi trĩ ngoại gây đau đớn các bác sĩ sẽ cắt bỏ búi trĩ với thuốc tê, giúp giảm đau nhanh chóng, phương pháp này có hiệu quả nhất trong 72 giờ sau khi hình thành cục máu đông.
- Thắt dây cao su: bác sĩ sẽ đặt 1 – 2 vòng cao su nhỏ xung quanh góc búi trĩ nội để ngăn máu lưu thông vào búi trĩ, sau khoảng 1 tuần búi trĩ sẽ khô và tự rụng.
- Băng búi trĩ: thường sẽ gây khó chịu và chảy máu từ 2 – 4 ngày sau khi băng nhưng sẽ hết sau một thời gian.
- Liệu pháp xơ hóa: các bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc vào mô trĩ khiến các búi trĩ teo nhỏ lại, mặc dù tiêm không gây đau nhưng ít hiệu quả hơn phương pháp thắt dây cao su.
- Sử dụng tia laser hoặc tia hồng ngoại làm đông máu bên trong các búi trĩ và khiến chúng thu nhỏ lại, phương pháp này ít có tác dụng phụ và không gây khó chịu.
Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ
Đối với trường hợp bệnh trĩ ở cấp độ nặng, các búi trĩ không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, cách điều trị bệnh trĩ duy nhất là Cô Bác, Anh Chị phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ, có 3 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ bao gồm:
- Phương pháp Longo
- Phương pháp truyền thống Miligan – Morgan
- Phương pháp khâu triệt mạch THD
Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp Longo
Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp Longo là làm gián đoạn các mạch máu. Sau đó, bác sĩ sẽ khâu niêm mạc hậu môn – trực tràng bị sa lên trên, đưa các búi trĩ về đúng vị trí trong ống hậu môn và làm teo búi trĩ.
Phương pháp này ít gây khó chịu cho người bệnh. Bác sĩ sẽ nong và cố định hậu môn, khâu mũi túi dưới niêm, đặt Anvil qua mũi túi và cột mũi túi, bấm máy cắt nối tự động sau đó sẽ khâu cầm máu bằng chỉ tiêu chậm.
Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Miligan – Morgan
Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Miligan – Morgan là cách chữa bệnh trĩ truyền thống, trong đó Ferguson, White Head là những phương pháp can thiệp trực tiếp vào các búi trĩ nên thường gây đau. Bác sĩ sẽ sử dụng 3 loại kềm:
- Kềm thứ nhất để cố định rìa hậu môn.
- Kềm thứ hai ở đường chia hậu môn và trực tràng.
- Kềm thứ ba ở niêm mạc trực tràng khiến các búi trĩ lộ ra rất rõ.
Lúc này, bác sĩ sẽ kẹp ngang sát chân kềm thứ ba nơi gốc búi trĩ, cắt trên kềm và dùng chỉ khâu dưới chân kềm. Sau đó sẽ đến các búi trĩ phụ, cắt bớt da thừa, cầm máu và băng ép.
Phương pháp khâu triệt mạch THD
Phương pháp khâu triệt mạch THD thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm để làm tắc mạch cung cấp máu cho hậu môn làm giảm sự phát triển của các búi trĩ.
Các lưu ý điều trị bệnh trĩ
Các phương pháp phẫu thuật chống chỉ định với bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, viêm đại tràng thể hoạt động,… Nếu thực hiện phẫu thuật sẽ đi kèm tỷ lệ biến chứng cao.
Phương pháp phẫu thuật Longo chống chỉ định với các bệnh nhân mắc bệnh trĩ tắc mạch, áp xe hậu môn và phẫu thuật chung cho các bệnh lý nội khoa khác liên quan đến gây mê – hồi sức, bệnh lý đông cầm máu, HIV, Lao, đái tháo đường chưa kiểm soát,…
Biến chứng cấp tính xuất hiện sau khi điều trị trĩ bao gồm đau, nhiễm trùng, chảy máu tái phát, bí tiểu, tổn thương cơ co thắt hậu môn,…
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa bệnh trĩ
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ là cung cấp đủ hàm lượng chất xơ cho cơ thể và uống nhiều nước, chất xơ và nước sẽ giúp cho phân mềm dễ dàng đi vệ sinh mà không phải dùng sức quá nhiều, hạn chế làm tổn thương niêm mạc trực tràng – hậu môn, giảm áp lực lên các mạch máu tại vùng hậu môn.
Để ngăn ngừa và giảm các dấu hiệu bệnh trĩ Cô Bác, Anh Chị có thể tham khảo một số lời khuyên đến từ bác sĩ:
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, củ quả, lúa mì, gạo lức, ngũ cốc nguyên hạt. Cô Bác, Anh Chị nên tăng hàm lượng chất xơ từ từ qua mỗi bữa ăn, không nên bắt đầu với một lượng lớn chất xơ trong một ngày. Nếu ăn quá nhiều sẽ gây phản ứng ngược khiến cơ thể cảm thấy đầy bụng, khó chịu. Để có chế độ ăn uống khoa học và hợp lí, Cô Bác, Anh Chị nên nhờ bác sĩ khoa dinh dưỡng tư vấn thưc đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý của bản thân.
- Uống nhiều nước: người trưởng thành nên uống từ 2 – 2,5L nước mỗi ngày hoặc các loại thức uống không chứa cồn.
- Hạn chế căng thẳng khi đi vệ sinh: sự căng thẳng và dùng sức rặn khi đi cầu sẽ tạo áp lực lớn lên các tĩnh mạch bên dưới trực tràng và hậu môn lâu ngày sẽ khiến mạch máu bị giãn, sưng phồng dẫn đến bị bệnh trĩ.
- Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, không cố gắng nhịn, không ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh.
- Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên các tĩnh mạch khi đứng hoặc ngồi quá lâu.
- Tránh ngồi quá lâu trên các bề mặt cứng như bê tông, gạch, sàn gỗ,…
- Tránh khuân vác vật nặng thường xuyên.
Những điều cần lưu ý về bệnh trĩ
- Bệnh trĩ là căn bệnh lành tính có thể chữa khỏi và không có biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên nếu Cô Bác, Anh Chị không điều trị sớm sẽ gây đau đớn, có thể dẫn đến viêm loét, kích ứng và hoại tử.
- Bệnh trĩ được chia thành 3 loại là bệnh trĩ nội, bệnh trĩ ngoại và bệnh trĩ hỗn hợp.
- Trĩ ngoại có thể có huyết khối, trở nên rất đau nhưng hiếm khi chảy máu.
- Bệnh trĩ nội thường gây chảy máu nhưng không đau.
- Thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc bôi trị bệnh trĩ và thuốc giảm đau là cách chữa bệnh trĩ ngoại.
- Trĩ nội chảy máu có thể chỉ định tiêm xơ, thắt vòng cao su hoặc các biện pháp xâm lấn khác.
- Phẫu thuật là giải pháp lựa chọn điều trị triệt để bệnh trĩ.
Người bị bệnh trĩ nên ăn gì và kiêng gì?
Người bị bệnh trĩ nên ăn và kiêng các loại thực phẩm theo khuyến cáo của bác sĩ, Cô Bác, Anh Chị nên bổ sung hàm lượng chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày, uống nhiều nước, nước ép trái cây và hạn chế sử dụng rượu bia, thực phẩm cay nóng, phô mai và các loại thức ăn nhanh. Cô Bác, Anh Chị hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về hàm lượng chất xơ cần bổ sung và thực phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị.
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống 2015 – 2020 dành cho người Mỹ khuyến nghị hàm lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể là 14 gram trong 1000 calo. Sau đây là một số thực phẩm giàu chất xơ người bị bệnh trĩ nên ăn:
- Các loại hạt: ngũ cốc nguyên cám, lúa mì, yến mạch, hạnh nhân,…
- Trái cây: lê, táo, mâm xôi, mận,… còn nguyên vỏ.
- Rau củ: các loại rau xanh, salad trộn, khoai lang, khoai tây nướng, bí đỏ,…
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu đen, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu tây, đậu Pinto,…
Một số thực phẩm người bị bệnh trĩ kiêng ăn hoặc hạn chế sử dụng trong quá trình điều trị bao gồm:
- Phô mai.
- Thức ăn nhanh, khoai tây chiên.
- Thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn như thực phẩm đông lạnh, xúc xích, chà bông,…
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Ansari, Parswa. Bệnh trĩ. 10 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-rối-loạn-hậu-môn-trực-tràng/bệnh-trĩ (đã truy cập 06 05, 2021).
- April Kahn và Tim Jewell. Hemorrhoid. Biên tập bởi Arefa Cassoobhoy. 05 01 2021. https://www.healthline.com/health/hemorrhoids (đã truy cập 06 05, 2021).
- Definition & Facts of Hemorrhoids. 05 2016. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/hemorrhoids/definition-facts (đã truy cập 06 05, 2021).
- Bhargava, Hansa D., biên tập viên. Hemorrhoids. 06 06 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-hemorrhoids-basics-updated (đã truy cập 06 05, 2021).
- “QUY TRÌNH CHUYÊN MÔN KCB BỆNH TRĨ CÓ CAN THIỆP NGOẠI KHOA.” Bộ Y tế, 2016.
- Mayo Clinic Staff. Hemorrhoids. 12 05 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/symptoms-causes/syc-20360268 (đã truy cập 06 05, 2021).
- Zhifei Sun và John Migaly. “Review of Hemorrhoid Disease: Presentation and Management.” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 29 3 2016. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4755769/ (đã truy cập 06 05, 2021).