Viêm thực quản: Nguyên nhân, Triệu chứng, Chẩn đoán và Điều trị

Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2020 dựa vào các nguyên nhân gây bệnh mà tỷ lệ mắc viêm thực quản được ước tính như sau:

  • Khoảng 1% dân số thế giới mắc bệnh viêm thực quản do bị ăn mòn.
  • Khoảng 3.9/100,000 dân số mỗi năm với độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 41,5 tuổi mắc bệnh viêm thực quản do thuốc.
  • Khoảng 0.35/100,000 dân số mỗi năm mắc bệnh viêm thực quản do tăng bạch cầu ái toan với tỷ lệ hiện mắc khoảng 55/100,000 dân số có liên quan đến dị ứng thực phẩm, hen suyễn, chàm. Viêm thực quản do tăng bạch cầu ái toan thường phổ biến hơn ở nam giới (thường xuất hiện triệu chứng trong độ tuổi từ 20 đến 30).
  • Viêm thực quản do bức xạ là biến chứng thường gặp ở những người tiếp nhận xạ trị. Tổn thương cấp tính luôn xảy ra với liều 6000 cGy theo liệu trình điều trị 1000 cGy mỗi tuần. Liều thấp hơn hoặc liệu trình dài hơn có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn.
  • Số liệu mắc bệnh viêm thực quản do nhiễm trùng vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ phổ biến ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV và bệnh nhân có khối u ác tính về huyết học.
Viêm thực quản: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Viêm thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm thực quản là gì?

Bệnh viêm thực quản (tên tiếng Anh: esophagitis) là tình trạng viêm có thể làm tổn thương đến niêm mạc thực quản – cơ quan dạng ống đưa thức ăn từ miệng đến dạ dày.

Đây là bệnh lý tiêu hóa gây tổn thương lớp niêm mạc thực quản dẫn đến viêm sưng. Tùy theo mức độ tổn thương, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau, khó nuốt, cảm giác vướng cổ họng và tức ngực.

Phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của tế bào bị tổn thương. Hầu hết tình trạng viêm thực quản ở mức độ nhẹ sẽ cải thiện trong 2 đến 4 tuần điều trị. Những trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc nhiễm trùng có thể mất nhiều thời gian phục hồi hơn.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm niêm mạc thực quản có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như loét thực quản, teo hẹp thực quản, thực quản Barrett và có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.

Bệnh viêm thực quản là gì?
Viêm thực quản là tình trạng viêm hoặc tổn thương ở niêm mạc thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phân loại bệnh viêm thực quản

Dựa theo thời gian tiến triển, viêm thực quản có thể được chia thành hai giai đoạn, bao gồm:

  • Viêm thực quản cấp tính là tình trạng viêm diễn tiến trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng và thường có thể hồi phục nhanh nếu điều trị phù hợp.
  • Viêm thực quản mạn tính là tình trạng bệnh lý kéo dài trong nhiều tháng và dai dẳng, cần điều trị trong thời gian dài.

Nguyên nhân gây viêm thực quản

Nguyên nhân gây viêm thực quản có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau như do trào ngược axit dạ dày vào thực quản, nhiễm trùng, do sử dụng thuốc hoặc dị ứng. Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia và tình trạng tâm lý căng thẳng cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hiện nay có nhiều nguyên nhân gây viêm thực quản được xác định, bao gồm:

  • Viêm thực quản do trào ngược.
  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
  • Viêm thực quản tế bào lympho.
  • Viêm thực quản do thuốc.
  • Viêm thực quản do nhiễm trùng.

Viêm thực quản do trào ngược

Cơ thắt thực quản dưới (LES) có chức năng như van giữ cho axit dịch vị dạ dày không trào ngược lên thực quản. Nếu cơ thắt thực quản dưới hoạt động yếu hoặc cấu tạo bất thường khiến áp lực không đủ để đóng van sẽ gây bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

Tình trạng trào ngược axit dạ dày lên thực quản thường xuyên gây viêm mạn tính và tổn thương niêm mạc thực quản. Viêm thực quản do trào ngược là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thực quản.

một trong những nguyên nhân viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản
Viêm thực quản trào ngược axit dạ dày là nguyên nhân thường gặp nhất. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Bạch cầu ái toan là các tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với chất gây dị ứng hoặc dòng trào ngược axit dạ dày.

Bệnh có thể khởi phát từ lúc mới sinh cho đến tuổi thanh thiếu niên, đôi khi cũng xuất hiện ở người lớn tuổi và phổ biến hơn ở nam giới.

Dù các xét nghiệm dị ứng thông thường không xác định được chính xác các nguyên nhân gây phản ứng dị ứng, song một số yếu tố kích hoạt phổ biến bao gồm sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, đậu, lúa mạch đen, và thịt bò. Các chất gây dị ứng hít phải như phấn hoa, lông động vật cũng có thể là tác nhân gây phản ứng dị ứng ở người bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.

Viêm thực quản tế bào lympho

Viêm thực quản tế bào lympho (LE) là tình trạng gia tăng số lượng tế bào lympho trong lớp niêm mạc của thực quản. Bệnh khá hiếm gặp, có thể liên quan đến viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan hoặc hoặc trào ngược dạ dày – thực quản.

Viêm thực quản do thuốc

Viêm thực quản do thuốc là tình trạng một số loại thuốc tiếp xúc với lớp niêm mạc thực quản trong thời gian dài. Ví dụ, nếu người bệnh uống thuốc với quá ít nước hoặc nuốt khan thì cặn từ viên thuốc có thể đọng lại trong thực quản gây viêm.

Một số loại thuốc liên quan đến nguyên nhân gây viêm thực quản có thể bao gồm:

  • Thuốc giảm đau bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.
  • Thuốc kháng sinh, chẳng hạn như tetracycline và doxycycline.
  • Thuốc điều trị thiếu kali như kali clorua.
  • Thuốc điều trị loãng xương bisphosphonates gồm alendronate.
  • Thuốc điều trị bệnh tim mạch như quinidine.

Viêm thực quản nhiễm trùng

Viêm thực quản nhiễm trùng tương đối hiếm gặp và do vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập vào trong biểu mô niêm mạc thực quản.

Một số nguyên nhân gây viêm thực quản nhiễm trùng gồm:

  • Nấm Candida albicans là nguyên nhân phổ biến gây bệnh nấm thực quản.
  • Herpes simplex (HSV), Cytomegalovirus (CMV), Epstein-Barr (EBV), Varicella-zoster (VZV),…

Những người bị suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, bị ung thư, đái tháo đường hay thường xuyên sử dụng thuốc steroid, thuốc kháng sinh kéo dài có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Thông qua phương pháp nội soi ống tiêu hoá trên bác sĩ có thể chẩn đoán xác định nguồn gây bệnh.

Nấm Candida albicans là nguyên nhân chính gây viêm thực quản
Nấm Candida albicans là nguyên nhân phổ biến gây nên viêm thực quản nhiễm trùng.

Các nguyên nhân khác

Ngoài ra, bệnh viêm thực quản còn liên quan đến thói quen sinh hoạt hằng ngày như lạm dụng rượu bia, thuốc lá, căng thẳng. Viêm niêm mạc thực quản có thể hình thành khi người bệnh xạ trị, đặt ống thông mũi – dạ dày, bệnh Crohn, bệnh co thắt tâm vị hoặc tổn thương thực quản do hoá chất khi nuốt phải dung dịch kiềm, dung dịch tẩy rửa hoặc axit.

Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thực quản

Bệnh viêm thực quản có thể xảy ra ở bất kỳ ai với mọi độ tuổi, giới tính hay chủng tộc. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ khác nhau có liên quan đến từng loại viêm niêm mạc thực quản, bao gồm:

Viêm thực quản do trào ngược

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) gây viêm thực quản, bao gồm:

  • Người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị trào ngược axit dạ dày.
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ.
  • Tiền sử bệnh lý về mô liên kết như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, thoát vị hoành (thoát vị gián đoạn), liệt dạ dày làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Sử dụng thường xuyên thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, caffeine, sô-cô-la và thực phẩm có vị bạc hà.
  • Ăn quá no trước khi ngủ.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới (LES) gây nên tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản như thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm,…

Một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của GERD hoặc viêm thực quản trào ngược, bao gồm:

  • Thực phẩm làm từ cà chua.
  • Trái cây có múi như chanh, cam, bưởi, quýt.
  • Rượu.
  • Thức ăn cay, nóng.
  • Tỏi và hành tây.
  • Sô-cô-la.
  • Thực phẩm có vị bạc hà.

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Các yếu tố nguy cơ gây viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan hoặc viêm thực quản do dị ứng, có thể bao gồm:

  • Tiền sử mắc một số phản ứng dị ứng, bao gồm viêm mũi dị ứng, hen suyễn và viêm da dị ứng.
  • Tiền sử gia đình bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.

Viêm thực quản do thuốc

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thực quản do thuốc thường liên quan đến quá trình uống thuốc không đúng cách, có thể bao gồm:

  • Uống ít nước hoặc thậm chí nuốt khan thuốc.
  • Uống thuốc khi nằm.
  • Uống thuốc ngay trước khi ngủ.
  • Những thay đổi liên quan đến các cơ của thực quản hoặc giảm sản xuất nước bọt ở người lớn tuổi.
  • Viên thuốc lớn hoặc hình dạng viên thuốc kỳ lạ có thể bị mắc kẹt ở thực quản.

Viêm thực quản do nhiễm trùng

Các yếu tố nguy cơ gây viêm thực quản do nhiễm trùng, có thể bao gồm:

  • Tác dụng phụ của các loại thuốc như steroid và thuốc kháng sinh.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS, đái tháo đường, ung thư máu hoặc mắc các bệnh miễn dịch khác.
  • Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị viêm thực quản do nấm Candida.
  • Một số phương pháp điều trị ung thư và sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Tham khảo thêm >> Bảng chỉ số đường huyết chuẩn dành cho bệnh nhân đái tháo đường.

Sinh lý bệnh viêm thực quản

Sinh lý bệnh viêm thực quản còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bệnh như:

  • Viêm thực quản trào ngược: Tình trạng axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản có thể dẫn đến tổn thương lớp niêm mạc thực quản, gây ra viêm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trào ngược là do lớp cơ vòng thực quản dưới (LES) yếu dần và khép không kín, tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược vào thực quản.
  • Viêm thực quản do thuốc: Con đường hình thành bệnh của viêm thực quản do dùng thuốc bao gồm 2 yếu tố: tác nhân gây kích thích trực tiếp và sự phá hủy các hàng rào bảo vệ tế bào. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng việc tiếp xúc thường xuyên và kéo dài với các tác nhân kích thích có thể làm cho niêm mạc thực quản bị tổn thương.

Các loại thuốc như doxycycline, tetracycline và sắt sulfat có thể gây tổn thương cục bộ tại thực quản. Các loại thuốc khác như kali clorua có tính thẩm thấu cao, có thể gây phá hủy mô và tổn thương mạch máu.

  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Cơ chế viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Một số bằng chứng có đưa ra được rằng viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một rối loạn dị ứng gây ra bởi sự nhạy cảm của cơ thể đối với các tác nhân gây dị ứng từ thực phẩm hoặc trong không khí. Một số cytokine và chemokine tham gia vào quá trình này như eotaxin, IL-5 và STAT6.
  • Viêm thực quản do bức xạ: Các tia electron năng lượng cao có thể tạo ra các gốc tự do làm tổn thương DNA và gây chết tế bào. Các tổn thương do tia bức xạ có thể cấp tính hoặc mạn tính. Trong giai đoạn cấp tính, tia bức xạ phá hủy tế bào và ngăn chặn quá trình tăng sinh của tế bào bình thường, gây tổn thương nặng nề lên niêm mạc thực quản.

Bên cạnh đó, các tổn thương thực quản mạn tính do bức xạ thường liên quan đến sự thiếu máu cục bộ do các tổn thương trên mao mạch. Sự tăng sinh của tế bào nội mô, lớp cơ trơn và nguyên bào sợi là nguyên nhân làm tổn hại các mao mạch, làm giảm lưu lượng máu đến thực quản. Các tổn thương mạn tính về lâu dài có thể dẫn đến rách, loét thực quản, làm hình thành các lỗ rò và thậm chí gây thủng thực quản.

  • Viêm thực quản nhiễm trùng: Viêm thực quản nhiễm trùng có thể do nấm, ký sinh trùng, virus và vi khuẩn gây ra. Quá trình gây bệnh thường bắt đầu bằng việc bám dính và tăng sinh của các tác nhân gây hại ở lớp niêm mạc thực quản, từ đó gây phá hủy các lớp bảo vệ của thực quản, dẫn đến viêm.

Nhiễm nấm Candida albicans là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thực quản nhiễm trùng. Nấm Candida albicans có thể dẫn đến viêm thực quản khi nó tăng sinh số lượng lớn ở những người đang điều trị kháng sinh hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Nhiễm Herpes simplex virus (HSV) là virus phổ biến gây ra viêm thực quản. Virus xâm nhiễm và phá hủy tế bào biểu mô vảy gây ra tình trạng loét thực quản. Một số virus khác gây viêm thực quản có thể là Cytomegalovirus (CMV), Epstein-Barr (EBV) và varicella-zoster (VZV).

Ngoài ra, viêm thực quản do vi khuẩn là bệnh lý khá hiếm gặp.

Dấu hiệu và triệu chứng viêm thực quản

Dấu hiệu và triệu chứng viêm thực quản thường không quá nghiêm trọng, khi bệnh được điều trị tốt thì các triệu chứng như khó nuốt, nuốt đau, cảm giác nóng rát ở ngực,… cũng dần biến mất. Tuy nhiên, triệu chứng viêm thực quản có thể nguy hiểm ở những bệnh nhân cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường.

triệu chứng của bệnh viêm thực quản
Triệu chứng viêm thực quản thường gặp là đau họng, khó nuốt, nuốt đau,… (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các triệu chứng viêm thực quản

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng do viêm thực quản sau:

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khó để giải thích sự khó chịu và đau khi nuốt, cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm thực quản qua các dấu hiệu sau:

  • Biếng ăn, khó bú.
  • Không phát triển, chậm tăng cân.

Dấu hiệu viêm thực quản cần thăm khám ngay

Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng của viêm thực quản có thể do một số tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây ra. Các triệu chứng khác cho thấy Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ, bao gồm:

  • Triệu chứng kéo dài sau vài ngày.
  • Triệu chứng không cải thiện hoặc chỉ giảm nhẹ khó chịu sau khi dùng thuốc kháng axit dạ dày không kê đơn.
  • Triệu chứng nặng gây khó khăn trong việc ăn uống.
  • Nhức đầu, sốt và đau cơ.

Cô Bác, Anh Chị cần đến cơ sở y tế, đại trực tràng thăm khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu viêm thực quản nghiêm trọng sau:

  • Tình trạng đau ngực kéo dài hơn vài phút.
  • Cảm giác bị mắc nghẹn thức ăn trong thực quản.
  • Có tiền sử bệnh tim và đau ngực.
  • Đau miệng hoặc cổ họng khi ăn.
  • Khó thở hoặc đau ngực nặng hơn khi ăn
  • Nôn dữ dội, khó thở sau khi nôn hoặc chất nôn có màu vàng hoặc xanh lá. Chất nôn có màu như bã cà phê hoặc có lẫn máu.

Chẩn đoán bệnh viêm thực quản

Để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh viêm thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng bằng cách hỏi thăm về các triệu chứng, tình trạng sức khỏe, tiểu sử bệnh lý cá nhân/gia đình,… để có được nhận định ban đầu. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Khám lâm sàng

Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị:

  • Thông tin tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị.
  • Tiền sử bệnh của bản thân bao gồm sự căng thẳng hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
  • Tiền sử gia đình bị dị ứng và rối loạn thực quản hoặc dạ dày.
  • Các loại thuốc đã và đang sử dụng kể cả thực phẩm chức năng.
  • Các phẫu thuật đã từng thực hiện.
  • Các triệu chứng Cô Bác, Anh Chị đang gặp phải bao gồm đau, khó nuốt hoặc trào ngược axit.

Trong trường hợp nghi ngờ viêm thực quản trào ngược với các triệu chứng nhẹ đến trung bình có thể được bác sĩ chỉ định thử dùng liệu pháp ức chế axit. Điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong vòng 7 đến 14 ngày. Nếu với liều tiêu chuẩn hoặc liều gấp đôi liều tiêu chuẩn có thể điều trị hết các triệu chứng thì được xác định là viêm niêm mạc thực quản do trào ngược.

Nếu tiền sử cá nhân gợi ý viêm thực quản do thuốc, ban đầu có thể không cần thực hiện nội soi tiêu hóa.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện thêm một số thăm khám cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.

Cận lâm sàng

Khi thăm khám bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vị trí và tình trạng viêm loét thực quản.

Xét nghiệm

Bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám dạ dày và thực quản sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện một số xét nghiệm phục vụ chẩn đoán chính xác bệnh.

Một số xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh lý viêm thực quản:

  • Xét nghiệm máu: giúp xác định nồng độ các tế bào bạch cầu liên quan đến dị ứng (bạch cầu ái toan) hoặc để tìm hiểu xem bệnh nhân có nhạy cảm với một hoặc nhiều chất gây dị ứng hay không.
  • Kiểm tra độ pH: nếu kết quả nội soi không thấy bất thường, bác sĩ có thể đo nồng độ axit bên trong thực quản bằng cách thực hiện kiểm tra pH 24 giờ kể cả khi đã điều trị bằng chất ức chế bơm proton. Phương pháp này sẽ đo lượng axit trong thực quản khi cơ thể ở các trạng thái khác nhau, chẳng hạn như trong khi ăn hoặc ngủ.
  • Đo áp lực thực quản (esophageal manometry): giúp đo các cơn co thắt trong thực quản khi người bệnh nuốt. Đo áp lực thực quản được sử dụng để đánh giá nhu động thực quản trước khi phẫu thuật điều trị.
  • Xét nghiệm dị ứng da: xét nghiệm chích da bằng kim hoặc đinh ghim có chứa một lượng nhỏ chất gây dị ứng. Nếu phản ứng miễn dịch xảy ra dưới dạng phát ban, nổi mề đay hoặc sốc phản vệ có thể kết luận rằng bệnh nhân có phản ứng với dị ứng.

Nội soi ống tiêu hóa trên

Để chẩn đoán viêm thực quản, nội soi thực quản được chỉ định và sử dụng một dây soi có gắn camera độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

nội soi tìm nguyên nhân chính xác gây viêm thực quản
Nội soi là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý tiêu hoá. Nguồn: cancer.gov

Chẩn đoán hình ảnh

Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI.

  • Chụp X-quang cản quang: Đây là kỹ thuật sử dụng chất thuốc phản quang để phủ lên niêm mạc thực quản và dạ dày. Phương pháp này cho phép bác sĩ gián tiếp đánh giá các bất thường của niêm mạc thực quản, xác định các bệnh lý ở thực quản như hẹp thực quản, thoát vị gián đoạn, khối u thực quản,…
  • Chụp CT hoặc MRI: Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định chụp CT hoặc MRI vùng bụng và ngực để xác định vị trí, mức độ xâm lấn và kích thước của vết viêm loét.

Tiên lượng và biến chứng bệnh viêm thực quản

Viêm thực quản có thể được cải thiện nếu điều trị sớm và đúng cách. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như xuất huyết thực quản, loét thực quản, ung thư thực quản,…

Tiên lượng

Viêm thực quản mạn tính có thể gây chít hẹp thực quản hoặc tổn thương mô nếu không được điều trị. Khả năng phát triển ung thư thực quản của người bệnh viêm niêm mạc thực quản sẽ cao hơn nếu các tế bào biểu mô lót thực quản bị thay đổi do tiếp xúc với axit dạ dày. Vì thế bác sĩ khuyến khích bệnh nhân viêm niêm mạc thực quản mạn tính nên tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm nguy cơ bị tái phát trong tương lai bằng cách tránh các tác nhân gây bệnh được bác sĩ chẩn đoán trước đó.

  • Viêm thực quản nặng: Bệnh chuyển biến nặng có thể dẫn đến nuốt khó, đau và suy dinh dưỡng.
  • Xuất huyết thực quản: xuất huyết tại vị trí viêm loét thực quản có thể khiến người bệnh bị thiếu máu, suy nhược cơ thể phải nhập viện để truyền máu. Mất máu nghiêm trọng có thể gây nôn mửa, ói ra máu, đi ngoài ra máu, mệt mỏi, vã mồ hôi,…
  • Loét thực quản: là các vết loét ở lớp niêm mạc phần dưới của thực quản, nơi nối thực quản và dạ dày. Các tổn thương này xuất hiện khi lớp nhầy bảo vệ lớp niêm mạc của thực quản bị ăn mòn, tạo điều kiện cho axit dạ dày và các dịch vị khác kích thích thành thực quản và hình thành vết viêm loét.
  • Hẹp thực quản: là tình trạng axit dạ dày ăn mòn phần dưới của thực quản và hình thành mô sẹo. Các mô sẹo thu hẹp đường dẫn thức ăn, gây nên sự tắc nghẽn khi nuốt.
  • Thực quản Barrett: là tình trạng tổn thương ở tế bào lớp biểu mô niêm mạc thực quản dưới. Những thay đổi này có liên quan đến những tổn thương tiền ung thư thực quản. Khoảng 10% trường hợp mắc thực quản Barrett nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển biến thành ung thư thực quản.
  • Thủng thực quản: là tổn thương tất cả các lớp của thành thực quản làm thông lòng thực quản với bên ngoài. Rách biểu mô lót thực quản do thức ăn bị mắc kẹt hoặc trong quá trình thực hiện nội soi là rất hiếm gặp.
  • Viêm thanh quản: viêm thực quản lan rộng có thể dẫn đến tình trạng viêm thanh quản do bị kích ứng hoặc nhiễm trùng.
  • Viêm phổi hít: là một dạng nhiễm trùng phổi xảy ra do một lượng lớn dịch hoặc thức ăn từ dạ dày hoặc miệng đi vào phổi.
  • Viêm thực quản nặng có thể dẫn đến nuốt khó, đau và suy dinh dưỡng.
biến chứng nguy hiểm của viêm thực quản dẫn đến thực quản Barrett
Biến chứng viêm thực quản dẫn đến thực quản Barrett làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Nguồn: Mayo Clinic

Phương pháp điều trị bệnh viêm thực quản

Điều trị viêm thực quản nhằm làm giảm nhẹ các triệu chứng, kiểm soát biến chứng và điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Hầu hết người bệnh có thể kiểm soát sự khó chịu do bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc. Nhưng nếu người bệnh bị viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) nặng có thể cần dùng thuốc mạnh hơn hoặc phẫu thuật để giảm nhẹ các triệu chứng.

> Xem thêm: Cách giảm trào ngược dạ dày tại nhà

Thuốc điều trị viêm thực quản

Tùy thuộc vào nguyên nhân viêm thực quản bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc, bao gồm:

Viêm thực quản trào ngược

Thuốc chữa viêm thực quản trào ngược có thể được bác sĩ chỉ định, bao gồm:

  • Thuốc không kê toa: bao gồm các loại thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế axit dạ dày – thuốc kháng histamin H2 hay thuốc chẹn H2 như cimetidine và thuốc ngăn sản sinh axit dạ dày được gọi là thuốc ức chế bơm proton như ansoprazole và omeprazole.
  • Thuốc kê toa: bao gồm các loại thuốc ức chế axit dạ dày – thuốc kháng histamin H2 (thuốc chẹn H2) để ngăn sản sinh axit trong dạ dày, bao gồm cimetidine, famotidine và nizatidine. Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có tác dụng giúp người bệnh kiểm soát và giảm sản xuất dịch vị dạ dày, bao gồm esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole và dexlansoprazole. Thuốc tăng co bóp thực quản (prokinetic) giúp tăng cường làm rỗng dạ dày, từ đó dạ dày sẽ có ít axit còn sót lại hơn, giúp giảm các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn và nôn.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật chống trào ngược nếu các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản quá nghiêm trọng, ví dụ như viêm thực quản nặng, khối thoát vị hoành lớn, xuất huyết, hẹp hoặc loét thực quản. Hẹp thực quản được điều trị bằng cách nong thực quản nhiều lần, bao gồm: phẫu thuật Fundoplication, phẫu thuật nội soi xuyên miệng (TIF), thủ thuật Stretta và phẫu thuật LINX.

> Tham khảo: Thuốc trào ngược dạ dày thực quản phổ biến hiện nay

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan chủ yếu là tránh chất gây dị ứng và giảm phản ứng dị ứng với thuốc, bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc ức chế bơm proton như esomeprazole, lansoprazole, omeprazole hoặc pantoprazole.
  • Thuốc steroid: steroid đường uống như fluticasone và budesonide cũng thường được chỉ định để cải thiện tình trạng viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan và steroid dạng hít điều trị bệnh hen suyễn.
  • Xác định loại thức ăn chứa chất gây dị ứng và tránh ăn chúng.
  • Liệu pháp sinh học: phương pháp mới đang được phát triển để điều trị bệnh và có thể sẽ được áp dụng trong tương lai. Những loại thuốc này kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại nhiễm trùng, viêm hoặc bệnh tật.

Viêm thực quản do thuốc

Chữa viêm thực quản do thuốc chủ yếu là hạn chế tự ý dùng thuốc điều trị và giảm nguy cơ tắc nghẽn do thuốc bằng thói quen uống thuốc đúng cách. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc hạn chế tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Thay thế bằng một loại thuốc khác ít gây tác dụng phụ hơn.
  • Dùng thuốc dạng lỏng nếu có thể.
  • Uống nhiều nước khi uống thuốc, trừ khi bác sĩ yêu cầu hạn chế uống nước vì một tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh thận.
  • Ngồi hoặc đứng ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc.

Viêm thực quản do nhiễm trùng

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây viêm thực quản.

Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc chữa viêm thực quản nào.

Phẫu thuật điều trị các biến chứng viêm thực quản

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể thực hiện thủ thuật để mở rộng (làm giãn) thực quản. Phương pháp điều trị chỉ được áp dụng khi tình trạng hẹp thực quản nặng hoặc thức ăn bị tắc nghẽn trong thực quản.

Phương pháp nong thực quản qua nội soi bằng bóng là kỹ thuật phổ biến nhất. Để tiến hành bác sĩ sẽ đưa bóng vào vị trí hẹp của thực quản qua đường nội soi sau đó bơm hơi nhằm làm rộng phần bị hẹp của thực quản.

Một số liệu pháp phối hợp khác

Hiện nay vẫn chưa có liệu pháp thay thế thuốc được chứng minh là có thể chữa viêm thực quản. Tuy nhiên, một số liệu pháp bổ sung và thay thế có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng ợ chua hoặc trào ngược khi kết hợp với các phương pháp điều trị từ bác sĩ. Người bệnh có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về những liệu pháp điều trị phối hợp này có phù hợp với bệnh lý của bản thân không. Các tùy chọn có thể bao gồm:

  • Các phương pháp điều trị bằng thảo dược: được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng ợ chua hoặc trào ngược dạ dày bao gồm cam thảo, cây du trơn, hoa cúc, cây thục quỳ,… Tuy nhiên, các loại thảo dược có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng an toàn trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị bằng thảo dược nào.
  • Các liệu pháp thư giãn: các kỹ thuật làm dịu căng thẳng và lo lắng có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của chứng ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày như phương pháp thư giãn kéo căng cơ (PMR – Progressive Muscle Relaxation) và phương pháp mường tượng hình ảnh có định hướng (guided imagery).
  • Châm cứu: là thủ thuật chèn và thao tác kim hình chỉ vào một điểm cụ thể trên cơ thể để giảm đau hoặc cho các mục đích điều trị. Phương pháp châm cứu có thể giúp giảm triệu chứng nôn trớ và ợ chua.
  • Dinh dưỡng hợp lý: Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường bổ sung rau xanh, các loại đậu, đạm dễ tiêu (thịt lợn, thịt vịt,…), tinh bột (yến mạch, bột ngũ cốc,…). Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, tỏi, bạc hà,… Ngoài ra, người bệnh cũng nên xây dựng thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe như ăn chậm và nhai kỹ, chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn bữa tối trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ.
  • Thay đổi lối sống: Bỏ hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia để bảo vệ thực quản.

Lưu ý: Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về các phương pháp hỗ trợ trên trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị nào tại nhà.

noisoitieuhoa.com là trung tâm nội soi và chẩn đoán chuyên sâu về bệnh lý tiêu hóa tại TP.HCM được nhiều Khách hàng tin chọn. Với triết lý điều trị “Khám ra bệnh – Trị hết bệnh” cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, đến từ các bệnh viện lớn sẽ chỉ định đúng và đủ các cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả.

Hơn nữa, endoclinic.vn còn là phòng khám nội soi dạ dày tại TP.HCM hiếm hoi trang bị hệ thống máy nội soi tiên tiến từ Fujifilm, Olympus, giúp bác sĩ đánh giá chuẩn xác các tổn thương trong lòng ống tiêu hóa trên. Kết hợp cùng dịch vụ Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê), cho tỷ lệ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh lên đến 90 – 95%.

nội soi chẩn đoán nguyên nhân gây viêm thực quản tại trung tâm tiêu hóa Endo Clinic
Nội soi được xem là “tiêu chuẩn vàng” giúp chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa nhanh chóng và chuẩn xác.

Ngoài ra, chi phí thăm khám và điều trị tại endoclinic.vn luôn cam kết minh bạch, Khách hàng sẽ được thông báo chi phí rõ ràng khi tư vấn. Quy trình làm việc của phòng khám nhanh chóng, mở cửa sớm từ 6 giờ sáng, giúp Khách hàng thăm khám và ra về trong ngày. Liên hệ ngay với endoclinic.vn để được tư vấn chi tiết và đặt hẹn với bác sĩ tại: Đặt lịch khám!

Những điều cần lưu ý về viêm thực quản

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm thực quản

Một số biện pháp tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm triệu chứng và phòng ngừa viêm thực quản, bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa chất kích thích mạnh gây bài tiết axit như chất béo, sô-cô-la, caffeine và đồ uống có cồn.
  • Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cay, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể lực hằng ngày.
  • Tránh các loại thuốc làm viêm trầm trọng thêm như aspirin và các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nâng đầu giường khoảng 15 cm (6 inch) giúp giảm các triệu chứng trào ngược axit dạ dày về đêm bao gồm ho khan, đau họng và khàn giọng.
  • Tránh thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng.
  • Duy trì chế độ ăn lỏng hoặc nhuyễn trong suốt quá trình điều trị.
  • Tránh khom lưng hoặc cúi người, đặc biệt là ngay sau khi ăn.
  • Ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ, hạn chế nằm sau khi ăn vì dạ dày cần ít nhất từ 2-3 giờ để axit trong dạ dày giảm xuống.
  • Thăm khám sức khoẻ tổng quát, tầm soát ung thư thực quản định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa.

Những điều cần lưu ý về viêm thực quản

  • Viêm thực quản là tình trạng viêm hoặc tổn thương ở thực quản do các nguyên nhân phổ biến bao gồm viêm thực quản do trào ngược, viêm thực quản tế bào lympho, viêm thực quản do thuốc hoặc do nhiễm trùng.
  • Người trên 55 tuổi có nguy cơ cao bị viêm thực quản.
  • Một số dấu hiệu phổ biến của viêm thực quản gồm nuốt khó, nuốt đau, đau họng, ợ chua, tức ngực,…
  • Viêm thực quản do bức xạ có liên quan đến độc tính ở bệnh nhân tiến hành điều trị xạ trị và có thể biểu hiện ở cả dạng cấp tính và mạn tính.
  • Nội soi thực quản là phương pháp chẩn đoán chính xác các bệnh lý thực quản, dạ dày và tá tràng.
  • Bệnh không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng loét, hẹp thực quản, thực quản Barrett. Khoảng 10% trường hợp mắc thực quản Barrett nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển biến thành ung thư thực quản.
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như tránh các tác nhân gây dị ứng, uống thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng và thuốc ngăn sản sinh axit dạ dày hoặc có thể chỉ định phẫu thuật trong trường hợp bệnh tiến triển nặng.

Người bệnh viêm thực quản trào ngược nên ăn gì?

Chế độ ăn uống khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho người bệnh.

Lưu ý về phòng ngừa viêm thực quản
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh là phương pháp phòng ngừa viêm thực quản hiệu quả. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng viêm thực quản do trào ngược axit, bệnh nhân nên lưu ý những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế ăn, bao gồm:

Thực phẩm nên ăn

Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản, gồm:

  • Tăng cường những chất có tác dụng trung hòa axit như các sản phẩm từ tinh bột: bột ngũ cốc, bột yến mạch, các loại bánh mì,… Những thực phẩm này có tác dụng nhất định trong việc hạn chế sự bào mòn lớp dịch, axit trong dạ dày.
  • Ăn nhiều các chất đạm dễ tiêu có trong thịt vịt, thịt lợn nạc, thịt lợn thăn,…
  • Bổ sung chất xơ từ rau củ, đặc biệt nên ăn nhiều bông cải xanh.
  • Bổ sung chất xơ có trong các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan,…
  • Nên ăn sữa chua vì trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn. Sữa chua giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, tạo cảm giác ngon miệng. Một lưu ý nhỏ là người bệnh không nên dùng sữa chua khi đói bụng.
  • Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ chữa trị truyền thống như gừng, nghệ, mật ong,…

Thực phẩm nên hạn chế

Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng trào ngược nghiêm trọng hơn, người bệnh nên tránh xa hoặc hạn chế ăn uống các thực phẩm này:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Thức ăn cay
  • Sô-cô-la
  • Bạc hà
  • Tỏi
  • Cà phê
  • Thực phẩm và đồ uống có tính axit như cam, quýt và cà chua
  • Thức uống có cồn

Câu hỏi thường gặp

Viêm thực quản nên ăn gì?

Người bị viêm thực quản nên bổ sung thực phẩm giúp trung hòa axit như ngũ cốc, yến mạch,… Ngoài ra, người bệnh cũng nên bổ sung chất đạm (thịt vịt, thịt lợn nạc,…), chất xơ từ rau củ quả (bông cải xanh, các loại đậu,…), men vi sinh từ sữa chua,… giúp cải thiện sức khỏe, hỗ trợ quá trình lành bệnh.

Bị viêm thực quản có nguy hiểm không?

Triệu chứng viêm thực quản có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Đặc biệt, dấu hiệu của bệnh có thể nguy hiểm ở những bệnh nhân cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường.

Ngoài ra, nếu viêm thực quản không được điều trị sớm, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett,…

Điều trị viêm thực quản mất bao lâu hồi phục?

Thời gian hồi phục khi điều trị viêm thực quản còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp điều trị đều giúp cải thiện và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

Ở những người khỏe mạnh thường hồi phục trong vòng từ 3-5 ngày điều trị hoặc có thể không cần điều trị. Quá trình điều trị và bình phục sẽ kéo dài lâu hơn nếu người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Catiele Antunes Sun và Ashish Sharma. “Esophagitis” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 10 08 2020. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK442012/ (đã truy cập 07 17, 2021).
  3. Mayo Clinic Staff. Esophagitis. 02 23, 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophagitis/symptoms-causes/syc-20361224 (đã truy cập 07 17, 2021).
  4. Pietrangelo, Ann. Esophagitis. Biên tập bởi Michele Cho-Dorado. 29 03 2019. https://www.healthline.com/health/esophagitis (đã truy cập 07 17, 2021).
  5. Cleveland Clinic. Esophagitis. 12 05 2023. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10138-esophagitis (đã truy cập 14 06 2023).
  6. Catiele Antunes; Ashish Sharma. Esophagitis. 08 08 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK442012/ (đã truy cập 14 06 2023).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: