Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nhiễm trùng đường tiêu hóa là một trong các bệnh lý thường gặp gây tiêu chảy, nguyên nhân mắc bệnh phổ biến là do môi trường sống và thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, đây là điều kiện lý tưởng cho những vi sinh vật gây bệnh phát triển, dẫn đến nhiễm trùng đường ruột. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, tiêu chảy là 1 trong 9 bệnh lý gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới, trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 2.195 trẻ em tử vong do tiêu chảy, nhiều hơn cả số ca tử vong do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về nhiễm trùng tiêu hóa

Nhiễm trùng tiêu hóa là căn bệnh khá phổ biến mà hầu như cả người lớn và trẻ nhỏ cũng sẽ gặp một lần trong đời. Trong trường hợp nếu tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa chuyển biến nghiêm trọng, không được phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa là gì?

Nhiễm trùng đường tiêu hóa (tên tiếng Anh: gastrointestinal infections) là tình trạng một hay một số cơ quan ống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn bị nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Tùy theo mức độ, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn, ăn mất ngon, tiêu chảy cấp tính, đi tiêu dạng phân nước hoặc nhầy nhớt liên lục trong một vài ngày và một số triệu chứng khó chịu khác như đau cơ, mất nước và sụt cân không chủ ý.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu qua đường ăn uống, khi ăn phải thực phẩm hoặc nguồn nước chứa vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm. Những thực phẩm vệ sinh kém, bị ô nhiễm chính là môi trường thuận lợi cho những vi sinh vật này phát triển.

Nhiễm trùng đường ruột được điều trị tập trung vào việc bổ sung nước và tăng cường nghỉ ngơi để hệ miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng và nguyên nhân gây bệnh. Cô Bác, Anh Chị nên thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời và kiểm soát nhiễm trùng là cần thiết với những trường hợp xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn và nôn kéo dài gây mất nước.

Tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa còn được gọi là nhiễm trùng ruột hoặc tiêu chảy nhiễm trùng.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa là tình trạng một hay một số cơ quan ống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn bị nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nhiễm trùng đường tiêu hóa là tình trạng một hay một số cơ quan ống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn bị nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phân loại nhiễm trùng đường ruột

Phân loại nhiễm trùng đường ruột dựa vào nguyên nhân và nguồn gốc gây bệnh bao gồm 3 loại chính:

  • Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn.
  • Nhiễm trùng đường ruột do virus.
  • Nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân nhiễm trùng đường tiêu hóa là gì?

Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu là do sự tấn công của hệ vi sinh vật gây bệnh vào đường ruột như vi khuẩn, virus và nấm. Bên cạnh đó, một số ít trường hợp bị nhiễm trùng đường tiêu hóa là do sự xâm nhập của các loại ký sinh trùng. Các vi sinh vật này thường có mặt trong thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, một số loại thịt, cá với hàm lượng độc tố và thủy ngân cao.

Nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột là gì?

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột chủ yếu là do sự xâm nhập của các hệ vi sinh vật như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng thông qua đường ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm không hợp vệ sinh, lây nhiễm từ người qua người hoặc do môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm.

Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn

Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn bao gồm nhiễm trùng do thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Các vi khuẩn giải phóng độc tố gây tổn thương ống tiêu hóa như:

  • Escherichia coli (E. coli): được tìm thấy trong ruột của người và động vật. Hầu hết các vi khuẩn coli đều vô hại, nhưng một số chủng như E. coli O157: H7 sẽ tiết ra một loại độc tố gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy ra máu. Vi khuẩn E. coli có khả năng lây truyền qua nguồn nước, thực phẩm hoặc từ người bị nhiễm sang người lành.
  • Salmonella: thường do ăn thịt gia cầm, thịt và trứng sống hoặc nấu chưa chín. Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn salmonella có thể được phân loại là viêm dạ dày ruột.
  • Helicobacter pylori: còn gọi là khuẩn Hp là vi khuẩn phát triển mạnh ở dạ dày và tá tràng. Nhiễm vi khuẩn Hp gây tổn thương lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày – tá tràng khi xâm nhập.
  • Clostridium perfringens.
  • Listeria.
  • Staphylococcus (nhiễm trùng tụ cầu).

Nguồn thực phẩm bẩn, bị ô nhiễm, không rõ nguồn gốc có nhiều nguy cơ cao gây nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa. Một số thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh như:

  • Thịt, trứng, thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín kỹ.
  • Sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng.
  • Nước bị ô nhiễm.
  • Thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thịt và trứng không được bảo quản lạnh tốt.
  • Thịt nguội, thực phẩm đóng hộp.
  • Trái cây và rau sống chưa rửa sạch.

Ngoài ra, người bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn có thể lây truyền vi khuẩn sang thức ăn người bệnh tiếp xúc.

Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột do virus

Các loại virus phổ biến gây nhiễm trùng ruột bao gồm:

  • Norovirusnguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường ruột trên toàn thế giới. Virus lây truyền qua thực phẩm, nguồn nước bị ô nhiễm hoặc từ người bị nhiễm sang người lành.
  • Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ruột hay tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em. Trẻ em thường bị nhiễm khi tiếp xúc vào các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó đưa ngón tay vào miệng. Theo thống kê của Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường và bệnh tiêu hóa (NIDDK), có khoảng 19.000 – 21.000 trường hợp mắc bệnh cúm dạ dày ở Hoa Kỳ mỗi năm là do Norovirus.
Norovirus là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Norovirus là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng

Bên cạnh vi khuẩn và virus, ký sinh trùng cũng là một trong những nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột phổ biến. Hai loại nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất là GiardiaCryptosporidium:

  • Giardia (sốt hải lỵ): là một loại ký sinh trùng dễ dàng lây truyền từ người sang người do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Ký sinh trùng Giardia có khả năng chống lại chất khử trùng clo và có thể lây lan trong các bể bơi công cộng. Nhiễm trùng tiêu hóa thường xảy ra khi uống nước và tắm ở các hồ và suối bị ô nhiễm.
  • Cryptosporidium là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường ruột lây truyền qua đường nước ở Hoa Kỳ, đây là một loại ký sinh trùng cực nhỏ gây bệnh. Ký sinh trùng Cryptosporidium có một lớp vỏ bảo vệ bên ngoài giúp nó tồn tại bên ngoài vật chủ và tồn tại trong nước có nồng độ clo thường quy.

Ngoài ra, giun sán, giun kim, sán đơn bào cũng gây nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa. Tiếp xúc với phân người trong đất, uống hoặc bơi trong nước bị ô nhiễm có thể mắc các bệnh nhiễm trùng ống tiêu hóa do ký sinh trùng. Một số bệnh nhiễm ký sinh trùng có thể lây truyền từ động vật sang người như ký sinh trùng toxoplasma lây nhiễm khi tiếp xúc với phân mèo nhiễm bệnh.

Những ai có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiêu hóa?

Ngoài những nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột bên trên, tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa rất phổ biến ở các quốc gia đang và chậm phát triển. Nguyên nhân là do chất lượng đời sống còn thấp và chưa thực sự được quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những người có nguy cơ cao nhiễm trùng tiêu hóa, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai
  • Người cao tuổi
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Người sống ở khu tập thể không đảm bảo vệ sinh

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) năm 2017, tiêu chảy là căn bệnh hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm khoảng 8% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Trong đó, ước tính khoảng 1.400 trẻ em tử vong mỗi ngày và khoảng 525.000 trẻ em tử vong mỗi năm do bệnh tiêu chảy có thể liên quan đến nhiễm khuẩn đường ruột.

Trẻ em, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm trùng đường ruột. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Trẻ em, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm trùng đường ruột. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột

Hầu hết các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột đều tương tự với các bệnh lý tiêu hóa khác, chúng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của mỗi cá nhân. Vì thế bác sĩ khuyến khích mọi người nên thăm khám sức khỏe hệ tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ.

Một số dấu hiệu nhiễm trùng tiêu hóa phổ biến như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, chướng bụng,…

Những triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa thường gặp

Các bệnh đường tiêu hóa do virus đều khởi phát đột ngột và kéo dài dưới một tuần hoặc có thể tiếp tục kéo dài trong 14 ngày nếu không được điều trị.

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa thường gặp bao gồm:

Nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn thường gặp các triệu chứng tương tự như nhiễm virus nhưng có thể xuất hiện sốt cao hoặc tiêu chảy ra máu. Nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa thường gặp triệu chứng tiêu chảy ra máu hoặc tiêu phân nhầy nhớt, diễn ra liên tục trong nhiều ngày.

Nhiễm trùng ống tiêu hóa thường xuất hiện những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nhiễm trùng ống tiêu hóa thường xuất hiện những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kể trên kéo dài không thuyên giảm Cô Bác, Anh Chị nên đến ngay cơ sở y tế uy tín, từ đó bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Trường hợp bị nhiễm trùng đường tiêu hóa kèm theo những triệu chứng sau cảnh báo tình trạng của bệnh lý nghiêm trọng hơn.

Người lớn

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ thăm khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau bụng dữ dội.
  • Sốt cao trên 40°C.
  • Tiêu chảy kéo dài trong 24 giờ.
  • Buồn nôn, nôn kéo dài trong 48 giờ.
  • Nôn ra máu.
  • Có dấu hiệu mất nước bao gồm khát nước quá mức, khô miệng, ít hoặc không có nước tiểu (hoặc nước tiểu màu vàng đậm), suy nhược, choáng váng hoặc chóng mặt.
  • Đi ngoài ra máu.

Trẻ em

Nếu Cô Bác, Anh Chị gặp các dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em sau đây, thì nên cho bé đến gặp bác sĩ nhi khoa thăm khám ngay:

  • Sốt cao trên 39°C.
  • Đau bụng cấp tính.
  • Khó chịu, quấy khóc.
  • Hôn mê.
  • Tiêu chảy ra máu.
  • Xuất hiện dấu hiệu mất nước.

Theo dõi lượng nước và sữa mà trẻ uống so với lượng nước tiểu để biết bé có đang bị mất nước hay không.

Trẻ sơ sinh

Một số dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Nôn (không chỉ khạc bình thường) kéo dài hơn vài giờ.
  • Khô miệng.
  • Tã luôn khô trong 6 giờ.
  • Khóc nhưng không chảy nước mắt.
  • Tiêu chảy nặng.
  • Đi ngoài ra máu.
  • Ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Có một điểm mềm trũng trên đỉnh đầu của trẻ.

Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa

Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng quan trọng như xét nghiệm và nội soi tiêu hóa. Sau khi có kết quả, bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phác đồ điều trị nhiễm trùng đường ruột phù hợp.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh cũng như bệnh sử của Cô Bác, Anh Chị và người thân để định hướng chẩn đoán.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu Cô Bác, Anh Chị làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiêu hóa.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Khi thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và nội soi tiêu hóa để xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Xét nghiệm

Bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm máu và phân, để xác định nguyên nhân nhiễm trùng tiêu hóa đồng thời loại trừ các bệnh lý liên quan khác.

  • Xét nghiệm máu: Nếu trường hợp bệnh nhân đi tiêu chảy nhiều lần hoặc tiêu phân có máu hay có tình trạng mất nước, mất chất điện giải thì cần thực hiện xét nghiệm máu để tìm hiểu dấu hiệu nhiễm khuẩn và đánh giá các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.
  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra trứng và ký sinh trùng trong phân, cần lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng.
Cấy phân là xét nghiệm nuôi cấy mẫu phân được lựa chọn để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Cấy phân là xét nghiệm nuôi cấy mẫu phân được lựa chọn để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nội soi ống tiêu hóa

Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi theo từng cơ quan hoặc toàn bộ ống tiêu hóa. Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi tiêu hóa có hoặc không có sinh thiết.

Trong đa số trường hợp nhiễm trùng ống tiêu hóa cấp tính, nội soi tiêu hóa là không cần thiết. Tuy nhiên, trong một số truờng hợp, người bệnh bị nhiễm trùng tiêu hóa bán cấp hay mạn tính, nội soi ống tiêu hóa có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán và xác định nguyên nhân nhiễm trùng.

  • Chẩn đoán nhiễm trùng ống tiêu hóa trên được chỉ định nội soi dạ dày.
  • Chẩn đoán nhiễm trùng ống tiêu hóa dưới được chỉ định nội soi đại – trực tràng.
    • Nội soi đại tràng sigma: Phương pháp cung cấp hình ảnh trực tiếp của phần xa của đại tràng và cơ hội để sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp.
    • Nội soi đại tràng toàn bộ: Phương pháp được chỉ định sau khi các xét nghiệm ít xâm lấn khác cho kết quả dương tính, cũng có thể được sử dụng để sàng lọc ngay từ đầu.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm bụng: Bác sĩ chỉ định siêu âm khi bệnh nhân có các triệu chứng đi ngoài ra máu, đau bụng, chướng bụng và nôn ói nặng nhằm loại trừ bệnh lồng ruột.
  • Chụp X-quang bụng: Phương pháp giúp bác sĩ quan sát hình ảnh bên trong ống tiêu hóa bao gồm dạ dày, lá lách, gan, đại tràng, ruột non, cơ hoành và các cơ ngăn cách giữa vùng bụng và ngực. Chụp X-quang không được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân có triệu chứng chướng bụng.

Biến chứng nhiễm trùng tiêu hóa

Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng tiêu hóa có thể tự khỏi và không gây nguy hiểm nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng như:

Phương pháp điều trị nhiễm trùng tiêu hóa

Phương pháp điều trị nhiễm trùng tiêu hóa phụ thuộc vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Tự chăm sóc tại nhà
  • Điều trị y tế
  • Điều trị bằng thuốc

Lưu ý: Mọi loại thuốc điều trị bệnh nên được chỉ định hay đã qua tham khảo ý kiến bác sĩ.

Điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa tại nhà

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa chỉ cần chăm sóc tại nhà sẽ tự phục hồi. Người bệnh cần phải đảm bảo cung cấp đủ nước trong cơ thể ngay khi có triệu chứng tiêu chảy. Trường hợp bị tiêu chảy và có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột khác kéo dài không thuyên giảm người bệnh nên đi thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý và uống nhiều nước có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp cải thiện triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn ở người bệnh nhiễm trùng đường ruột.

Điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa tại nhà bằng những phương pháp đơn giản sau:

  • Nghỉ ngơi.
  • Uống từng ngụm nước thường xuyên.
  • Sử dụng thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để điều trị bệnh.
  • Ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu khi cảm thấy khỏe hơn.
Nghỉ ngơi, bổ sung nước là những phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa tại nhà. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nghỉ ngơi, bổ sung nước là những phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa tại nhà. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Điều trị y tế

Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám nội soi dạ dày, đại tràng để được thăm khám và truyền dịch trực tiếp thông qua tĩnh mạch nếu xuất hiện các triệu chứng đi ngoài ra máu, cơ thể mất nhiều nước kéo dài. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ phải mất một vài tuần để cơ thể hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng giảm nhẹ triệu chứng tiêu chảy nặng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ, thức ăn nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc phối hợp điều trị triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và thuốc kháng axit dạ dày giúp trung hòa axit trong dạ dày.

Tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa kéo dài không thuyên giảm, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm phân, xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh và điều trị bệnh.

Điều trị nhiễm trùng đường ruột bằng thuốc

Dựa vào các kết quả để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị bệnh thích hợp. Thuốc kháng sinh không dùng cho bệnh nhân nhiễm trùng đường tiêu hóa do virus hoặc ký sinh trùng.

  • Thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn mức độ nặng. Trường hợp người bệnh nhiễm khuẩn đường ruột nhẹ, không có biến chứng thì không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể làm tình trạng bệnh kéo dài, tăng nguy cơ tái phát và thuốc kháng sinh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như dị ứng, nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
  • Thuốc diệt ký sinh trùng dùng để điều trị nhiễm trùng ống tiêu hóa do ký sinh trùng bao gồm thuốc Ciprofloxacin, Metronidazol,…

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa

Phụ thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột mà sẽ có các phương pháp phòng ngừa khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp tốt nhất để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa là rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và sử dụng các loại thực phẩm, nguồn nước rõ nguồn gốc, an toàn, hợp vệ sinh.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa do virus

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị, Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện những điều sau để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa do virus, bao gồm:

  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nếu không có sẵn xà phòng và nước, Cô Bác, Anh Chị có thể sử dụng nước rửa tay khô.
  • Nên lựa chọn các thực phẩm tươi, sạch, rõ nguồn gốc.
  • Tuân thủ quy tắc ăn chín uống sôi.
  • Khử trùng những nguồn dễ lây lan bệnh nhiễm trùng đường ruột như dụng cụ nhà bếp, quầy và bề mặt bếp trước khi chế biến thực phẩm.
  • Khi bị ốm, không nên nấu ăn hoặc chăm sóc cho người khác.
  • Giặt ngay quần áo hoặc mền gối bị dính chất nôn hoặc phân.
Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phòng ngừa nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn

Ngoài ra, để phòng ngừa nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn, CDC khuyến nghị nên thực hiện những điều sau:

  • Rửa tay với xà phòng và khử trùng bề mặt bếp trước và sau khi chế biến thức ăn.
  • Không để các thực phẩm sống chung với thức ăn đã chế biến. Thịt, cá, gia cầm và hải sản phải rửa sạch, để ráo nước và chia thành từng phần, bọc kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh nếu chế biến trong ngày, bảo quản ngăn đông nếu chưa dùng đến.
  • Khi chế biến thức ăn cần vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo nấu chín ở nhiệt độ an toàn.
  • Bảo quản thức ăn ở nhiệt độ dưới 4°C trong vòng 2 giờ sau khi nấu.

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng ống tiêu hóa nên hạn chế sử dụng thực phẩm từ thịt chưa được nấu chín, các sản phẩm sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng và rau sống.

Các sản phẩm từ sữa và rau sống có chứa một số vi sinh vật gây bệnh nếu không được rửa sạch. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Các sản phẩm từ sữa và rau sống có chứa một số vi sinh vật gây bệnh nếu không được rửa sạch. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phòng ngừa nhiễm trùng ống tiêu hóa do ký sinh trùng

Để phòng ngừa nhiễm trùng ống tiêu hóa do ký sinh trùng, Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện những điều sau:

  • Giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng thường xuyên.
  • Luôn vệ sinh tay sạch sẽ để phá vỡ chuỗi nhiễm trùng.
  • Lựa chọn các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
  • Nguồn nước hàng ngày luôn phải được đảm bảo vệ sinh.
  • Thận trọng khi đi du lịch trở về từ những vùng phổ biến nhiễm ký sinh trùng.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa ký sinh trùng toxoplasma do mèo lây truyền. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu nhà có nuôi mèo nên thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán có nhiễm ký sinh trùng toxoplasma không.

Những điều cần lưu ý về nhiễm trùng đường tiêu hóa

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa hay còn gọi là tiêu chảy nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn đường ruột là một bệnh phổ biến hầu như ai cũng mắc phải vài lần trong đời.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng và đều gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như tiêu chảy, đau quặn bụng và buồn nôn kéo dài nếu không được điều trị.
  • Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm mẫu phân.
  • Hầu hết các bệnh nhân nhiễm trùng đường tiêu hóa sẽ tự hết, nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng mất nước hoặc các biến chứng như sốt cao, tiêu chảy ra máu thì Cô Bác, Anh Chị nên đi thăm khám hệ tiêu hóa.
  • Các trường hợp nhiễm trùng ống tiêu hóa nặng hơn đôi khi cần phải nhập viện để truyền dịch tĩnh mạch, kháng sinh hoặc dùng các phương pháp điều trị khác (nếu cần thiết).
  • Sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh, nghỉ ngơi và uống nhiều nước giúp giảm nhẹ triệu chứng và phục hồi sau bệnh nhanh chóng.

Người bị nhiễm trùng tiêu hóa nên ăn gì?

Người bị nhiễm trùng tiêu hóa nên lưu ý các loại thực phẩm được phép ăn cũng như hạn chế trong quá trình điều trị. Chế độ ăn uống khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho Cô Bác, Anh Chị.

Chế độ ăn không hợp lý có thể khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế dành cho bệnh nhân nhiễm trùng ống tiêu hóa.

Thực phẩm nên ăn

Người bị nhiễm trùng đường tiêu hóa thường xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy và nôn ói nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như:

  • Bánh mỳ trắng, ngũ cốc, bột yến mạch nguyên cám.
  • Rau củ quả chứa nhiều vitamin C có trong cải bó xôi, măng tây, cà rốt, củ cải, bí đao, chuối chín, bơ, dưa gang,…
  • Có thể uống sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,… nhưng không nên dùng nhiều vì sữa có thể khiến những người không dung nạp lactose bị chứng tiêu chảy hay chuột rút.
  • Người bệnh nên ăn các loại thịt nạc như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá,… hoặc có thể ăn thêm trứng để bổ sung protein. Lưu ý, ưu tiên thịt trắng và hạn chế ăn thịt đỏ.
  • Uống nhiều nước khoảng 2,5 – 3,5 lít nước mỗi ngày, chia thành nhiều lần. Sau khi ngủ dậy vào buổi sáng nên uống 300ml nước.

Thực phẩm nên hạn chế

Người bệnh nhiễm trùng tiêu hóa nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước uống dưới dạng cốm hòa tan hoặc sủi bọt vì dễ gây tiêu chảy. Các thực phẩm hạn chế bao gồm:

  • Thức ăn dầu mỡ hoặc thức ăn chiên rán.
  • Một số thực phẩm nhiều chất xơ như bỏng ngô, các loại hạt và ngô.
  • Người không dung nạp lactose nên tránh các sản phẩm sữa có chứa lactose.
  • Các loại nước ngọt, rượu, bia, cà phê.
  • Thịt có xương sụn, thịt mỡ.
  • Các loại rau củ quả sống.
  • Một số loại hoa quả như: nho khô, sung, dứa, mận.
Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học sẽ giúp cải thiện bệnh nhiễm trùng tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học sẽ giúp cải thiện bệnh nhiễm trùng tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Center for Disease Control and Prevention. Norovirus Prevention. 05 03 2021. https://www.cdc.gov/norovirus/about/prevention.html (đã truy cập 06 18, 2021).
  3. Fletcher, Jenna. Everything you need to know about gastrointestinal infections. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 10 03 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/gastrointestinal-infection (đã truy cập 06 18, 2021).
  4. Frothingham, Scott. Gastrointestinal Infection: Symptoms, Causes, and Treatment. 12 12 2018. https://www.healthline.com/health/gastrointestinal-infection (đã truy cập 06 18, 2021).
  5. UNICEF. Diarrhoea. 04 2021. https://data.unicef.org/topic/child-health/diarrhoeal-disease/ (đã truy cập 06 18, 2021).

Câu hỏi thường gặp

Nhiễm trùng đường tiêu hóa nên ăn gì?

Người bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nên ăn những thực phẩm dễ tiêu, ví dụ như bánh mì trắng, rau củ, sữa, thịt trắng và uống nhiều nước. Tuy nhiên, cô chú, anh chị nên thăm khám để được bác sĩ tư vấn chính xác nhất.

Bị nhiễm trùng đường tiêu hóa có cần nội soi không?

Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa cấp, bác sĩ thường sẽ không chỉ định nội soi tiêu hóa. Đối với trường hợp nhiễm trùng bán cấp hoặc mạn tính, để kiểm tra nguyên nhân gây nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định nội soi tiêu hóa. Để được tư vấn chính xác nhất, cô chú, anh chị nên gặp bác sĩ tại bệnh viện hoặc phòng khám nội soi uy tín.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: