Viêm loét đại tràng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm loét đại tràng xuất huyết thường khởi phát ở trực tràng sau đó lan dần vào trong và có thể gây tổn thương đến toàn bộ đại – trực tràng gây xuất huyết tiêu hóa, đôi khi còn ảnh hưởng đến đoạn cuối ruột non.

Viêm loét đại tràng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm loét đại tràng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Viêm loét đại tràng xuất huyết là một dạng bệnh viêm ruột (IBD) mạn tính phổ biến. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như viêm, loét chỉ giới hạn ở niêm mạc và lớp dưới niêm mạc của đại tràng.

Bệnh viêm loét đại tràng là gì?

Bệnh viêm loét đại tràng còn gọi là bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết hay bệnh viêm loét đại – trực tràng chảy máu (tên tiếng Anh: ulcerative colitis) là tình trạng các tổn thương hình thành trên bề mặt và dưới lớp niêm mạc ở đại – trực tràng gây viêm loét mạn tính. Tình trạng loét đại tràng nặng có thể gây xuất huyết, tiết dịch nhầy và mủ do đó tiêu chảy nhầy máu là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh viêm loét đại – trực tràng xuất huyết. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nhận thấy một số triệu chứng thường gặp khác như đau bụng và đi tiêu nhiều hơn bình thường.

Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng xuất huyết là tình trạng các tổn thương hình thành trên bề mặt và lớp dưới niêm mạc ở đại – trực tràng gây viêm loét mạn tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Viêm loét đại tràng xuất huyết có thể gây suy nhược và dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng, ung thư đại trực tràng, phình giãn đại tràng nhiễm độc,… Hiện nay, vẫn chưa có cách điều trị triệt để bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết nhưng các phương pháp điều trị phù hợp có thể giúp người bệnh kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh trong lâu dài.

Phân loại bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Dựa vào vị trí xảy ra viêm loét đại – trực tràng mà bệnh được chia thành 4 loại chính, bao gồm:

  • Viêm loét trực tràng (ulcerative proctitis): tình trạng viêm loét ảnh hưởng đến trực tràng, xuất huyết trực tràng là triệu chứng phổ biến nhất và là tình trạng bệnh nhẹ nhất.
  • Viêm loét đại tràng sigma (proctosigmoiditis): tình trạng viêm loét ảnh hưởng đến trực tràng và đại tràng sigma, đoạn cuối của đại tràng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm tiêu phân lỏng có máu, đau quặn bụng, mót rặn.
  • Viêm loét đại tràng bên trái (Left-sided colitis): tình trạng viêm loét ảnh hưởng đến phần bên trái của đại tràng, bắt đầu từ trực tràng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm tiêu phân lỏng có máu, đau quặn bụng bên trái, mắc đi tiêu gấp, sụt cân không chủ ý.
  • Viêm loét đại tràng toàn bộ (Pancolitis): tình trạng viêm loét ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng và gây tiêu phân lỏng máu từng đợt, lượng nhiều, đau quặn bụng, cơ thể mệt mỏi, sụt cân nghiêm trọng. Đây là tình trạng viêm loét đại tràng nặng.

> Tham khảo thêm: Đau bụng bên trái ở phía dưới

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Nguyên nhân viêm loét đại tràng xuất huyết có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Trước đây, các chuyên gia cho rằng chế độ ăn uống và căng thẳng là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, thói quen ăn uống và sinh hoạt chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.

Nguyên nhân viêm loét đại tràng
Nguyên nhân viêm loét đại – trực tràng chảy máu có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố như rối loạn miễn dịch, di truyền và môi trường sống. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nguyên nhân viêm loét đại tràng xuất huyết

Nguyên nhân viêm loét đại – trực tràng xuất huyết vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến những yếu tố sau:

  • Hệ thống miễn dịch: thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại virus hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng. Một phản ứng miễn dịch bình thường sẽ gây ra tình trạng viêm tạm thời để chống lại nhiễm trùng. Ở người bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết, hệ thống miễn dịch gia tăng phản ứng kéo dài, tấn công cả những tế bào của hệ tiêu hóa gây ra viêm loét đại – trực tràng mạn tính.
  • Yếu tố di truyền: hầu hết bệnh nhân không có dấu hiệu viêm loét đại tràng di truyền nhưng vẫn tồn tại nguy cơ nếu người thân có tiền sử mắc bệnh.
  • Yếu tố môi trường: các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh như ô nhiễm không khí, khói thuốc lá,…

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại – trực tràng xuất huyết

Viêm loét đại tràng xuất huyết có thể xảy ra ở bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại – trực tràng bao gồm:

  • Độ tuổi: phổ biến trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi hoặc trên 60 tuổi.
  • Dân tộc: người gốc Do Thái Ashkenazi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết.
  • Di truyền: nếu gia đình có người mắc bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết thì Cô Bác, Anh Chị có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường.

Sinh lý bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Viêm loét đại tràng xuất huyết thường khởi phát ở trực tràng. Ban đầu các tổn thương xuất hiện ở trực tràng sau đó ảnh hưởng đến toàn bộ đại – trực tràng. Hiếm khi tổn thương xuất hiện ở toàn bộ niêm mạc đại – trực tràng cùng một lúc.

Sinh lý bệnh

Viêm loét đại – trực tràng là tình trạng viêm ảnh hưởng đến lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, có một ranh giới rõ ràng giữa mô bình thường và mô bị tổn thương. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng, lớp cơ dưới niêm mạc mới bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn sớm của bệnh, niêm mạc ruột màu hồng đỏ, có dạng hạt và bở, mất dạng mạch máu bình thường và thường các vùng bị viêm tại đại – trực tràng có thể bị xuất huyết rải rác. Loét niêm mạc rộng kèm với xuất tiết nhiều nhầy mủ là đặc trưng cho thể bệnh viêm loét đại tràng nặng. Niêm mạc viêm tăng sản hoặc tương đối bình thường tạo cụm nhô lên hơn các vùng niêm mạc bị loét (giả polyp), rò và áp xe hậu môn – trực tràng không xảy ra.

Sinh lý bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết
Hình ảnh nội soi đại tràng bị viêm loét cho thấy các vết loét được bao phủ bởi mủ trắng. Nguồn: MedicineNet

So sánh sinh lý bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết, bệnh Crohn và hội chứng ruột kích thích

Phân biệt sự khác nhau giữa các thể bệnh dựa vào mức độ xâm lấn, bao gồm:

  • Viêm loét đại tràng xuất huyết chủ yếu chỉ xảy ra ở lớp niêm mạc đại tràng.
  • Bệnh Crohn là tình trạng viêm toàn bộ bề dày của ruột, nó liên quan đến tất cả các lớp của thành ruột.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng đại tràng, có một số triệu chứng giống bệnh viêm loét đại tràng nhưng không gây viêm hoặc loét.

Dấu hiệu và triệu chứng viêm loét đại tràng xuất huyết

Dấu hiệu và triệu chứng viêm loét đại tràng sẽ xuất hiện khác nhau ở mỗi người bệnh tùy theo mức độ viêm ở đại – trực tràng. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm loét đại – trực tràng chảy máu là xuất huyết tiêu hóa, tiêu ra máu, tiêu phân nhầy và đau bụng. Đi cầu có thể làm dịu cơn đau ở phần bên trái của ổ bụng.

Triệu chứng viêm loét đại tràng
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm loét đại tràng là xuất huyết tiêu hóa, tiêu ra máu, đau bụng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Trong giai đoạn thuyên giảm, người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng nào hoặc triệu chứng giảm nhẹ. Khi các triệu chứng trở lại, tiến triển xấu đi, tần suất tiêu chảy gia tăng gọi là giai đoạn tái phát.

Các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Hầu hết người bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Quá trình tiến triển của bệnh có thể khác nhau và triệu chứng có thể thuyên giảm trong thời gian dài.

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết mà người bệnh thường gặp, bao gồm:

  • Tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng, tiêu ra máu, tiêu phân nhầy nhớt hoặc mủ. Thường gặp tình trạng hay mắc đi tiêu, đi tiêu gấp. Cảm giác muốn đi cầu nhưng không đi được (mót rặn) cũng thường gặp. Nước không được hấp thu hoàn toàn khi đại tràng bị viêm làm cho tiêu phân lỏng có nhiều nước dẫn đến mất nước.
  • Đau quặn bụng dưới.
  • Đau thắt trực tràng.
  • Xuất huyết trực tràng, đi tiêu ra máu.
  • Triệu chứng toàn thân gồm thiếu máu, mất nước, mệt mỏi, sốt, sụt cân,…

Ngoài ra, viêm loét đại tràng xuất huyết có thể gây ra các triệu chứng khác như:

  • Đau khớp.
  • Sưng khớp.
  • Buồn nôn và giảm cảm giác thèm ăn.
  • Các vấn đề về da liễu.
  • Lở miệng.
  • Viêm kết mạc.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ tại các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán nếu xuất hiện các triệu chứng viêm loét đại – trực tràng, thay đổi thói quen đi tiêu kéo dài và các dấu hiệu khác như:

  • Đau bụng dữ dội.
  • Đi tiêu ra máu.
  • Tiêu chảy kéo dài không đáp ứng với thuốc không kê đơn.
  • Tiêu chảy trầm trọng vào ban đêm.
  • Sốt cao không rõ nguyên nhân kéo dài từ 1 – 2 ngày.

Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng bệnh lý khác đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Mặc dù bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết thường không gây tử vong, nhưng trong một số trường hợp, nếu bệnh nhân bị xuất huyết nặng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.

Chẩn đoán bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Để chẩn đoán, thăm khám viêm loét đại tràng xuất huyết bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định một số cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra liệu trình điều trị phù hợp với giai đoạn bệnh.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng sẽ bao gồm các bước thăm khám và thu thập thông tin sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị như:

  • Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà Cô Bác, Anh Chị đang gặp phải.
  • Kiểm tra hồ sơ tiền sử bệnh án đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, các phẫu thuật, dị ứng với thuốc nếu có.
  • Kiểm tra các loại thuốc đã và đang sử dụng được kê đơn hoặc mua ngoài kể cả thực phẩm chức năng.
  • Chế độ ăn uống và tần suất đi vệ sinh như thế nào? Cô Bác, Anh Chị có bị đau bụng, tiêu chảy không? Giữa đêm có thức giấc vì bị tiêu chảy không?
  • Hỏi tiền sử bệnh của gia đình có liên quan.
  • Gần đây Cô Bác, Anh Chị có đi du lịch hoặc đến vùng dịch tễ nhiễm vi khuẩn, virus không?

Cận lâm sàng

Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Xét nghiệm

Bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm đọc công thức máu, xét nghiệm phân, để xác định nguyên nhân gây bệnh đồng thời loại trừ các bệnh lý liên quan khác như bệnh Crohn.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu.
  • Xét nghiện phân: kiểm tra sự hiện diện của trứng và ký sinh trùng trong phân, xét nghiệm này cần lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Sự hiện diện của các tế bào bạch cầu hoặc một số protein nhất định trong phân của người bệnh có thể là dấu hiệu của bệnh.

Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo các loại xét nghiệm:

Fibrinogen là gì? Định lượng fibrinogen để làm gì?

Nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý đại – trực tràng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

  • Nội soi đại tràng sigma chỉ có thể quan sát và đánh giá được vùng đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn. Nếu đại tràng của người bệnh bị viêm, loét hoặc xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp này thay vì nội soi đại tràng toàn bộ.
  • Nội soi đại tràng toàn bộ (nội soi đại – trực tràng) cho phép bác sĩ kiểm tra toàn bộ đại tràng, trực tràng, hậu môn cũng như các tổn thương ở khu vực hồi manh tràng. Bằng cách sử dụng ống nội soi nhỏ, có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần giúp quan sát và đánh giá chính xác tình trạng bên trong đại tràng, đồng thời kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để đồng nhất kết quả.
  • Sinh thiết tế bào làm giải phẫu bệnh cho kết quả chuẩn xác, phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm như ung thư đại – trực tràng.
Chẩn đoán viêm loét đại tràng
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết. (Ảnh minh họa sưu tầm)

> Tìm hiểu thêm: Nội soi đại tràng có được bảo hiểm chi trả không?

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang đại tràng cản quang (sau khi đã thụt tháo làm sạch đại tràng) là kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc đại – trực tràng, cho phép bác sĩ gián tiếp đánh giá các bất thường của niêm mạc đại – trực tràng, phát hiện các biến chứng nghiêm trọng như thủng đại tràng.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định siêu âm, chụp CT hoặc MRI vùng bụng để xác định vị trí, mức độ xâm lấn và kích thước của vết viêm loét.

Tiên lượng và biến chứng của bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Tiên lượng

Viêm loét đại tràng xuất huyết là bệnh mạn tính với những đợt bùng phát và thuyên giảm lặp đi lặp lại. Khoảng 10% trường hợp người bệnh xuất hiện triệu chứng ban đầu rất dữ dội với xuất huyết nghiêm trọng, thủng, nhiễm khuẩn huyết và nhiễm độc huyết. 10% người bệnh hồi phục hoàn toàn sau một đợt tái phát của bệnh.

Người bệnh viêm loét đại tràng cục bộ có tiên lượng tốt nhất. Các biểu hiện toàn thân nghiêm trọng và tiến triển nặng hiếm khi xảy ra, sự lan rộng muộn của bệnh xảy ra chỉ khoảng 20% đến 30%. Ngoài ra, viêm loét đại tràng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư đại tràng. Thời gian mắc bệnh càng lâu, nguy cơ mắc bệnh ung thư này càng cao. Bác sĩ khuyến khích bệnh nhân viêm loét đại tràng thực hiện tầm soát ung thư đại tràng định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Biến chứng

Bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như:

  • Xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng.
  • Thủng đại tràng.
  • Mất nước nghiêm trọng.
  • Loãng xương.
  • Tình trạng viêm nhiễm da, khớp và mắt.
  • Ung thư trực tràng, đại tràng.
  • Phình đại tràng nhiễm độc.
  • Bệnh gan thường hiếm gặp.
Biến chứng viêm loét đại tràng
Ung thư đại – trực tràng là một trong những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không phát hiện và điều trị sớm. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nguy cơ ung thư đại – trực tràng tỷ lệ thuận với thời gian mắc bệnh và mức độ đại tràng bị tổn thương nhưng không nhất thiết liên quan tới mức độ nặng của các đợt bệnh bùng phát.

Hai yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại – trực tràng là thời gian và mức độ của bệnh. Nguy cơ tiến triển thành ung thư của bệnh viêm loét đại tràng chảy máu là:

  • Khoảng 0,5 đến 1% người bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết lan rộng và tiến triển thành ung thư đại tràng sau 7 năm khởi phát bệnh.
  • Khoảng 7% đến 10% người bệnh tiến triển thành ung thư đại tràng sau 20 năm khởi phát bệnh.
  • 30% người bệnh tiến triển thành ung thư đại tràng sau 35 năm bị bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Điều trị viêm loét đại tràng xuất huyết phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ tiến triển của bệnh bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát viêm và ngăn ngừa biến chứng.

Cách chữa viêm loét đại tràng xuất huyết có thể bao gồm các phương pháp sau:

  • Thuốc điều trị viêm loét đại tràng xuất huyết
  • Phẫu thuật điều trị bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết
  • Biện pháp điều trị viêm loét đại tràng xuất huyết tại nhà
Điều trị viêm loét đại tràng
Thuốc điều trị bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết nhằm mục tiêu giảm nhẹ các triệu chứng như viêm, loét hoặc xuất huyết. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Thuốc điều trị viêm loét đại tràng xuất huyết

Các lựa chọn điều trị bệnh viêm loét đại – trực tràng xuất huyết bằng thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Một số loại thuốc điều trị viêm loét thường được sử dụng bao gồm thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp sinh học và một số loại thuốc phối hợp khác.

Thuốc chống viêm

Thuốc hoạt động bằng cách làm giảm tình trạng sưng tấy ở đại tràng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đầy hơi.

  • Thuốc corticoid (còn được gọi là corticosteroid hay steroid): thuốc corticosteroid như prednisone và budesonide làm giảm tình trạng viêm tại mọi cơ quan không chỉ riêng hệ tiêu hóa. Thuốc có tác dụng nhanh chóng và làm dịu các triệu chứng chỉ sau vài ngày sử dụng.
  • Nhóm aminosalicylates (còn gọi là nhóm thuốc 5-ASA): thuốc có chứa axit 5-aminosalycylic (5-ASA) như sulfasalazine, mesalamine, olsalazine và balsalazide. Axit 5-aminosalycylic (5-ASA) là một hợp chất giống như aspirin. Nhóm 5-ASA có tác dụng làm giảm viêm niêm mạc đại tràng và được sử dụng trong trường hợp viêm đại tràng nhẹ đến trung bình.

Thuốc ức chế miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch tác dụng giảm viêm bằng cách ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch bắt đầu quá trình viêm. Trong một số trường hợp kết hợp những loại thuốc này với nhau mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với chỉ sử dụng một loại thuốc đơn lẻ.

  • Azathioprine và mercaptopurine: thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh viêm ruột.
  • Cyclosporine: thuốc được kê toa khi người bệnh không đáp ứng tốt với các loại thuốc khác. Cyclosporine có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và không được sử dụng kéo dài.
  • Tofacitinib: thuốc ngăn chặn quá trình viêm. Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng nguy cơ nhiễm zona và đông máu. Gần đây, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra các cảnh báo về tofacitinib do các nghiên cứu sơ bộ cho thấy thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim và ung thư.

Liệu pháp sinh học

Liệu pháp nhắm vào các protein do hệ thống miễn dịch tạo ra.

  • Infliximab (Remicade), adalimumab (Humira) và golimumab (Simponi): được gọi là chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) hoặc thuốc sinh học, hoạt động bằng cách vô hiệu hóa một protein do hệ thống miễn dịch của người bệnh tạo ra. Thuốc được sử dụng cho người bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết nặng, không đáp ứng hoặc không thể chịu đựng được các phương pháp điều trị khác.
  • Vedolizumab (Entyvio): thuốc giúp ngăn chặn các tế bào viêm nhiễm đến vị trí đang bị tổn thương viêm loét.
  • Ustekinumab (Stelara): thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại protein khác gây ra tình trạng viêm.

Một số loại thuốc phối hợp khác

Ngoài việc điều trị các dấu hiệu viêm loét đại tràng xuất huyết một số loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của người bệnh như:

  • Thuốc trị tiêu chảy: đối với tiêu chảy nặng có thể sử dụng thuốc loperamide. Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì chúng có thể làm tăng nguy cơ phình đại tràng nhiễm độc.
  • Thuốc giảm đau: khi đau bụng nhẹ bác sĩ có thể chỉ định dùng acetaminophen. Không nên sử dụng các loại thuốc như ibuprofen, naproxen sodium và diclofenac sodium,… vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Thuốc chống co thắt: thường chỉ định để chống co thắt đại tràng.
  • Chất sắt: bổ sung chất sắt nếu người bệnh bị xuất huyết đại tràng mạn tính, thiếu máu do thiếu sắt.

Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị sau khi được thăm khám và theo phác đồ điều trị viêm loét đại tràng của bác sĩ. Tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hóa, tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có cồn,… giúp mang lại hiệu quả điều trị.

Phẫu thuật điều trị bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các loại phẫu thuật sau để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng:

  • Phẫu thuật cắt đại – trực tràng toàn bộ với nối túi nhỏ hậu môn (IPAA).
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại – trực tràng nối hồi tràng với đại tràng ngang qua đường mở nhỏ ở thành bụng để tạo hình hậu môn nhân tạo giúp đưa chất thải đi ra ngoài.

Biện pháp điều trị viêm loét đại tràng xuất huyết tại nhà

Kết hợp các biện pháp hỗ trợ tại nhà với điều trị y tế giúp quá trình điều trị nhanh chóng và nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị chuyên môn tại bệnh viện/phòng khám nôi soi tiêu hóa uy tín trước khi thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Một số biện pháp điều trị viêm loét đại – trực tràng chảy máu tại nhà bao gồm:

  • Boswellia là loại thảo mộc được tìm thấy trong nhựa vỏ cây Boswellia serrata có nhiều tác dụng dược học, nhất là chống viêm.
  • Bromelain là hỗn hợp enzyme được tìm thấy trong quả dứa (thơm), thường được sử dụng dưới dạng thực phẩm bổ sung giúp giảm sưng viêm.
  • Bổ sung men vi sinh cung cấp sức đề kháng cho đường ruột, giúp cân bằng và tăng cường lợi khuẩn như probiotics có trong sữa chua, phô mai.
  • Psyllium là thuốc trị táo bón tạo khối chứa chất xơ. Tuy nhiên, người bệnh viêm ruột (IBD) có thể bị đau bụng, đầy hơi và chướng bụng ngày càng trầm trọng hơn khi tiêu thụ chất xơ trong thời gian bệnh bùng phát.
  • Nghệ chứa curcumin, một chất chống oxy hóa được chứng minh là có tác dụng giảm viêm.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

Một số biện pháp thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể giúp Cô Bác, Anh Chị kiểm soát tình trạng viêm loét đại – trực tràng xuất huyết và giảm nhẹ triệu chứng, bao gồm:

  • Hạn chế các sản phẩm từ sữa đặc biệt là người bệnh không dung nạp lactose.
  • Chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa.
  • Uống nhiều nước, hạn chế đồ uống có cồn, caffein như bia, rượu, cà phê,…
  • Gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống khoa học nếu người bệnh bị suy dinh dưỡng, sụt cân, chán ăn.
  • Điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể lực hằng ngày.
  • Giảm căng thẳng, áp lực và lo âu bằng cách tập thể dục, tập yoga,…
  • Giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, tránh căng thẳng quá mức hay stress kéo dài có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để có được một cơ thể khỏe mạnh.
  • Khi có các triệu chứng viêm loét đại tràng tái phát, Cô Bác, Anh Chị nên đi khám để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng.
  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, tầm soát ung thư tiêu hóa để phát hiện sớm dấu hiệu tiền ung thư.
Phòng ngừa bệnh viêm loét đại  tràng xuất huyết
Kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh về đại – trực tràng đặc biệt là ung thư (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những điều cần lưu ý về bệnh viêm loét đại tràng xuất huyết

  • Viêm loét đại tràng xuất huyết hay viêm loét đại tràng chảy máu là một bệnh viêm ruột (IBD) mạn tính, trong đó các phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch gây ra viêm và loét niêm mạc đại tràng.
  • Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến trong độ tuổi từ 15 đến 30.
  • Nguyên nhân trực tiếp gây viêm loét đại tràng xuất huyết vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng gen, phản ứng miễn dịch bất thường, hệ vi sinh vật và môi trường là các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
  • Các triệu chứng và biểu hiện viêm loét đại tràng xuất huyết ở mỗi người khác nhau và có thể bao gồm tiêu chảy, tiêu chảy ra máu, xuất huyết tiêu hóa, đau bụng.
  • Chẩn đoán bệnh dựa trên đánh giá lâm sàng của bác sĩ và các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm phân, nội soi ống tiêu hóa dưới, chẩn đoán hình ảnh,…
  • Phương pháp điều trị bằng các loại thuốc nhằm mục đích làm giảm tình trạng viêm. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị viêm loét hoặc các biến chứng.
  • Một số loại thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn như thực phẩm cay, nóng, các sản phẩm từ sữa,…

Người bệnh viêm loét đại tràng nên ăn gì?

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), chế độ ăn uống khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe.

  • Chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa như năm hoặc sáu bữa ăn nhỏ mỗi ngày.
  • Uống nhiều nước.
  • Hạn chế sử dụng caffein và rượu vì làm tăng triệu chứng tiêu chảy.
  • Hạn chế uống nước ngọt do có thể làm đầy hơi.
  • Ghi nhật ký thực phẩm để xác định loại thực phẩm nào làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

Bị viêm loét đại tràng nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm dành cho người bệnh viêm loét đại – trực tràng xuất huyết nên ăn gồm:

  • Ăn các chất đạm dễ tiêu có trong các loại cá, thịt nạc, trứng gà,…
  • Quả bơ
  • Bí đao
  • Thực phẩm lên men có trong sữa chua, dưa cải, miso,…
  • Các loại nước ép hoa quả
  • Sản phẩm từ tinh bột như bột ngũ cốc, bột yến mạch,…

Bị viêm loét đại tràng kiêng ăn gì?

Bác sĩ có thể khuyên người bệnh tạm thời thực hiện chế độ kiêng ăn tùy thuộc vào các triệu chứng như:

  • Chế độ ăn uống ít chất xơ.
  • Chế độ ăn uống không có lactose.
  • Chế độ ăn uống ít chất béo.
  • Chế độ ăn ít muối.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Aaron E. Walfish. Viêm loét đại tràng. 10 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/bệnh-viêm-ruột-ibd/viêm-loét-đại-tràng ​(đã truy cập 11 02,2021).
  3. Mayo Clinic Staff. Ulcerative colitis. Biên tập bởi Judith Marcin. 02 23 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ulcerative-colitis/symptoms-causes/syc-20353326 ​(đã truy cập 11 02,2021).
  4. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). Ulcerative Colitis. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/ulcerative-colitis (đã truy cập 11 02,2021).
  5. Valencia Higuera. What Is Ulcerative Colitis? Biên tập bởi Youssef (Joe) Soliman. 30 09 2021. https://www.healthline.com/health/ulcerative-colitis (đã truy cập 11 02,2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?

Chia sẻ nội dung: