Bạn đã đi khám trào ngược dạ dày và được bác sĩ chẩn đoán mình bị viêm thực quản trào ngược độ A? Bạn đang cần tìm kiếm thông tin về bệnh cũng như khả năng tiến triển của bệnh? Mời bạn hãy cùng endoclinic.vn tìm hiểu thêm thông tin về viêm thực quản trào ngược độ A trong bài viết dưới đây!
Lưu ý:
Trào ngược dạ dày thực quản độ A là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong y tế thì thuật ngữ chính xác của nó là viêm thực quản trào ngược độ A (theo phân độ Los Angeles).
Các thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp và hiệu quả.
Viêm thực quản trào ngược độ A là gì?
Viêm thực quản trào ngược là tình trạng viêm niêm mạc thực quản do trào ngược dạ dày gây ra. Viêm thực quản trào ngược được chia thành 4 cấp độ dựa trên hệ thống phân loại Los Angeles (LA) để mô tả mức độ từ nhẹ đến nặng của tình trạng viêm thực quản, gồm độ A, độ B, độ C và độ D.
Trong đó, viêm thực quản trào ngược độ A là cấp độ đầu tiên theo phân độ Los Angeles (LA), được định nghĩa là lớp niêm mạc thực quản xuất hiện một hoặc nhiều vết xước có chiều dài ≤ 5mm không liên tục giữa các nếp niêm mạc
Nguyên nhân gây viêm thực quản trào ngược độ A là gì?
Nguyên nhân gây viêm thực quản trào ngược độ A chủ yếu do bệnh trào ngược dạ dày khiến axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản gây kích ứng dẫn đến viêm thực quản. Các nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày bao gồm rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới (LES), thoát vị hoành và bất thường trong hoạt động của cơ thắt thực quản.
Một số yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày:
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá
- Uống rượu bia
- Căng thẳng (Stress)
- Tuổi tác và yếu tố di truyền
- Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Thừa cân, béo phì
Bệnh nhân mắc bệnh béo phì (BMI > 40 kg/m2) có nguy cơ cao bị rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới (LES) và nhu động thực quản bị thay đổi, làm tăng tỷ lệ mắc trào ngược dạ dày.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới, tăng tiết acid dạ dày và có thể gây trào ngược lên thực quản.
Uống rượu bia
Rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trào ngược dạ dày. Khi bạn uống rượu bia, cơ thắt thực quản dưới sẽ bị giãn ra, khiến axit và thức ăn trong dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản. Đồng thời, rượu bia cũng kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn, làm cho tình trạng trào ngược thêm trầm trọng
Căng thẳng (Stress)
Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng acid trong dạ dày. Khi đó, acid dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản và làm tổn thương niêm mạc thực quản.
Tuổi tác và di truyền
Một số nghiên cứu cho biết, nam giới trên 50 tuổi và người có tiền sử gia đình bị trào ngược dạ dày làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm thực quản trào ngược.
Phụ nữ trong thai kỳ
Viêm thực quản trào ngược thường xảy ra trong thai kỳ, ở bất kỳ giai đoạn tam cá nguyệt nào. Tuy vậy, chứng trào ngược và ợ nóng có thể hết sau khi sinh.
Tác dụng phụ một số loại thuốc
Có thể bạn chưa biết, một số loại thuốc có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày.
Lý do là vì:
- Tác dụng phụ một số thuốc như thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn kênh canxi,… có thể làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới.
- Khi cơ thắt thực quản dưới bị yếu đi, axit dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, và khó nuốt.
Do đó bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng trào ngược dạ dày của bản thân để bác sĩ đua ra toa thuốc phù hợp với bản thân nhé!
Triệu chứng viêm thực quản trào ngược độ A là gì?
Triệu chứng viêm thực quản trào ngược độ A điển hình ợ nóng và đau vùng thượng vị và lan lên cổ vì đó là vị trí của thực quản trong cơ thể. Khi xuất hiện các triệu chứng sau thì bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và theo dõi.
Các triệu chứng điển hình của viêm thực quản trào ngược độ A bao gồm:
- Ợ nóng.
- Ợ trớ.
- Đau vùng thượng vị và lan lên cổ.
- Nuốt khó.
- Cảm giác có khối trong cổ họng.
- Nước bọt tiết ra nhiều hơn bình thường.
Một số triệu chứng ít điển hình hơn của viêm thực quản trào ngược độ A:
- Ho mạn tính.
- Đau ngực.
- Mòn men răng.
- Đau họng.
- Rối loạn giọng nói (dysphonia).
- Co thắt thanh quản.
Viêm thực quản trào ngược độ A có nguy hiểm không?
Viêm thực quản trào ngược độ A nếu diễn tiến trong thời gian dài mà không được điều trị đúng cách có thể dần trở nặng, phát triển từ độ A lên dần các phân độ còn lại. Tình trạng viêm thực quản không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng có thể xuất hiện làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Các phân độ còn lại của viêm thực quản trào ngược độ A theo phân độ Los Angeles là:
- Viêm thực quản trào ngược độ B: Niêm mạc thực quản xuất hiện một hoặc nhiều vết trợt xước có độ dài > 5mm không liên tục giữa các nếp niêm mạc.
- Viêm thực quản trào ngược độ C: Niêm mạc thực quản xuất hiện một hoặc nhiều vết trợt xước liên tục giữa đỉnh của ít nhất 2 nếp gấp niêm mạc và không vượt quá 75% chu vi lòng thực quản.
- Viêm thực quản trào ngược độ D: Niêm mạc thực quản xuất hiện một hoặc nhiều vết trợt xước liên tục giữa đỉnh của ít nhất 2 nếp gấp niêm mạc và lan rộng hơn 75% chu vi lòng thực quản.
Tình trạng viêm thực quản không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Các biến chứng của viêm thực quản trào ngược có thể gặp là:
- Barrett thực quản
- Hẹp thực quản
- Ung thư thực quản
- Các vấn đề khác như: loét dạ dày, ung thư dạ dày, xuất huyết tiêu hóa trên
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu các triệu chứng đi kèm khác:
> Xem thêm: Trào ngược dạ dày – thực quản có nguy hiểm không?
Quy trình chẩn đoán viêm thực quản trào ngược độ A gồm những gì?
Quy trình chẩn đoán viêm thực quản trào ngược độ A bao gồm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng. Trong đó, việc khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ có được cái nhìn tổng quan về tình trạng bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng trong việc đánh giá viêm thực quản trào ngược độ A là quá trình mà bác sĩ sẽ thực hiện để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm việc thực hiện một loạt các câu hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh, thăm khám chi tiết các hệ cơ quan.
Nhằm định hướng chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Các triệu chứng bạn đang gặp phải.
- Tình trạng sức khỏe của bạn.
- Tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình.
- Các loại thuốc đã và đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng.
- Các phẫu thuật mà bạn đã từng thực hiện (nếu có).
Cận lâm sàng
Bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng như nội soi, xét nghiệm và một số phương pháp loại trừ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm thực quản trào ngược độ A.
Các cận lâm sàng có thể được bác sĩ chỉ định như:
- Nội soi dạ dày
- Xét nghiệm
Nội soi dạ dày
Để chẩn đoán viêm thực quản trào ngược, bạn sẽ được chỉ định nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng. Bác sĩ sử dụng một dây soi có gắn camera đưa từ miệng vào thực quản, qua đó quan sát các tổn thương ở niêm mạc thực quản. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có kèm theo sinh thiết.
Xét nghiệm
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như kiểm tra độ pH thực quản, đo áp lực thực quản. Từ đó giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân không liên quan và củng cố tính chính xác của chẩn đoán.
Phương pháp điều trị viêm thực quản trào ngược độ A ra sao?
Thông thường chữa viêm thực quản trào ngược độ A người bệnh sẽ được kê đơn sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày. Người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc và tái khám theo lời dặn của bác sĩ.
Một số thuốc trị trào ngược dạ dày thường dùng:
- Thuốc kháng histamin H2
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI),
- Thuốc trung hòa acid dạ dày (Antacid)
- Thuốc điều hòa nhu động (Prokinetic),..
Tuy theo tình trạng mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc với liều lượng phù hợp. Do đó, người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng hoặc dùng thuốc quá liều dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn, gây ảnh hưởng sức khỏe.
Làm sao để giảm triệu chứng của viêm thực quản trào ngược độ A?
Để giảm triệu chứng viêm thực quản trào ngược độ A, bệnh nhân cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống đồng thời tuân thủ sử dụng thuốc là cực kỳ quan trọng để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Các cách giảm nhẹ triệu chứng của viêm thực quản trào ngược độ A bao gồm:
- Hạn chế thực phẩm gây kích ứng niêm mạc thực quản
- Hạn chế ăn quá no
- Giảm cân
- Hạn chế nằm ngay sau khi ăn
- Mặc quần áo rộng rãi
- Không hút thuốc lá
- Kê đầu cao khi ngủ
> Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày nên ăn gì?
Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào liên quan đến viêm thực quản trào ngược độ A, quan trọng nhất là nên đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và kiểm soát kịp thời. Điều này giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh lên các giai đoạn nặng, đồng thời tăng cơ hội điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm về bệnh trào ngược dạ dày:
Câu hỏi thường gặp
Viêm thực quản trào ngược độ A có nguy hiểm không?
Viêm thực quản trào ngược độ A là giai đoạn đầu tiên của bệnh do đó khi được phát hiện sớm và theo dõi thì sẽ không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, bệnh có thể chuyển biến nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như Barrett thực quản, loét thực quản, ung thư thực quản,…
Viêm thực quản trào ngược độ A là nặng hay nhẹ?
Viêm thực quản trào ngược độ A là phân độ đầu tiên theo hệ thống phân loại Los Angeles của viêm thực quản trào ngược, không liên quan trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của bệnh mà mô tả sự tổn thương về mặt cấp độ và diện tích của vết loét trên niêm mạc thực quản.
Viêm thực quản trào ngược độ A nên ăn gì?
Người bệnh viêm thực quản trào ngược độ A nên bổ sung các thực phẩm như yến mạch, rau củ, thịt gà, thịt cá, quả bơ,…Đồng thời hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, bạc hà, cà phê, đồ uống có cồn,…
Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm nội soi & chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa Endo Clinic.
2. Samy A. Azer ; Anil Kumar Reddy Reddivari. Reflux Esophagitis. 17 04 2023. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554462/ (đã truy cập 05 07 2023).
3. Louisa Richards. What to know about GERD with esophagitis. 10 03 2023. https://www.medicalnewstoday.com/articles/gerd-with-esophagitis (đã truy cập 05 07 2023).
4. WebMD Editorial Contributors. Esophagitis. 15 03 2023. https://www.webmd.com/digestive-disorders/esophagitis (đã truy cập 05 07 2023).