Thiếu máu mạc treo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thiếu máu mạc treo hay thiếu máu cục bộ mạc treo là tình trạng xảy ra khi các mạch máu mạc treo bị hẹp hoặc tắc nghẽn làm suy giảm lưu lượng máu đến ruột non hoặc ruột già. Ruột là cơ quan trao đổi chất quan trọng của cơ thể, vì vậy đòi hỏi lưu lượng máu cao (thường nhận từ 20% đến 25% tổng lượng máu từ tim), thiếu máu ruột có thể tiến triển tới viêm hoại tử và thủng ruột, suy đa tạng dẫn đến tử vong. Hãy cùng phòng khám nội soi endoclinic.vn tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân gây thiếu máu mạc treo ruột là gì, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh trong bài viết sau!

Thiếu máu mạc treo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Thiếu máu mạc treo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh thiếu máu mạc treo

Thiếu máu mạc treo là bệnh lý có thể ảnh hưởng đến ruột non hoặc đại tràng. Trong đó, mạc treo (mesentery) là một lớp màng giúp giữ và cố định vị trí ruột non và ruột kết (đại tràng) vào thành bụng. Mạc treo thường bắt đầu từ phía sau bụng và phân bố tới ruột theo các động mạch mạc treo xuất phát từ động mạch chủ bụng.

Bệnh thiếu máu mạc treo là gì?

Thiếu máu mạc treo (tên tiếng Anh: mesenteric ischemia) là tình trạng suy giảm lưu lượng máu đến ruột non hoặc đại tràng. Phần lớn nguyên nhân là do các khối máu đông gây tắc nghẽn động mạch mạc treo hoặc do các nguyên nhân gây hẹp lòng các động mạch này. Thiếu máu mạc treo kéo dài sẽ khiến các tế bào niêm mạc ruột bị hoại tử gây tổn thương ruột không hồi phục, thủng ruột hoặc đe dọa đến tính mạng.

Thiếu máu cục bộ mạc treo là tình trạng lưu lượng máu bị hạn chế đến ruột non hoặc ruột kết.
Thiếu máu cục bộ mạc treo là tình trạng lưu lượng máu bị hạn chế đến ruột non hoặc ruột kết. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phân loại bệnh thiếu máu mạc treo

Thiếu máu mạc treo ruột được chia thành 2 loại là thiếu máu mạc treo cấp tính và thiếu máu mạc treo mạn tính.

  • Thiếu máu mạc treo cấp tính (Acute Mesenteric Ischemia – AMI) là tình trạng suy giảm đột ngột lưu lượng máu qua các động mạch mạc treo gây đau bụng dữ dội. Nếu không được điều trị kịp thời, ruột non và đại tràng sẽ bị hoại tử, nhiễm trùng huyết và có thể gây tử vong. Tỷ lệ tử vong đối với AMI có thể tới 60 – 80%. AMI được phân thành thiếu máu mạc treo do tắc mạch hoặc không do tắc mạch (NOMI). Bệnh nhân bị thiếu máu mạc treo cấp tính do các khối máu đông cần phải được can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.
  • Thiếu máu mạc treo mạn tính (Chronic Mesenteric Ischemia – CMI) là một tình trạng hiếm gặp, thường có biểu hiện đau bụng nhẹ sau khi ăn. Mặc dù CMI chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng có thể gây ra những biến chứng lâm sàng nguy hiểm. Nguyên nhân phổ biến nhất của CMI là do xơ vữa động mạch và tình trạng này thường khó chẩn đoán do bệnh tiến triển chậm. Bệnh nhân bị thiếu máu mạc treo mạn tính có thể được điều trị bằng cách can thiệp nội mạch để nong mạch máu bị tắc hẹp hoặc phẫu thuật mở. Thiếu máu mạc treo mạn tính nếu không được điều trị có thể trở thành cấp tính hoặc gây sụt cân nghiêm trọng và suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu mạc treo

Nguyên nhân thiếu máu mạc treo thường do các khối máu đông xuất hiện trong động mạch hoặc do xơ vữa động mạch dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Các bệnh lý về tim mạch cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình bơm máu của tim đến các động mạch mạc treo, làm giảm lưu lượng máu đến ruột.

Nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ mạc treo thường do khối máu đông hoặc xơ vữa động mạch gây hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch.
Nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ mạc treo thường do khối máu đông hoặc xơ vữa động mạch gây hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch. (Nguồn: High Impact)

Yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh thiếu máu mạc treo

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây nên tình trạng thiếu máu mạc treo ruột, bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: sự tích tụ chất béo gây ra các mảng bám nội mạc (mảng xơ vữa) xâm lấn vào bên trong lòng các động mạch lớn và trung bình, các mảng xơ vữa này có thành phần này bao gồm lipid, tế bào viêm, tế bào cơ trơn và mô liên kết. Theo thời gian, các mảng xơ vữa tích tụ, làm hẹp lòng mạch máu hoặc gây tắc nghẽn mạch máu làm suy giảm lưu lượng máu đến ruột. Cholesterol máu cao là nguyên nhân chính gây nên các mãng xơ vữa, bên cạnh đó còn do ảnh hưởng của thói quen hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp,…
  • Khối máu đông được tạo thành do sự kết dính của các tế bào máu, nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tim, đặc biệt là rung nhĩ, khiến khối máu đông hình thành trong tim và di chuyển đến ruột.
  • Bệnh tim mạch: bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh nhồi máu cơ tim gần đây, suy tim sung huyết hoặc rung nhĩ, thuyên tắc động mạch ngoại vi, bệnh động mạch vành, bệnh van tim,…
  • Thuốc làm giảm lưu lượng máu như thuốc vận mạch, ergotamines.
  • Hạ huyết áp do các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng huyết, suy tim sung huyết và bệnh suy thận.
  • Sử dụng cocain và methamphetamine cũng có thể dẫn đến thiếu máu mạc treo do các tác nhân này gây co mạch và làm giảm lưu lượng máu ở mạc treo.
  • Các bệnh lý liên quan như rối loạn đông máu, viêm tụy, viêm túi thừa, viêm mạch,…

Bên cạnh đó, thiếu máu mạc treo mạn tính thường do nhiều yếu tố khác như bóc tách phình động mạch chủ bụng, viêm mạch máu, loạn sản sợi cơ, bức xạ, lạm dụng cocain,… Trong đó, xơ vữa động mạch liên quan đến phần gần của động mạch mạc treo ruột, mạc treo tràng trên hoặc mạc treo tràng dưới là nguyên nhân phổ biến nhất.

Ai có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu mạc treo?

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị thiếu máu mạc treo, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

  • Người lớn tuổi.
  • Người mắc bệnh huyết áp cao hoặc thấp.
  • Người có tiền sử hoặc đang điều trị bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, bệnh suy tim, bệnh hở van tim, rung nhĩ,…
  • Người có hàm lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu cao.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá.
  • Người mắc các bệnh máu dễ đông, viêm tụy, viêm túi thừa, thấp khớp, suy thận,…
  • Người xuất hiện các cơn đau tim gần đây.
  • Người sử dụng cocain.

Triệu chứng và dấu hiệu thiếu máu mạc treo ruột

Triệu chứng và dấu hiệu thiếu máu mạc treo phụ thuộc vào tình trạng bệnh là cấp tính hay mạn tính. Tuy nhiên, dấu hiệu sớm của bệnh thiếu máu mạc treo là các cơn đau bụng đột ngột hoặc đau bụng xuất hiện sau khi ăn với cường độ đau từ nhẹ đến nặng.

Triệu chứng bệnh thiếu máu mạc treo phổ biến nhất là đau bụng đột ngột hoặc đau sau khi ăn.
Triệu chứng bệnh thiếu máu mạc treo phổ biến nhất là đau bụng đột ngột hoặc đau sau khi ăn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Triệu chứng bệnh thiếu máu mạc treo cấp tính là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu mạc treo cấp tính bao gồm:

Triệu chứng bệnh thiếu máu mạc treo mạn tính là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu mạc treo mạn tính bao gồm:

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các cơn đau bụng không rõ nguyên nhân. Các cơn đau có thể là dấu hiệu sớm của thiếu máu mạc treo, tắc động mạch mạc treo hoặc là triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa khác.

Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí tổn thương và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Dịch tễ học và sinh lý bệnh

Dịch tễ học

Thiếu máu mạc treo cấp tính (AMI) là một hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ 1/1000 trường hợp nhập viện. Đối với tất cả trường hợp mắc bệnh AMI:

  • Tắc động mạch mạc treo chiếm 40 – 50%
  • Huyết khối động mạch chiếm 25 – 30%
  • Thiếu máu mạc treo không có tắc mạch (NOMI) chỉ chiếm 20%

Thiếu máu mạc treo cấp tính thường gặp ở nữ giới, ở bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng.

Thiếu máu mạc treo mạn tính thường hiếm gặp hơn và phổ biến ở độ tuổi từ 50 – 70 tuổi, phần lớn là nữ giới và có các biểu hiện đi kèm của xơ vữa động mạch.

Lưu lượng máu đến đường ruột bị tắc nghẽn dẫn đến bệnh thiếu máu mạc treo mạn tính.
Lưu lượng máu đến đường ruột bị tắc nghẽn dẫn đến bệnh thiếu máu mạc treo mạn tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Sinh lý bệnh thiếu máu mạc treo cấp tính

Thiếu máu mạc treo cấp tính thường do thuyên tắc mạch từ tim và chủ yếu ảnh hưởng đến động mạch mạc treo tràng trên (SMA). Một số dấu hiệu xuất hiện sớm như:

  • Nhịp nhanh nhĩ: là một rối loạn nhịp nhanh trên thất và thường gặp ở bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc.
  • Suy tim sung huyết: xảy ra khi tim hoạt động kém hiệu quả, giảm chức năng bơm máu của tim, khiến tim không thể đáp ứng được đủ nhu cầu oxy của cơ thể, gây ra tình trạng ứ máu tại tim, phổi và các mô, cơ quan trong cơ thể.
  • Thiếu máu cục bộ cơ tim hay nhồi máu cơ tim: xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tống máu. Một số bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim không có biểu hiện thành triệu chứng. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, phổ biến nhất là cơn đau ở vùng ngực, thường là phía bên trái của cơ thể (đau thắt ngực). Ngoài ra một số triệu chứng phổ biến của thiếu máu cục bộ cơ tim gồm đau vùng cổ hoặc hàm, đau ngực lan lên vai hoặc cánh tay trái, nhịp tim nhanh, khó thở khi vận động, buồn nôn, đổ nhiều mồ hôi và mệt mỏi.
  • Bệnh cơ tim phì đại: là tình trạng thay đổi cấu trúc cơ tim khiến tim giảm khả năng co bóp lưu thông máu, ảnh hưởng nhịp tim gây rối loạn nhịp tim. Một số triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: Đau thắt ngực, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc vận động mạnh, khó thở, hay mệt mỏi, ngất xỉu.

Các bệnh lý này có thể hình thành các khối máu đông, về sau sẽ gây tắc mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ. Co thắt động mạch mạc treo tràng trên thường đi kèm với thiếu máu mạc treo không có tắc mạch thứ phát sau suy tim, giảm oxy máu ngoại vi hoặc sau chấn thương dẫn đến tình trạng tái tưới máu.

Sinh lý bệnh thiếu máu mạc treo mạn tính

Các triệu chứng mạn tính là do lưu lượng máu đến ruột giảm dần theo thời gian, tổng lượng máu có thể thay đổi từ 25% khi đói đến 35% sau khi ăn và các triệu chứng xuất hiện phổ biến hơn sau khi ăn.

Lưu thông máu đến ruột thường được cung cấp thông qua động mạch dạ dày, động mạch mạc treo tràng trên và động mạch mạc treo tràng dưới. Vì vậy, nếu một trong ba động mạch chính bị hẹp dẫn đến thiếu máu người bệnh có thể sẽ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài cảm thấy đau bụng nhẹ.

Tuy nhiên, nếu bị tắc nghẽn hoặc hẹp động mạch từ 2 – 3 động mạch chính sẽ khiến người bệnh cảm giác khó chịu và xuất hiện các triệu chứng đau bụng sau ăn, chán ăn, sụt cân, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy đôi khi cần phải cấp cứu.

Thông thường cơn đau bụng sẽ bắt đầu xuất hiện khoảng 15 – 30 phút sau khi ăn và kéo dài hơn 1 tiếng, khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau bụng kinh niên, đau bụng âm ỉ sẽ kéo dài thời gian đau hơn.

Chẩn đoán bệnh thiếu máu mạc treo ruột

Chẩn đoán sớm thiếu máu mạc treo ruột đặc biệt quan trọng bởi vì tỷ lệ tử vong sẽ tăng đáng kể khi xuất hiện nhồi máu ruột. Thiếu máu mạc treo nên được nghĩ tới để xác định đầu tiên đối với mọi bệnh nhân trên 50 tuổi có yếu tố nguy cơ hoặc đột ngột đau bụng nặng. Chẩn đoán trên lâm sàng cần thiết hơn cận lâm sàng.

Chẩn đoán bệnh thiếu máu mạc treo ruột.
Chẩn đoán bệnh thiếu máu mạc treo ruột. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khám lâm sàng

Chẩn đoán bệnh sẽ bắt đầu bằng việc thu thập thông tin về tiền sử bệnh của người bệnh và khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bụng và hỏi Cô Bác, Anh Chị một số câu hỏi như sau:

  • Cô Bác xuất hiện các cơn đau bụng khi nào? Cơn đau kéo dài bao lâu?
  • Tần suất cơn đau xảy ra như thế nào?
  • Cô Bác có hút thuốc hoặc sử dụng cocain không?
  • Cô Bác có mắc bệnh tim hoặc cholesterol cao không?

Bên cạnh đó, khám sức khỏe giúp bác sĩ tìm ra các dấu hiệu sụt cân, suy dinh dưỡng, buồn nôn, đau vùng thượng vị, bằng chứng bệnh xơ vữa động mạch lan tỏa.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Bệnh nhân có dấu hiệu viêm phúc mạc nên được phẫu thuật ngay, phẫu thuật vừa giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vừa thuận tiện trong việc điều trị. Chỉ định chụp động mạch mạc treo hoặc cắt lớp vi tính dựng hình mạch nếu các chẩn đoán chưa được rõ ràng.

Xét nghiệm

  • Xét nghiệm máu: giúp xác định dấu hiệu thiếu máu, giảm hàm lượng bạch cầu thứ phát do suy dinh dưỡng mạn tính.
  • Xét nghiệm chức năng gan (LFT) có thể cho thấy tình trạng giảm albumin máu do suy dinh dưỡng.

Chẩn đoán hình ảnh

Các chẩn đoán hình ảnh được bác sĩ chỉ định có thể bao gồm:

  • Chụp Duplex US
  • Chụp CT mạch
  • Chụp CT xoắn ốc
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp mạch máu qua can thiệp nội mạch
  • Siêu âm Doppler
  • Chụp X-quang bụng thẳng
Chụp Duplex US

Chụp Duplex US cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong chẩn đoán bệnh thiếu máu mạc treo mạn tính. Kết quả có thể bị giới hạn bởi thói quen của bệnh nhân và khí ruột dư thừa. Phương pháp này dựa vào các chỉ số vận tốc tâm thu của động mạch để xác định tình trạng hẹp động mạch.

Chụp CT mạch

Chụp CT mạch (CTA) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho phép chẩn đoán tất cả các loại thiếu máu mạc treo cấp tính. Chụp CT mạch máu có thể sử dụng thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch cánh tay, giúp hình ảnh mạch máu hiển thị rõ hơn trên phim chụp, từ đó bác sĩ có thể thấy tình trạng sưng phù của ruột hoặc tắc nghẽn trong các động mạch cung cấp máu đến ruột.

Chụp CT xoắn ốc

Chụp CT xoắn ốc đa đầu dò có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng hẹp hoặc tắc động mạch mạc treo mạn tính. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể xác định các di chứng của thiếu máu cục bộ như dày thành ruột, tràn khí hoặc tràn dịch ổ bụng. Chụp CT đa đầu dò có nhiều ưu điểm hơn chụp CT một đầu dò như tốc độ quét nhanh, có thể thu được hình ảnh ở cả động mạch và tĩnh mạch, cải thiện việc phát hiện bất thường tiềm ẩn trong hệ mạch và với lát cắt mỏng 1mm giúp cải thiện chất lượng hình ảnh tái tạo 3D.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật không xâm lấn giúp đánh giá bất thường cấu trúc trong động mạch mạc treo, một ưu điểm khác của chụp MRI là không sử dụng tia bức xạ để dựng hình ảnh. Tuy nhiên, có một nhược điểm là không đánh giá chính xác được động mạch mạc treo tràng dưới.

Chụp mạch máu qua can thiệp nội mạch

Chụp mạch máu qua can thiệp nội mạch đã là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lý mạch máu mạc treo mạn tính. Ngoài việc kiểm tra mạch máu mạc treo, chụp mạch cho phép đặt ống thông chọn lọc và đo áp lực qua chỗ hẹp để xác định ý nghĩa huyết động của các tổn thương nghi ngờ.

Phương pháp chụp mạch qua can thiệp nội mạch cho thấy: (A) - Chụp động mạch chủ bụng cho thấy có hẹp động mạch dạ dày, (B,C) - Chụp động mạch mạc treo tràng dưới có chọn lọc cho thấy động mạch mạc treo tràng trên đổ ngược dòng, là bằng chứng phụ của hẹp hoặc tắc động mạch mạc treo tràng trên. (Nguồn: Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ)
Phương pháp chụp mạch qua can thiệp nội mạch cho thấy: (A) – Chụp động mạch chủ bụng cho thấy có hẹp động mạch dạ dày, (B,C) – Chụp động mạch mạc treo tràng dưới có chọn lọc cho thấy động mạch mạc treo tràng trên đổ ngược dòng, là bằng chứng phụ của hẹp hoặc tắc động mạch mạc treo tràng trên. (Nguồn: Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ)

Tuy nhiên, chụp động mạch qua can thiệp nội mạch không được chỉ định trong trường hợp người bệnh bị thiếu máu mạc treo cấp tính giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do phẫu thuật sẽ là gánh nặng đối với bệnh nhân đã bị bệnh nặng khi sử dụng cùng với các can thiệp nội mạch để điều trị thiếu máu mạc treo cấp tính.

Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler: phương pháp không xâm lấn này sử dụng sóng âm thanh để ước tính lưu lượng máu, từ đó có thể xác định mức độ hẹp của động mạch.

Chụp X-quang bụng thẳng

Chụp X-quang bụng thẳng rất có ích trong việc loại trừ các nguyên nhân khác như thủng tạng rỗng, mặc dù khí trong tĩnh mạch cửa hoặc ruột chướng hơi có thể thấy trong giai đoạn muộn của bệnh.

Tiên lượng của bệnh thiếu máu mạc treo

Nếu bác sĩ có thể chẩn đoán và bắt đầu điều trị sớm, người bệnh có thể hồi phục tốt. Ngược lại, nếu bệnh được phát hiện trễ, không được điều trị khi một phần ruột bị ảnh hưởng hoặc các mô đã hoại tử, tiên lượng tử vong lên đến 70 – 90%. Trong một số trường hợp, không thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân nếu toàn bộ ruột non bị hoại tử hoặc bị cắt bỏ.

Người bệnh có thể điều trị hết bệnh nếu được phát hiện sớm.
Người bệnh có thể điều trị hết bệnh nếu được phát hiện sớm. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Đối với thiếu máu mạc treo cấp tính, tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao từ 60 – 80%. Phân loại cụ thể tình trạng thiếu máu cấp tính có ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong như thuyên tắc cấp tính có tiên lượng tốt hơn, tiếp theo là thiếu máu mạc treo cấp tính không do tắc mạch và cuối cùng là huyết khối cấp tính.

Một số yếu tố có liên quan đến tỷ lệ tử vong bao gồm tuổi cao, phẫu thuật cắt bỏ ruột lần hai, toan chuyển hóa, suy thận và thời gian xuất hiện các triệu chứng.

Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu mạc treo

Điều trị y tế bệnh thiếu máu mạc treo ban đầu cần tập trung vào hồi sức, bù đắp lượng máu bị mất và điều chỉnh rối loạn điện giải. Tránh dùng thuốc vận mạch và thuốc alpha-adrenergic vì có thể gây co thắt mạch. Thuốc kháng sinh nên được dùng trước khi phẫu thuật để tránh nhiễm trùng ổ bụng.

Truyền máu là cần thiết ở người bệnh thiếu máu mạc treo.
Truyền máu là cần thiết ở người bệnh thiếu máu mạc treo. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Bệnh nhân cần được thăm dò ngoại khoa sớm để đánh giá mức độ thiếu máu cục bộ, sự lan rộng của hoại tử ruột. Tái thông mạch máu nuôi ruột là mục tiêu chính của phẫu thuật và cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử là cần thiết. Sau khi tái thông mạch, ruột cần được đánh giá khả năng sống bao gồm kiểm tra bằng siêu âm Doppler, nhu động ruột và màu sắc bình thường của ruột.

Điều trị thiếu máu mạc treo cấp tính cần phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối máu đông càng sớm càng tốt, tránh trường hợp thiếu máu dẫn đến hoại tử các mô ruột. Vì bệnh thường do các khối máu đông gây tắc nghẽn động mạch, ngăn chặn dòng chảy cung cấp máu đến các mô ruột.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân không xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng. Bác sĩ có thể đưa ra liệu trình điều trị lâu dài, nhằm giảm các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh như:

  • Phẫu thuật điều trị thiếu máu mạc treo
  • Dùng thuốc điều trị thiếu máu mạc treo
  • Phương pháp nong mạch
  • Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Phẫu thuật điều trị thiếu máu mạc treo

Phẫu thuật loại bỏ khối máu đông là phương pháp tốt nhất trong việc điều trị hiệu quả bệnh thiếu máu mạc treo cấp tính lẫn mạn tính. Bên cạnh loại bỏ khối máu đông hạn chế tắc nghẽn, bác sĩ cũng có thể cắt bỏ các mô sẹo và các phần ruột đã hoại tử do không nhận đủ lượng máu nuôi. Ngoài ra, bác sĩ cũng kê đơn thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa sự hình thành các khối máu đông về sau.

Trong trường hợp cấp cứu quá trễ, một phần ruột đã bị hoại tử thị bắt buộc bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột non hoặc đại tràng không thể phục hồi và tạo hình ruột nhằm đảm bảo chức năng tiêu hóa.

Tùy thuộc vào loại thiếu máu mạc treovị trí tắc mạch, các can thiệp phẫu thuật mở hoặc can thiệp nội mạch được chỉ định trong điều trị thiếu máu động mạch mạc treo do tắc mạch. Cắt bỏ ruột chiếm tỷ lệ 53% các ca phẫu thuật lần hai và tỷ lệ này là 31% trong lần phẫu thuật thăm dò đầu tiên để thử tái thông mạch.

Dùng thuốc điều trị thiếu máu mạc treo

Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tư vấn ý kiến của bác sĩ, tránh tình trạng tự ý sử dụng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị hoặc dẫn đến các bệnh lý khác. Một số loại thuốc cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh như:

  • Thuốc kháng sinh được sử dụng nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng do tắc nghẽn động mạch mạc treo.
  • Thuốc làm loãng máu như heparin hoặc warfarin sẽ giúp ngăn ngừa các khối máu đông có thể xuất hiện về sau.
  • Thuốc giãn mạch như hydralazine hoặc nitroglycerin giúp ngăn ngừa các cơn co thắt mạch máu.
  • Thuốc chống đông máu đường uống (NOAC).

Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc này trong vòng 3 – 6 tháng hoặc lâu hơn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý.

Phương pháp nong mạch

Nong mạch là một lựa chọn khác để điều trị khác tình trạng hẹp động mạch. Qua can thiệp nội mạch, bác sĩ sẽ đưa một ống dẫn mềm có gắn một quả bóng ở đầu ống, khi đến vị trí động mạch bị hẹp, quả bóng sẽ được bơm phồng lên để mở rộng động mạch và khôi phục lưu lượng máu.

Một ống lưới bằng nhựa hoặc kim loại (stent) được đưa vào vị trí bị hẹp được xác định trước, ống lưới này sẽ giữ cho động mạch luôn mở, đây gọi là phương pháp đặt stent động mạch.

(A) Hình ảnh động mạch chủ bụng cho thấy một chỗ hẹp ở động mạch mạc treo tràng trên. (B) Chụp động mạch mạc treo tràng trên có chọn lọc. (C) Đặt stent. (D) Chụp động mạch sau khi đặt stent chứng tỏ lưu thông mạch máu được phục hồi hoàn toàn. (Nguồn: Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ)
(A) Hình ảnh động mạch chủ bụng cho thấy một chỗ hẹp ở động mạch mạc treo tràng trên. (B) Chụp động mạch mạc treo tràng trên có chọn lọc. (C) Đặt stent. (D) Chụp động mạch sau khi đặt stent chứng tỏ lưu thông mạch máu được phục hồi hoàn toàn. (Nguồn: Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ)

Trong trường hợp động mạch bị tắc nghẽn toàn bộ, bác sĩ bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch. Một tĩnh mạch nhỏ hoặc mạch máu nhân tạo được nối vào động mạch bị tắc giúp máu có thể đi đường vòng, tránh vị trí bị tắc nghẽn.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Thiếu máu mạc treo không phải lúc nào cũng cần phẫu thuật nếu bệnh tiến triển chậm và bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm. Một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống cũng giúp đảo ngược quá trình xơ vữa động mạch một cách tự nhiên.

  • Thay đổi một chế độ ăn ít chất béo, ít natri để giảm huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm cholesterol, điều hòa huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Ngưng hút thuốc lá và tránh xa khu vực có khói thuốc.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa thiếu máu mạc treo

Sau đây là một số phương pháp phòng ngừa hoặc hạn chế diễn tiến của bệnh thiếu máu mạc treo ruột mà Cô Bác, Anh Chị có thể tham khảo:

  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như rối loạn nhịp tim, bệnh huyết áp cao và hàm lượng cholesterol trong máu.
  • Bỏ hút thuốc lá và tránh xa khu vực có khói thuốc.
  • Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, ít chất béo.
  • Tập thể dục thường xuyên và điều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Điều trị dứt điểm các triệu chứng thoát vị.
  • Tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ theo chỉ định của bác sĩ ở người bệnh viêm túi thừa.
Thực phẩm giúp giảm cholesterol trong máu phòng ngừa bệnh thiếu máu cục bộ mạc treo.
Thực phẩm giúp giảm cholesterol trong máu phòng ngừa bệnh thiếu máu cục bộ mạc treo. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những lưu ý về bệnh thiếu máu mạc treo

  • Thiếu máu mạc treo được chia thành 2 loại là cấp tính và mạn tính, trong đó tình trạng thiếu máu mạc treo cấp tính chiếm phần lớn các ca cấp cứu.
  • Chẩn đoán sớm rất quan trọng vì tỷ lệ tử vong tăng đáng kể nếu không được điều trị hoặc xuất hiện nhồi máu ruột.
  • Ban đầu, bệnh nhân chỉ xuất hiện triệu chứng đau bụng nhưng rất mơ hồ, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý cơ bản khác.
  • Phẫu thuật thăm dò thường là phương pháp chẩn đoán tốt nhất cho bệnh nhân có triệu chứng viêm phúc mạc.
  • Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử hoặc đoạn ruột mà mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẽn hoàn toàn, một số trường hợp có thể tái thông động mạch mạc treo qua can thiệp nội mạch, đặt stent hoặc sử dụng thuốc.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Eric J. Hohenwalter, M.D. “Chronic Mesenteric Ischemia: Diagnosis and Treatment.” Semin Intervent Radiol, 12 2009: 345 – 351.
  3. Frysh, Paul. What Is Mesenteric Venous Thrombosis? 10 08 2020. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/mesenteric-venous-thrombosis (đã truy cập 09 30, 2021).
  4. Johns Hopkins Medicine. Mesenteric Ischemia. không ngày tháng. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/mesenteric-ischemia#:~:text=Mesenteric ischemia is decreased or,are called the mesenteric arteries. (đã truy cập 09 30, 2021).
  5. Mayo Clinic Staff. Mesenteric ischemia. 22 06 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mesenteric-ischemia/symptoms-causes/syc-20374989 (đã truy cập 09 30, 2021).
  6. Monique M. Monita & Lorena Gonzalez. “Acute Mesenteric Ischemia.” StatPearls, 2021.
  7. Parswa Ansari, MD. Acute Mesenteric Ischemia. 04 2020. https://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders/gastrointestinal-emergencies/acute-mesenteric-ischemia (đã truy cập 09 30, 2021).
  8. —. Thiếu máu mạc treo. 02 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/tình-trạng-bụng-cấp-và-phẫu-thuật-tiêu-hóa/thiếu-máu-mạc-treo (đã truy cập 09 30, 2021).
  9. Ronak Patel & Abdul Waheed. Chronic Mesenteric Ischemia. 17 07 2021. https://www.statpearls.com/ArticleLibrary/viewarticle/25018 (đã truy cập 09 30, 2021).
  10. Roth, Erica. Mesenteric Artery Ischemia. 03 08 2021. https://www.healthline.com/health/mesenteric-artery-ischemia (đã truy cập 09 30, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: