Viêm niêm mạc dạ dày là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, xảy ra do nhiễm khuẩn Hp hoặc do lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), do tình trạng căng thẳng quá mức hoặc thói quen ăn uống không khoa học,… Hầu hết trường hợp viêm niêm mạc dạ dày đều có thể cải thiện khi được điều trị sớm và đúng cách. Ngược lại, nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, bệnh có thể trở nên nặng hơn, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Như vậy, viêm niêm mạc dạ dày là gì? Bệnh có thể điều trị khỏi không? Mời Cô Chú/Anh Chị cùng tham khảo qua bài viết dưới đây cùng phòng khám nội soi dạ dày Endo Clinic.
Viêm niêm mạc dạ dày là gì?
Viêm niêm mạc dạ dày (thực chất là viêm dạ dày – Gastritis) là một thuật ngữ chuyên môn dùng để mô tả tình trạng viêm ở phần niêm mạc của dạ dày. Dựa vào hình ảnh đại thể và mô bệnh học, viêm dạ dày được chia thành 2 dạng đó là viêm cấp và viêm mạn.
Viêm dạ dày cấp tính là được sử dụng để diễn tả những biến đổi viêm của niêm mạc dạ dày. Đặc trưng của viêm cấp đó là sung huyết và trợt (các tổn thương lồi kèm phù nề niêm mạc), thường xuất hiện ở hang vị. Các triệu chứng của viêm cấp xuất hiện đột ngột trong khoảng thời gian ngắn.
Viêm dạ dày mạn tính mô tả tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày liên tục và trong thời gian dài, gây ra các triệu chứng dai dẳng không hết. Viêm dạ dày mạn tính thường bắt đầu bằng viêm bề mặt niêm mạc dạ dày mạn tính (là tình trạng viêm khu trú trên bề mặt). Bệnh lý này thường chia thành 2 dạng là viêm dạ dày mạn tính không teo và có teo. Chỉ có dạng có teo mới có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm các bệnh viêm dạ dày khác:
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm niêm mạc dạ dày
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày. Việc nắm rõ từng nguyên nhân sẽ giúp người bệnh có biện pháp điều trị phù hợp, qua đó ngăn ngừa các biến chứng nguy hại cho sức khỏe.
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori
Helicobacter pylori (Hp) là một loại vi khuẩn có khả năng xâm nhập và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Cụ thể, một số tổn thương như là kích ứng, sưng tấy niêm mạc, có thể gây xuất huyết,… Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu cho thấy rằng người nhiễm vi khuẩn Hp có thể có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 6 lần so với người không nhiễm vi khuẩn Hp.
Vi khuẩn Hp lây qua đường miệng khi dùng chung vật dụng cá nhân hoặc ăn uống chung với người đã nhiễm (ví dụ chấm chung nước chấm, dùng đũa gắp thức ăn từ mâm chung,…). Ngoài ra, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn Hp.
Tham khảo thêm >> Vi khuẩn Helicobacter pylori là gì?
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm niêm mạc dạ dày.
Một số thói quen xấu trong chế độ dinh dưỡng gây ra viêm niêm mạc dạ dày:
- Thường xuyên dùng thực phẩm kích ứng dạ dày: Thực phẩm có tính axit (cà chua, cam, chanh, nho,…), đồ chiên rán giàu chất béo và thức ăn cay nóng đều có thể làm cho triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày nghiêm trọng hơn.
- Uống rượu bia quá mức: Người thường xuyên uống rượu bia dễ bị viêm dạ dày cấp tính, do thức uống này gây ra kích ứng, tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Ăn quá nhanh: Người ăn quá nhanh thường có cảm giác ít no hơn so với người ăn chậm, từ tốn. Do đó, người ăn nhanh sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn dẫn đến dạ dày phải chứa một lượng thức ăn lớn, từ đó làm tăng acid dạ dày và có thể gây viêm niêm mạc dạ dày.
Tâm lý căng thẳng, áp lực kéo dài
Tình trạng căng thẳng, áp lực kéo dài có thể làm thay đổi độ pH trong dạ dày. Điều này đến từ sự gia tăng nồng độ histamine và acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh) kích thích dạ dày bài tiết nhiều acid hơn, gây viêm niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, lưu lượng máu đến dạ dày cũng giảm xuống khi căng thẳng khiến cho niêm mạc dạ dày trở nên dễ tổn thương hơn.
Lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), bao gồm ibuprofen, naproxen sodium,… hỗ trợ kiểm soát cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc thường xuyên có thể làm giảm khả năng tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày trước dịch vị, dẫn đến viêm dạ dày cấp tính và mạn tính.
Các yếu tố nguy cơ khác
Viêm niêm mạc dạ dày còn đến từ một số yếu tố nguy cơ khác, bao gồm:
- Tuổi tác: Theo thời gian, niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng đi và dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi cũng có khả năng nhiễm Hp cao hơn và có các rối loạn hệ miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày.
- Điều trị ung thư: Thuốc hóa trị hoặc xạ trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ bị viêm niêm mạc dạ dày.
- Bệnh tự miễn: Đây là trường hợp hệ thống miễn dịch bị rối loạn, khiến các tế bào miễn dịch tấn công và làm tổn thương các tế bào niêm mạc khỏe mạnh ở dạ dày, có thể gây ra viêm dạ dày tự miễn.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm cho axit dạ dày được tiết ra nhiều hơn, gây hại đến niêm mạc dạ dày và tá tràng.
Triệu chứng và dấu hiệu viêm niêm mạc dạ dày
Nhận biết dấu hiệu bị viêm niêm mạc dạ dày là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán bệnh chính xác, cũng như có biện pháp kiểm soát kịp thời để tránh bệnh trở nặng.
Các triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày
Một số biểu hiện của viêm niêm mạc dạ dày cần lưu ý:
- Đau, nóng rát ở vùng thượng vị.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
- Ợ hơi, ợ nóng.
- Chán ăn.
- Sụt cân.
Dấu hiệu viêm niêm mạc dạ dày cần đi khám ngay
Thông thường, các triệu chứng của viêm niêm mạc dạ dày có thể tự khỏi. Tuy nhiên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay nếu triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày kéo dài không hết và đi kèm với các triệu chứng cảnh báo.
Các triệu chứng cảnh báo nên đi gặp bác sĩ ngay:
- Triệu chứng kéo dài hơn một tuần.
- Cơn đau dữ dội.
- Nôn ra máu.
- Đi ngoài phân đen hoặc xuất hiện máu lẫn trong phân.
- Sốt.
Chẩn đoán viêm niêm mạc dạ dày
Để chẩn đoán viêm niêm mạc dạ dày, Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và kết hợp cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác. Sau khi có kết quả, các Bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là hoạt động thăm khám ban đầu, Bác sĩ đặt ra một vài câu hỏi cho bệnh nhân để có được chẩn đoán ban đầu về tình trạng bệnh, cụ thể:
- Triệu chứng viêm dạ dày đang gặp phải, bao gồm mức độ, thời gian và tần suất xuất hiện.
- Tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
- Các loại thuốc đã và đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng.
- Các phẫu thuật đã từng thực hiện.
Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm niêm mạc dạ dày, Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng tiêu hoá.
Cận lâm sàng tiêu hóa
Khi thăm khám cận lâm sàng, Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện một trong những xét nghiệm sau đây để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm niêm mạc dạ dày.
Nội soi ống tiêu hóa trên
Nội soi ống tiêu hóa trên là thủ thuật đưa ống nội soi (ống dài, mỏng, có gắn camera) qua miệng, xuống dạ dày để quan sát, tìm kiếm tổn thương trên bề mặt niêm mạc. Bác sĩ còn có thể tiến hành sinh thiết mẫu mô bất thường để thực hiện giải phẫu bệnh, đồng thời thực hiện thêm CLO-test để kiểm tra người bệnh liệu có dương tính với vi khuẩn Hp hay không.
Test hơi thở C13
Đây là phương pháp giúp phát hiện sự có mặt của vi khuẩn Hp trong niêm mạc dạ dày. Trước khi thực hiện, người bệnh uống dung dịch chứa ure và thổi vào một thiết bị để kiểm tra. Nếu có vi khuẩn Hp, nồng độ khí carbon dioxide với phân tử carbon đánh dấu trong hơi thở sẽ cao hơn bình thường. Khi đó, người bệnh được xem là đã dương tính với vi khuẩn Hp.
Xét nghiệm phân
Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm phân. Kết quả xét nghiệm trên phân sẽ giúp bác sĩ xác nhận tình trạng nhiễm Hp của bệnh nhân, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Xét nghiệm máu
Bác sĩ tiến hành lấy máu từ người bệnh và gửi đến phòng thí nghiệm để nhận định nguyên nhân gây ra viêm dạ dày hoặc kiểm tra các dấu hiệu, biến chứng (nếu có). Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp kiểm tra tình trạng nhiễm Hp (hiện nay ít sử dụng do độ nhạy và độ đặc hiệu kém).
Chụp X-quang có thuốc cản quang
Chụp X-quang dạ dày khác với chụp X-quang thông thường đó là người bệnh sẽ phải uống thuốc cản quang barium trong khi chụp. Loại thuốc này bao phủ niêm mạc dạ dày, nhờ vậy Bác sĩ khi chụp X-quang có thể phát hiện các dấu hiệu của viêm dạ dày hoặc các bệnh lý dạ dày khác.
Biến chứng viêm niêm mạc dạ dày
Khi phát hiện triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh chủ quan vì bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết dạ dày,…
Các biến chứng có thể gặp khi viêm niêm mạc dạ dày là.
- Loét dạ dày – tá tràng
- Viêm teo dạ dày
- Xuất huyết dạ dày
- Thiếu máu
- Thủng dạ dày
- Viêm phúc mạc
- Ung thư dạ dày
Loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng là một biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày. Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày và tá tràng bị xói mòn và mỏng dần, khiến axit dạ dày làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày và tá tràng. Điều này kéo dài lâu ngày hình thành nên các ổ loét trên thành dạ dày – tá tràng.
Viêm teo dạ dày
Viêm teo dạ dày là một trong những hệ quả của viêm niêm mạc dạ dày mạn tính do nhiễm khuẩn Hp. Theo đó, vi khuẩn Hp gây tổn thương và bào mòn dần lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến axit dịch vị phá hủy các tế bào niêm mạc dạ dày, gây ra tình trạng viêm teo. Viêm teo dạ dày là một dấu hiệu tổn thương tiền ung thư.
Xuất huyết dạ dày
Khi ổ loét dạ dày – tá tràng không được kiểm soát và điều trị hiệu quả, ổ loét dần ăn sâu vào trong thành dạ dày và tá tràng, từ đó gây ra tình trạng xuất huyết ở vị trí loét. Tình trạng này có thể gây ra một số triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, suy nhược cơ thể do mất máu,… Người bệnh nên nhanh chóng đến thăm khám ở bác sĩ để kịp thời điều trị, tránh mất máu quá nhiều nguy hiểm tính mạng.
Thiếu máu
Thiếu máu là một hậu quả của tình trạng xuất huyết dạ dày. Tình trạng xuất huyết nếu không được điều trị sẽ khiến cho người bệnh bị thiếu máu thiếu sắt. Triệu chứng của thiếu máu do xuất huyết bao gồm khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, da nhợt nhạt,… Tình trạng này rất nguy hiểm, người bệnh nên đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được điều trị, tránh ảnh hưởng tính mạng.
Thủng dạ dày
Các ổ loét dạ dày do viêm niêm mạc có thể tiến triển, lan rộng và ăn sâu vào các lớp cơ trong thành dạ dày nếu không được điều trị. Điều này có thể dẫn đến thủng dạ dày gây đau dạ dày dữ dội ở vùng bụng, cơn đau tăng dần theo thời gian. Người bệnh còn có thể thấy chán ăn, buồn nôn và nôn. Thủng dạ dày là tình trạng nguy cấp, có thể dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng,… ảnh hưởng tính mạng người bệnh.
Viêm phúc mạc
Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm khác của thủng dạ dày. Thủng dạ dày tạo điều kiện cho thức ăn và dịch dạ dày chảy vào trong khoang bụng, có thể gây nhiễm trùng khắp bụng hay còn gọi là viêm phúc mạc. Đây là tình trạng cần được cấp cứu nhanh chóng bởi vì tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát có thể gây sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.
Ung thư dạ dày
Viêm niêm mạc dạ dày mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu khi ở giai đoạn đầu. Chỉ khi bước sang giai đoạn muộn mới có các triệu chứng như khó nuốt, khó tiêu, ăn nhanh no, ợ nóng, sụt cân,… Ung thư dạ dày thường có tiên lượng xấu khi bước sang giai đoạn muộn, vì thế, việc đi tầm soát ung thư dạ dày để phòng ngừa và phát hiện sớm có thể giúp điều trị dứt điểm được ung thư dạ dày.
Điều trị viêm niêm mạc dạ dày
Hiện nay, các cách chữa trị bệnh viêm niêm mạc dạ dày thường được sử dụng bao gồm dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt thường ngày.
Thuốc kháng sinh
Khi người bệnh dương tính với vi khuẩn Hp, Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh như clarithromycin, amoxicillin hoặc metronidazol để tiêu diệt vi khuẩn, cải thiện triệu chứng bệnh. Người bệnh cần lưu ý uống thuốc kháng sinh đầy đủ với liều được kê đơn trong vòng 14 ngày.
Thuốc kháng histamin H2
Thuốc này hỗ trợ giảm lượng axit được tiết ra vào đường tiêu hóa, từ đó giảm nhẹ triệu chứng đau do viêm và thúc đẩy làm lành tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Thông thường, một số loại thuốc kháng histamin H2 được kê đơn cho người bệnh là famotidine, cimetidine và nizatidine.
Trong quá trình sử dụng, bệnh nhân nên tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ, uống đúng liều, đúng thời gian để tránh xảy ra tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc giảm tiết acid dạ dày
Các loại thuốc như omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, pantoprazole hỗ trợ giảm acid dạ dày bằng cách ức chế hoạt động của tế bào thành bài tiết acid dạ dày.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bệnh nhân nên tham vấn với Bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Bởi vì nếu sử dụng thuốc không đúng liều và trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc trung hòa acid dạ dày
Thuốc này hỗ trợ giảm các triệu chứng nhanh chóng bằng cách trung hòa lượng axit trong dạ dày nhưng có khả năng gây ra một số tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như tiêu chảy, táo bón (tùy vào thành phần của thuốc).
Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ thật kỹ trước khi dùng. Đồng thời, trong quá trình uống thuốc, nếu có dấu hiệu bất thường khác, hãy liên hệ với Bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.
> Xem thêm: Cách chữa viêm dạ dày hiệu quả
Cách giảm nhẹ triệu chứng của viêm niêm mạc dạ dày
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa viêm dạ dày hiệu quả. Theo đó, bệnh nhân nên:
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày như trái cây có vị chua, đồ cay nóng, chiên xào và nhiều dầu mỡ.
- Giảm đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê, nước ngọt hoặc nước tăng lực.
- Ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Nên kết thúc bữa ăn tối trước khi ngủ khoảng 3 – 4 giờ.
- Rửa tay sạch sẽ thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Giữ tinh thần thoải mái, kiểm soát stress bằng một số hoạt động như ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách,…
- Cân nhắc khi dùng thuốc giảm đau. Hoặc, tốt hơn là bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ, để có hướng dẫn sử dụng loại thuốc an toàn, liều lượng và thời gian uống phù hợp.
Các lưu ý về viêm niêm mạc dạ dày
Sau đây là tóm tắt một số lưu ý về tình trạng viêm dạ dày, để người bệnh nắm rõ bệnh lý này hơn:
- Viêm niêm mạc dạ dày thực chất cũng là viêm dạ dày.
- Người bị viêm niêm mạc dạ dày cấp tính có thể khỏi bệnh, nếu chủ động điều trị sớm và đúng cách.
- Người bị viêm niêm mạc dạ dày mạn tính nên tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ, để tránh tình trạng bệnh nặng hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày thành ung thư dạ dày.
- Phác đồ chữa viêm niêm mạc dạ dày thông thường là dùng thuốc. Tuy nhiên, việc kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ triệu chứng.
- Chủ động tầm soát ung thư dạ dày định kỳ theo khuyến cáo là việc làm cần thiết để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường có thể can thiệp điều trị ngay, từ đó nâng cao hiệu quả chữa bệnh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Viêm niêm mạc dạ dày gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện triệu chứng, bệnh nhân nên đi khám với Bác sĩ ngay, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh cũng như phòng tránh nguy cơ ung thư dạ dày.
Endo Clinic – Trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa
Hiện nay, Endo Clinic là địa chỉ uy tín được nhiều Khách hàng tin tưởng lựa chọn để thăm khám và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa, trong đó có bệnh viêm niêm mạc dạ dày phổ biến.
Giá trị khác biệt của phòng khám dạ dày Endo Clinic là đội ngũ Bác sĩ giỏi, giàu chuyên môn đến từ các bệnh viện đầu ngành trong nước. Bác sĩ không chỉ chẩn đoán đúng, tư vấn chính xác mà còn điều trị theo phác đồ của thế giới được cập nhật mới nhất cũng như chỉ định dùng thuốc chính hãng để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
Quý Khách hàng đến với Endo Clinic còn được trải nghiệm quy trình nội soi hiện đại:
- Máy nội soi tiên tiến có độ phóng đại 100 – 135 lần giúp Bác sĩ đánh giá tổn thương và sinh thiết vị trí tổn thương một cách chính xác.
- Chế độ nhuộm ảo (NBI) giúp nổi bật cấu trúc mạch máu và bề mặt của niêm mạc, từ đó hỗ trợ Bác sĩ nhận ra các dạng tổn thương có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý Khách hàng đang gặp phải.
- Cam kết thời gian quan sát ít nhất 7 phút, đồng thời chụp ít nhất 22 tấm hình tại vị trí có nguy cơ tổn thương cao, giúp Bác sĩ quan sát kỹ tổn thương trong tiêu hóa, kể cả vị trí góc khuất ở nếp gấp niêm mạc.
- Sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) giúp tăng cường phát hiện tổn thương ở dạ dày.
- Màn hình nội soi hiện đại trên thế giới có độ phân giải 4K, cho hình ảnh sắc nét hỗ trợ Bác sĩ nhận diện được tổn thương để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của Khách hàng.
Đồng thời, Endo Clinic còn kết hợp với hợp với phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) – được khuyến cáo theo Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ và Đồng Thuận Châu Á, giúp Khách Hàng có trải nghiệm nội soi thoải mái và an toàn. Từ đó làm tăng tỷ lệ chẩn đoán bệnh chính xác đến 90% – 95%, cũng như tỷ lệ tầm soát ung thư chính xác đến 95 – 99%.
Ngoài ra, Endo Clinic làm việc sớm từ 6 giờ sáng đến 15 giờ chiều giúp Khách hàng ở tỉnh đến TP. HCM được thăm khám, hoàn tất và về ngay trong ngày. Quý khách có thể đặt lịch khám dạ dày với bác sĩ tại ĐẶT LỊCH KHÁM hoặc liên hệ Hotline 028 5678 9999 để được hỗ trợ!
Câu hỏi thường gặp
Bệnh viêm niêm mạc dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh viêm niêm mạc dạ dày nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm dẫn đến biến chứng xuất huyết, loét dạ dày tá tràng, viêm phúc mạc, thậm chí là ung thư dạ dày.
Viêm niêm mạc dạ dày có chữa khỏi không?
Khi bệnh ở giai đoạn khởi phát, nếu can thiệp sớm bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ, thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống thì có thể chữa dứt điểm. Ngược lại, nếu người bệnh chủ quan kéo dài, sẽ làm cho bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính rất khó chữa hoàn toàn và làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm niêm mạc dạ dày nên ăn và kiêng gì?
Người bệnh viêm niêm mạc dạ dày nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, cá, thịt nạc,… Đồng thời, bệnh nhân viêm dạ dày cũng nên kiêng đồ ăn có nhiều chất béo, thực phẩm có tính axit và các loại nước ngọt có gas, rượu, bia,…
Tài liệu tham khảo:
1. Cleveland Clinic medical professional. Gastritis. 09 08 2020. (Ngày truy cập 19 04 2023) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10349-gastritis
2. WebMD Editorial Contributors. What Is Gastritis? 27 11 2022 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-gastritis
3. Graham Rogers, M.D. Acute Gastritis. 15 11 2019 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.healthline.com/health/gastritis-acute
4. Youssef (Joe) Soliman, MD. Chronic Gastritis. 21 03 2023 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.healthline.com/health/gastritis-chronic
5. Mayo Clinic Staff. Helicobacter pylori (H. pylori) infection 05 05 2022 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/symptoms-causes/syc-20356171
6. Amy Richter, RD. Gastritis Diet: What to Eat and What to Avoid. 27 09 2021 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.healthline.com/health/gastritis-diet
7. Rishi Megha; Umer Farooq; Peter P. Lopez. Stress-Induced Gastritis. 01 05 2022 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499926/
8. Saurabh Sethi. Can smoking cause stomach pain? Digestive issues and more. 25 11 2022 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.medicalnewstoday.com/articles/can-smoking-cause-stomach-pain
9. Raymond Kent Turley. Gastritis. (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/g/gastritis.html10.
10. NHK. Gastritis. 27 10 2022 (Ngày truy cập 19 04 2023) https://www.nhs.uk/conditions/gastritis/