Nhiễm ký sinh trùng đường ruột

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột là gì?

Ký sinh trùng là những sinh vật ký sinh trên các bộ phận khác nhau của cơ thể người và thu nhận chất dinh dưỡng từ những bộ phận đó.

Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường ruột vẫn còn cao và gây ra tử vong đáng kể trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước chưa phát triển và những bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc. Nhiễm ký sinh trùng cũng là gánh nặng lớn ở các nước nhiệt đới nghèo với điều kiện vệ sinh kém, nhưng cũng có thể gặp ở nước phát triển (dân nhập cư, du lịch trở về từ vùng dịch tễ, người bị suy giảm miễn dịch).

 Nhiễm ký sinh trùng đường ruột là gì? Ảnh sưu tầm
Nhiễm ký sinh trùng đường ruột là gì? Ảnh sưu tầm

Các loại ký sinh trùng

Có 2 loài ký sinh trùng thường gặp gây bệnh ở người:

Các loại đơn bào

Đơn bào là những loại ký sinh trùng cấu tạo từ một tế bào như trùng roi, amip, … lây lan chủ yếu qua nguồn nước và thực phẩm nhiễm bẩn.

Giun sán: Giun sán là ký sinh trùng thường gặp với cấu tạo đa bào và có hệ thống cơ quan phức tạp. Giun sán có thể phân chia thành:

  • Giun tròn được cấu tạo bởi các khoang cơ thể, đây là đặc điểm phân biệt với sán dây và sán lá. Tùy thuộc vào từng loài khác nhau sẽ có giai đoạn phát triển khác nhau trong vòng đời gây bệnh cho con người. Các loại giun tròn phổ biến là giun đũa, giun móc, và giun tóc.
  • Sán dẹp: bao gồm sán dây và sán lá. Sán dây trưởng thành là sán dẹt nhiều đốt không có ống tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng trực tiếp từ ruột non của con người. Trong hệ tiêu hóa của vật chủ, sán dây trưởng thành có thể phát triển lớn hơn và có loài dài đến tận 40m. Sán dây gây bệnh phổ biến ở người là sán dải bò, và sán dải lợn.

Giun sán có vòng đời phức tạp, với thời gian tồn tại bên ngoài lẫn bên trong cơ thể người. Một số loài giun như giun lươn có thể sinh sản với chu trình tự nhiễm (con non gây bệnh trên cùng một vật chủ không phải bài xuất ra ngoài môi trường gây bệnh cho vật chủ khác). Trong bệnh giun lươn, chu trình tự nhiễm có thể gây đe dọa tính mạng, nhiễm giun lươn lan tỏa ở những người suy giảm miễn dịch đặc biệt những người sử dụng corticoid.

Mức độ nghiêm trọng của nhiễm giun sán liên quan số lượng giun trong cơ thể và số lượng này phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với môi trường, loại ký sinh trùng, tình trạng miễn dịch của cơ thể…

Ký sinh trùng lây truyền như thế nào?

Nhiều bệnh ký sinh trùng lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn. Thường gặp ở những vùng có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Một số ký sinh trùng ví dụ giun móc có thể xâm nhập vào da khi tiếp xúc với đất bẩn. Hiếm khi, nhiễm ký sinh trùng lây truyền qua truyền máu hoặc kim tiêm hoặc từ mẹ sang con.

Triệu chứng nhiễm ký sinh trùng

  • Biểu hiện tại da: mề đay, ban đỏ, chàm mới phát hoặc các dạng dị ứng da khác có thể gợi ý đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng.
  • Rối loạn tiêu hóa cũng là triệu chứng thường gặp của nhiễm ký sinh trùng với các biểu hiện tiêu chảy mạn tính, đau bụng âm ỉ, đau về đêm, hoặc cũng có thể có đầy hơi, buồn nôn, nôn và cảm giác nóng rát trong dạ dày.
  • Ngứa hậu môn đặc biệt là vào ban đêm ở trẻ em gợi ý tình trạng nhiễm giun kim. Giun kim đẻ trứng ở ngoài cơ thể, thông thường là xung quanh hậu môn, gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
  • Mệt mỏi thường xuyên do tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do tình trạng chiếm thức ăn tại ruột của các loại giun tròn.
  • Luôn có cảm giác thèm ăn: ăn nhiều hơn bình thường nhưng lại sụt cân cũng là một dấu hiệu khi cơ thể bị nhiễm sán dây hoặc giun tròn. Lý do là khi ký sinh trùng tiêu thụ một lượng thực phẩm của người bị nhiễm bệnh, nên sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy đói. Mặc dù ăn nhiều nhưng cơ thể lại không hấp thu được chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt với các bệnh lí ác tính (như ung thư) cũng có biểu hiện tương tự
  • Thiếu máu: giun móc bám trực tiếp vào thành ruột gây mất máu rỉ rả qua đường tiêu hóa hoặc tình trạng thiếu hụt chất sắt cũng dẫn đến thiếu máu.

Chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng

  • Nhiễm trùng ký sinh trùng được nghĩ đến nếu bệnh nhân sống trong vùng dịch tễ (vùng có các loại ký sinh trùng sinh sống và nhiều người cùng mắc bệnh do ký sinh trùng đó), đặc biệt là những người du lịch đến các khu vực mà điều kiện vệ sinh kém.
  • Khai thác bệnh sử, khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng có thể gợi ý loại ký sinh trùng gây bệnh. Ví dụ, tăng bạch cầu ái toan hay gặp khi giun sán di chuyển qua mô cơ quan và gợi ý nhiễm ký sinh trùng ở những người nhập cư hoặc người du lịch.
  • Chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng trước đây nhờ nhận biết trứng, ấu trùng, ký sinh trùng trưởng thành trong phân, máu, mô hoặc các mẫu bệnh phẩm khác hoặc sự có mặt của kháng thể trong huyết thanh, nhưng hiện nay việc chẩn đoán dựa vào nhận biết kháng nguyên ký sinh trùng hoặc xét nghiệm sinh học phân tử dựa vào ADN của ký sinh trùng ngày phổ biến.
  • Các giai đoạn khác nhau của đơn bào nguyên sinh và giun sán gây bệnh đường tiêu hóa thường được thải qua phân. Xét nghiệm 3 mẫu phân trong những ngày khác nhau giúp tăng khả năng phát hiện ký sinh trùng vì quá trình bài xuất ra phân có thể khác nhau. Độ nhạy trong xét nghiệm tìm trứng và ký sinh trùng trong phân là không cao, trong khi lâm sàng rất nghi ngờ, khi đó nên cân nhắc điều trị theo kinh nghiệm.
  • Dùng giấy bóng kính hoặc miếng gạc lấy bệnh phẩm ở hậu môn có thể phát hiện giun kim hoặc trứng sán dây..
  • Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại trực tràng nên được chỉ định khi xét nghiệm phân âm tính và nghi ngờ nhiễm amip ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa dai dẳng.
  • Xét nghiệm huyết thanh hiện nay giúp ích khá nhiều cho việc tầm soát và theo dõi điều trị đối với các loại ký sinh trùng. Tùy theo vùng bệnh nhân sống, triệu chứng bệnh, và biểu hiện lâm sàng mà bác sĩ sẽ có các chỉ định để tìm chỉ điểm của ký sinh trùng trong máu
Soi phân phát hiện giun đũa. Ảnh sưu tầm
Soi phân phát hiện giun đũa. Ảnh sưu tầm

Điều trị nhiễm ký sinh trùng

Điều trị nhiễm ký sinh trùng phụ thuộc vào loại kí sinh trùng mà bệnh nhân nhiễm, do đó việc chẩn đoán chính xác loại ký sinh trùng đang nhiễm là cực kì quan trọng.

Các loại thuốc thường được sử dụng là:

  • Metronidazole
  • Tinidazole
  • Albendazole
  • Mebendazole
  • Ivermectin
  • Triclabendazole

Loại thuốc, liều dùng và thời gian sử dụng của thuốc phụ thuộc vào loại ký sinh trùng, tình trạng hiện mắc, thể lâm sàng cũng như bộ phận cơ thể bị nhiễm bệnh.

Việc sử dụng thuốc cần được sự tư vấn và theo dõi kĩ của bác sĩ chuyên khoa vì những loại thuốc diệt ký sinh trùng cũng có nhiều tác dụng phụ mà thường gặp nhất là tình trạng suy gan.

Bên cạnh việc điều trị triệt bằng thuốc diệt ký sinh trùng, bệnh nhân cũng sẽ được kê đơn thuốc điều trị các triệu chứng như ngứa, mề đay, thiếu máu,…

Dự phòng nhiễm ký sinh trùng

Phòng bệnh dựa vào việc tránh tiếp xúc tác nhân gây bệnh. Hầu hết lây nhiễm ký sinh trùng có thể ngăn ngừa bằng cách:

  • Xử lý phân hợp vệ sinh
  • Nấu vừa đủ thức ăn, không để thức ăn ở nơi nóng ẩm dễ gây ôi thiu
  • Sử dụng nước sạch, đã được lọc kĩ, uống nước đã đun sôi để nguội
  • Đối với khách du lịch, lời khuyên tốt nhất là “ăn chín, uống sôi, bóc vỏ hoặc bỏ đi.”
  • Không nên bơi hồ nước ngọt, suối hoặc sông ở khu vực mà bệnh sán máng lưu hành hoặc đi bộ chân trần hoặc tiếp xúc da với đất ở những nơi mà có giun móc.

Tài liệu tham khảo

  1. Parasites – CDC.gov
  2. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột – Bộ y tế Việt Nam
  3. Parasitic diseases – Mayo Clinic

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?

Chia sẻ nội dung: