Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2021, lao ruột chiếm từ 1 – 3% tổng số ca mắc bệnh lao trên toàn thế giới. Khoảng 6 – 38% bệnh nhân mắc lao trong ổ bụng cũng có thể mắc đồng thời lao phổi, phổ biến nhất là lao hồi tràng. Một số nghiên cứu báo cáo rằng, 31 – 50% bệnh nhân lao phổi AFB dương tính bị lao ruột đồng thời. Lao đường ruột thường không có triệu chứng đặc hiệu hoặc chỉ có dấu hiệu thông thường như đau quặn bụng và sụt cân.
Bệnh lao là gánh nặng sức khỏe toàn cầu của gần 12 triệu người. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2013, ước tính có khoảng 8,6 triệu người mắc lao hàng năm trên toàn cầu và 1,3 triệu người chết vì bệnh trong năm 2012.
Tổng quan về bệnh lao đường ruột
Lao là bệnh truyền nhiễm và cần điều trị kịp thời để tránh những tổn thương nguy hiểm cho cơ thể. Thông thường, vi khuẩn lao nhiễm vào phổi gây ra ho mạn tính, sụt cân và các triệu chứng khác. Tuy nhiên, đôi khi vi khuẩn lao có thể gây ra những triệu chứng ở ngoài phổi được gọi là lao ngoài phổi, gây nhiễm trùng các hạch bạch huyết và các cơ quan khác như lao đường ruột.
Bệnh lao ruột là gì?
Bệnh lao ruột (tên tiếng Anh: intestinal tuberculosis) là một thể bệnh lao ngoài phổi, do vi khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột. Lao ruột thường không có triệu chứng đặc hiệu hoặc chỉ có dấu hiệu thông thường như đau quặn bụng và sụt cân. Người bệnh bị lao ruột thường cũng bị nhiễm lao ở các bộ phận khác chẳng hạn như lao phổi.
Lao ruột tuy là bệnh lý ít gặp, chủ yếu phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, nhưng bệnh lý này rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán, điều trị và tỷ lệ biến chứng rất lớn. Ở trạng thái miễn dịch bình thường, vi khuẩn lao thường ngủ yên trong cơ thể. Tuy nhiên, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch như nhiễm virus HIV vi khuẩn lao có thể hoạt động và gây lao ruột.
Vi khuẩn gây bệnh lao ruột có thể là vi khuẩn lao người, vi khuẩn lao động vật như trâu, bò hoặc lợn. Vi khuẩn lao đến đường tiêu hóa bằng cách lan truyền qua đường máu, nuốt đờm bị nhiễm hoặc lây lan gián tiếp từ cơ quan lân cận. Hầu như tất cả các trường hợp lao ổ bụng là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis.
Bệnh lao ruột có mấy loại?
Phân loại bệnh lao ruột dựa theo vị trí phát hiện vi khuẩn lao và tổn thương ở đường ruột, có thể chia bệnh thành các loại sau:
- Lao tá tràng rất hiếm gặp, có khoảng 2% đến 2,5% trường hợp mắc bệnh lao đường ruột phát hiện ở tá tràng. Lao tá tràng thường là thứ phát sau bệnh lý hạch ở quai C của tá tràng. Triệu chứng của bệnh lao tá tràng có thể giống với loét dạ dày – tá tràng hoặc biểu hiện như tắc nghẽn dạ dày. Vì các đặc điểm của lao tá tràng có thể không đặc hiệu nên cần có các yếu tố khác gợi ý để chẩn đoán lao tá tràng.
- Lao hồi tràng là phổ biến nhất, có đến 64% trường hợp lao đường tiêu hóa xảy ra ở hồi tràng – đoạn cuối của ruột non. Các tổn thương loét hoặc phì đại ở hồi tràng do ứ máu, tăng sinh mô bạch huyết dưới niêm mạc hoặc do tiếp xúc thường xuyên với vi khuẩn. Các triệu chứng lâm sàng của lao ruột non là kém hấp thu, đau quặn bụng, sôi bụng và nôn ói.
- Lao đại – trực tràng xảy ra ở khoảng 10,8% trường hợp mắc bệnh lao ruột. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch và bệnh nhân AIDS. Có khoảng 28% đến 44% các trường hợp mắc lao đại – trực tràng xuất hiện tổn thương đa ổ ở đại tràng. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh lao đại – trực tràng là đau bụng, sụt cân, chán ăn và thay đổi thói quen đi tiêu. Trong quá trình nội soi đại trực tràng, biểu hiện phổ biến nhất của lao đại – trực tràng là các vết loét, có dạng tuyến / nứt, ngang hoặc theo chu vi và được bao phủ bởi dịch tiết màu trắng hoặc vàng xỉn.
Bệnh lao ruột có lây không?
Bệnh lao ruột không lây lan qua đường ăn uống hoặc đường hô hấp, tuy nhiên, nếu người bệnh vừa mắc phải bệnh lao đường ruột và lao phổi thì lúc này lao phổi có thể lây lan qua đường hô hấp. Ngoài ra, tiếp xúc với phân hay nước tiểu của người bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh lao ruột.
Trong trường hợp người bệnh chỉ mắc bệnh lao ruột, tức là không mắc thêm bệnh lao tại cơ quan nào khác thì sẽ không có khả năng lây lan cho những người xung quanh. Nhưng trên thực tế lâm sàng, có rất nhiều trường hợp lao ruột thường xuất hiện đồng thời với lao ở cơ quan khác, nên khả năng vi khuẩn lao truyền sang những người tiếp xúc với bệnh nhân là hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, trong quá trình điều trị lao ruột, người bệnh nên cẩn thận trong những thói quen sinh hoạt hằng ngày như ho hoặc khạc đờm để tránh lây lan cho người thân và những người xung quanh. Nếu sau điều trị bệnh lao ruột, người bệnh được thực hiện xét nghiệm kiểm tra và cho kết quả không còn nhiễm lao ruột thì có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh lao ruột
Các vi khuẩn lao được bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa trong dạ dày bằng lớp áo chất béo và do đó có thể đi vào ruột non và gây nhiễm hồi tràng (khu vực hồi manh tràng, gây ra lao hồi manh tràng), hỗng tràng và tá tràng theo tần số giảm dần. Sự tăng sinh của những mô bạch huyết dưới niêm mạc, ứ đọng máu và lượng vi khuẩn tiêu hóa ít là nguyên nhân chính gây ra bệnh lao ở hồi tràng.
Nguyên nhân bị lao ruột là gì?
Nguyên nhân bị lao ruột được chia thành nguyên phát và thứ phát. Trong đó, tác nhân gây lao đường ruột là do vi khuẩn lao ở người hoặc ở các động vật khác (chủ yếu là ở bò).
- Lao ruột nguyên phát là loại bệnh hiếm gặp, xảy ra khi người bệnh ăn phải thức ăn hoặc uống nước, sữa có chứa vi khuẩn lao. Nguồn sữa có thể là sữa bò tươi, các chế phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng chứa vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis và kể cả sữa mẹ cũng tiềm ẩn nguy cơ.
- Lao ruột thứ phát xảy ra bởi vi khuẩn trong một ổ lao khác, phát triển sau bệnh lao phổi, lao thực quản, lao hầu họng hoặc lao màng bụng. Vi khuẩn lao lây lan theo đường máu, bạch huyết và đường mật vào ruột gây bệnh lao ruột, lao kê cấp tính.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao đường ruột
Bệnh lao ruột có thể xảy ra ở bất cứ ai trong mọi lứa tuổi. Người bệnh có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao đường ruột bao gồm:
- Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, nhiễm HIV/ AIDS.
- Người bệnh đái tháo đường (tiểu đường).
- Mắc bệnh ung thư đầu cổ, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin.
- Người sống trong môi trường ô nhiễm dễ nhiễm phải bụi phổi Silic.
- Cơ thể suy nhược, ốm yếu, trọng lượng cơ thể thấp, lupus gây ức chế hệ miễn dịch.
- Một số phương pháp chữa trị dẫn đến hệ miễn dịch bị suy yếu như sử dụng corticosteroid, sử dụng thuốc điều trị các bệnh tự miễn hoặc viêm mạch như viêm khớp dạng thấp.
- Tiền sử mắc bệnh lao.
- Người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân nhiễm lao.
Tham khảo thêm >> Chỉ số tiểu đường bao nhiêu là nguy hiểm?
Dấu hiệu và triệu chứng lao ruột
Triệu chứng lao ruột thường không đặc hiệu, người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển. Những triệu chứng thường gặp của bệnh lao ruột gồm đau bụng toàn bộ hay khu trú, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt, nôn ói, tiêu chảy,… Đôi khi những triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như bệnh Crohn, ung thư đại – trực tràng. Do đó, người bệnh cần đến thăm khám y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng của bệnh lao ruột là gì?
Các triệu chứng của bệnh lao ruột thường là biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa như:
- Triệu chứng toàn thân: sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi suy nhược hay ra mồ hôi vào ban đêm.
- Đau bụng mạn tính: có thể đau khu trú hoặc đau khắp bụng, nhất là vùng hố chậu phải (đau bụng dưới bên phải). Có thể xuất hiện những cơn đau quặn bụng, sôi bụng. Cơn đau thường thuyên giảm sau khi đi đại tiện hoặc nôn ói.
- Rối loạn đại tiện: thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiêu nhiều lần, bị tiêu chảy kéo dài, có thể kèm theo phân có máu (đi ngoài ra máu). Đôi khi xảy ra tình trạng bị táo bón hoặc táo bón xen kẽ tiêu chảy. Triệu chứng tiêu chảy xuất hiện nhiều hơn khi người bệnh bị loét niêm mạc ruột.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Kém hấp thu ở người bệnh lao ruột non.
Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ phát hiện bệnh lao ruột thông qua các thăm khám khác, các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cơ thể xanh xao, thiếu máu
- Xuất huyết trực tràng
- Chướng bụng và cổ trướng
- Gan to
- Lách to
- Nổi hạch
- Khám hố chậu phải thấy u mềm, ấn đau, di động ít
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?
Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/ phòng khám dạ dày, đại – trực tràng để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc biểu hiện của lao ruột như trên. Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài gây ra rất nhiều biến chứng khác và có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ sẽ chỉ định các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Phương pháp chẩn đoán lao ruột
Để chẩn đoán lao ruột, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cận lâm sàng chẩn đoán để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh lao ruột, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra phác đồ điều trị lao ruột phù hợp với giai đoạn bệnh.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng bệnh lao đường ruột sẽ bao gồm các bước thăm khám và thu thập thông tin sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị như:
- Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà người bệnh đang gặp phải.
- Kiểm tra hồ sơ tiền sử bệnh án đặc biệt là bệnh lao, các bệnh tiêu hóa, các phẫu thuật, dị ứng với thuốc nếu có.
- Kiểm tra các loại thuốc đã và đang sử dụng được kê đơn hoặc mua ngoài kể cả thực phẩm chức năng.
- Hỏi tiền sử bệnh của gia đình có liên quan.
Bác sĩ thực hiện thăm khám tổng quát, tập trung khám bụng để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý nguyên nhân cơ bản.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Xét nghiệm
Bạch cầu lympho tăng cao, tốc độ lắng máu tăng, bệnh nhân bị thiếu máu là những dấu hiệu phổ biến để chẩn đoán người bệnh bị bệnh lao. Các xét nghiệm máu có thể được bác sĩ chỉ định trong thăm khám bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu.
- Kháng thể huyết thanh: có thể được phát hiện bởi các enzyme liên kết khảo nghiệm miễn dịch hoặc bằng xét nghiệm kháng thể huỳnh quang hòa tan kháng nguyên.
- Xét nghiệm Quantiferon: phương pháp xét nghiệm máu nhằm chẩn đoán sự có mặt của vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis có trong cơ thể người. Kết quả có thể âm tính giả ở bệnh nhân lao ngoài phổi.
- Xét nghiệm Adenosine Deaminase (ADA): xét nghiệm hỗ trợ để xác định người bệnh có các triệu chứng của bệnh lao.
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): tìm M. tuberculosis trên bệnh phẩm lâm sàng có thể được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ cho chẩn đoán ban đầu nhưng không được sử dụng để theo dõi. Phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có thể giúp phân biệt với bệnh Crohn.
Nội soi ống tiêu hóa
Nội soi ống tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
- Nội soi đại tràng sigma chỉ có thể quan sát và đánh giá được vùng đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn. Nếu đại tràng của người bệnh bị viêm, loét nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp này thay vì nội soi đại tràng toàn bộ.
- Nội soi đại tràng toàn bộ (nội soi đại – trực tràng) cho phép bác sĩ kiểm tra toàn bộ đại tràng, trực tràng, hậu môn, các tổn thương ở các khu vực hồi manh tràng.
- Sinh thiết tế bào làm giải phẫu bệnh cho kết quả chuẩn xác, phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm như ung thư đại – trực tràng.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm:
Chẩn đoán hình ảnh
Các chẩn đoán hình ảnh được bác sĩ chỉ định có thể bao gồm:
- Chụp X-quang đại tràng cản quang (sau khi đã thụt tháo bằng barium và uống barium): là kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc đại – trực tràng, cho phép bác sĩ gián tiếp đánh giá các bất thường của niêm mạc đại – trực tràng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): kiểm tra các dấu hiệu tổn thương đường tiêu hóa hoặc tổn thương các cơ quan khác do vi khuẩn lao. Hình ảnh cho thấy dày thành không đối xứng của van hồi manh tràng, manh tràng hoặc hồi tràng liên quan đến các hạch bạch huyết hoại tử. Sau khi bị viêm mãn tính, manh tràng có thể to nhỏ không đều do xơ hóa và chít hẹp. Sự liên quan đến các tạng đặc biểu hiện bằng nhiều nốt giảm đậm độ nhỏ nhìn thấy trên bề mặt và khắp nhu mô.
- Chụp mạch lympho: nhằm kiểm tra các mạch thuộc hệ thống bạch huyết sau khi tiêm chất cản quang để tiến hành chụp X-quang.
- Chụp Galium citrate: giúp phát hiện viêm thanh mạc và viêm phúc mạc.
- Chụp X-quang ngực: nếu nghi ngờ người bệnh bị lao đường ruột do biến chứng của bệnh lao.
- Siêu âm: chọc hút tế bào dưới hướng dẫn của siêu âm có thể giúp chẩn đoán các tổn thương cơ quan đặc. Chọc hút có hướng dẫn bằng siêu âm với sự hỗ trợ của nội soi ổ bụng (nếu cần) giúp chẩn đoán loại trừ lao màng bụng gây cổ chướng và chẩn đoán viêm hạch lao.
Tiên lượng và biến chứng bệnh lao ruột
Tiên lượng bệnh lao ruột
Tiên lượng bệnh lao ruột phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương và thay đổi theo tiên lượng của bệnh phổi. Các tổn thương lao ruột thường đáp ứng với phương pháp điều trị lao phổi, tức là điều trị phối hợp bốn loại thuốc kháng lao trong 6 – 9 tháng. Phẫu thuật có thể cần thiết ở người bệnh bị biến chứng tắc ruột hoặc để chẩn đoán xác định. Các tổn thương ở đại tràng có thể dễ dàng tiếp cận được để làm sinh thiết thông qua nội soi tiêu hóa.
Lao ruột nếu không được điều trị có tỷ lệ tử vong từ 6% đến 20% và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật.
Biến chứng bệnh lao ruột
Bệnh lao ruột nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như:
- Xuất huyết tiêu hóa nặng.
- Hình thành đường rò hậu môn – trực tràng (bệnh rò hậu môn).
- Tắc ruột/ lồng ruột.
- Thủng tạng rỗng (dạ dày, ruột).
- Thiếu máu.
- Suy dinh dưỡng, kém hấp thu, sụt cân, thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết có thể dẫn đến suy kiệt và tử vong.
- Bệnh viêm đa dây thần kinh do viêm mạn tính.
- Viêm phúc mạc.
Phương pháp điều trị lao ruột
Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị lao ruột là điều trị nội khoa và ngoại khoa, tuy nhiên trên lâm sàng chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp điều trị lao ruột nội khoa.
Điều trị lao ruột nội khoa
Điều trị lao ruột nội khoa bằng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý bao gồm:
- Thuốc diệt vi khuẩn lao: phác đồ điều trị lao ruột bao gồm 4 loại thuốc là isoniazid, rifampicin, pyrazinamide và ethambutol. Ở những bệnh nhân bị lao phúc mạc, việc bổ sung các loại thuốc steroid vào phác đồ kháng lao có thể giúp ngăn ngừa tình trạng dính ruột.
- Thuốc điều trị triệu chứng: bao gồm thuốc giảm đau bụng, thuốc cầm tiêu chảy,…
- Chế độ ăn uống: ăn đủ chất, nhất là đạm, vitamin, không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột.
Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị lao ruột sau khi được thăm khám và theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị được lựa chọn ở người bệnh có các biến chứng như tắc ruột do lao, thủng ruột và rò hậu môn, bao gồm:
- Nội soi can thiệp: nong bóng qua nội soi được sử dụng để điều trị biến chứng tắc hồi tràng và tắc tá tràng ở người bệnh lao ruột.
- Phẫu thuật cắt đại tràng ngang, hồi tràng: thủ thuật không được áp dụng thường xuyên vì quá trình thường phức tạp do hội chứng vòng lặp mù, hình thành lỗ rò và bệnh tái phát ở các đoạn còn lại.
- Phẫu thuật cắt bỏ triệt để các phân đoạn liên quan – phẫu thuật cắt bỏ khối u: các lỗ thủng ruột do lao thường được điều trị bằng cách cắt bỏ các đoạn liên quan và nối thông nguyên phát. Đây là lựa chọn hiệu quả để điều trị bệnh tận gốc. Tuy nhiên, những ca phẫu thuật này thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe của người bệnh như suy dinh dưỡng.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa bệnh lao ruột
Một số biện pháp tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp Cô Bác, Anh Chị phòng ngừa bệnh lao ruột, bao gồm:
- Giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt.
- Sử dụng sữa bò tươi, các chế phẩm từ bò sữa đã qua xử lý tiệt trùng.
- Tránh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là môi trường có chứa silic, đây là loại bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi.
- Khi sử dụng các thuốc làm suy giảm miễn dịch như corticoid cần phải theo dõi thường xuyên tình trạng miễn dịch của cơ thể.
- Khi có các triệu chứng lao ruột, Cô Bác, Anh Chị nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
- Khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ ở người có nguy cơ cao mắc bệnh lao đường ruột.
Những điều cần lưu ý về bệnh lao ruột
- Bệnh lao ruột thường xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, là bệnh lý ít gặp nhưng rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán, điều trị và tỷ lệ biến chứng rất lớn.
- Người bệnh lao ruột chủ yếu do nuốt phải đờm, dãi, chất nhầy có chứa vi khuẩn lao của bệnh nhân đang mắc phải lao ruột, do ăn các thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao,…
- Lao ruột thường gặp là lao thứ phát biến chứng sau bệnh lao phổi, lao thực quản, lao hầu họng, lao màng bụng.
- Người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc bệnh lao ruột do virus HIV làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo cơ hội cho vi khuẩn lao phát triển.
- Lao ruột thường không có triệu chứng, nếu có chỉ là các dấu hiệu như đau quặn bụng, sụt cân, sốt, nôn ói, tiêu chảy,…
- Nội soi ống tiêu hóa dưới được thực hiện để chẩn đoán và điều trị hoặc phẫu thuật có thể được lựa chọn để điều trị bệnh có các biến chứng thủng, tắc ruột.
- Lao ruột nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.
- Tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Đây là bệnh lý có thời gian điều trị lâu dài nên người bệnh cần phải kiên trì.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Raja Chandra Chakinala, Akshay M. Khatri. “Gastrointestinal Tuberculosis” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 07 25 2021. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK556115/ (đã truy cập 10 28,2021).
- Uma Debi, Vasudevan Ravisankar, Kaushal Kishor Prasad, Saroj Kant Sinha, Arun Kumar Sharma. “Abdominal tuberculosis of the gastrointestinal tract: Revisited” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 10 28 2014. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4209546/ (đã truy cập 10 28,2021).