Viêm túi thừa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm túi thừa là tình trạng viêm có thể kèm nhiễm trùng túi thừa tại đại tràng, bệnh có thể gây triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn,… Bệnh viêm túi thừa có thể dẫn đến phình đại tràng, viêm phúc mạc, thủng và áp xe đại tràng. Theo một nghiên cứu năm 2013 cho thấy khoảng 4,3% bệnh nhân có túi thừa sẽ phát triển thành viêm túi thừa sau một thời gian theo dõi khoảng 11 năm.

Túi thừa thường không có các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết cụ thể và trong một số trường hợp có thể tiến triển thành viêm túi thừa.

Viêm túi thừa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm túi thừa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh viêm túi thừa đại tràng

Bệnh viêm túi thừa đại tràng và bệnh túi thừa là 2 bệnh lý phổ biến xảy ra ở đại – trực tràng. Hầu hết những người mắc bệnh túi thừa sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nhận biết nào, đến khi bệnh tiến triển thành viêm, các cơn đau mới xuất hiện, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Tình trạng viêm túi thừa xuất hiện ở đại - trực tràng (Nguồn: Everyday Health)
Tình trạng viêm túi thừa xuất hiện ở đại – trực tràng (Nguồn: Everyday Health)

Viêm túi thừa là gì?

Viêm túi thừa (tên tiếng Anh: diverticulitis) là tình trạng viêm có thể bao gồm nhiễm trùng các túi thừa thường xuất hiện ở đại – trực tràng. Bệnh viêm túi thừa đại tràng có thể gây triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn và thay đổi thói quen đi tiêu.

Bệnh viêm túi thừa đại tràng nếu không được điều trị và kiểm soát tốt có thể tái phát cấp tính với tỷ lệ lên đến 39% và sau nhiều lần bệnh sẽ trở thành mạn tính. Ngoài ra, túi thừa còn có khả năng bị vỡ gây nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, phình đại tràng, viêm phúc mạc, thủng và áp xe đại – trực tràng.

Viêm túi thừa (diverticulitis) là tình trạng viêm có thể bao gồm nhiễm trùng các túi thừa thường xuất hiện ở đại - trực tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Viêm túi thừa (diverticulitis) là tình trạng viêm có thể bao gồm nhiễm trùng các túi thừa thường xuất hiện ở đại – trực tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Túi thừa là gì?

Túi thừa hay bệnh túi thừa (tên tiếng Anh: diverticula) là tình trạng những túi nhỏ, phình ra, có thể hình thành ở bất cứ cơ quan nào thuộc ống tiêu hóa, từ thực quản đến dạ dày, ruột non và đại tràng. Tuy nhiên, phần lớn các túi thừa được hình thành ở đại – trực tràng.

Bệnh túi thừa được phân thành 2 loại là túi thừa thật và túi thừa giả.

  • Túi thừa thật chứa tất cả các lớp của thành ống tiêu hóa. Túi thừa thực quảntúi thừa Meckel là các túi thừa thật.
  • Túi thừa giả là các phần nhô ra của lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc xuyên qua thành cơ của ruột. Túi thừa đại tràng là túi thừa giả.

Bệnh viêm túi thừa có tỷ lệ tăng lên theo độ tuổi, cụ thể là túi thừa xuất hiện khoảng 75% ở nhóm người lớn trên 80 tuổi. Túi thừa thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tiến triển thành viêm túi thừa. Ngoài ra, túi thừa còn được phát hiện tình cờ trong quá trình nội soi tiêu hóa hoặc chẩn đoán hình ảnh (ví dụ như chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa, chụp CT với chất cản quang).

Bệnh túi thừa (diverticula) theo thời gian có thể phát triển thành viêm túi thừa (diverticulitis) xảy ra ở đại - trực tràng). (Nguồn: Mayo Clinic)
Bệnh túi thừa (diverticula) theo thời gian có thể phát triển thành viêm túi thừa (diverticulitis) xảy ra ở đại – trực tràng). (Nguồn: Mayo Clinic)

Các giai đoạn viêm túi thừa đại tràng

Viêm túi thừa đại tràng bao gồm viêm túi thừa không biến chứng, có tỷ lệ phổ biến khoảng 75 – 80% và viêm túi thừa đại tràng có biến chứng, khoảng 15% bệnh nhân viêm túi thừa có biến chứng áp xe quanh ruột hoặc dạ dày ruột.

Theo Hinchey và các cộng sự, viêm túi thừa đại tràng được chia thành bốn giai đoạn, bao gồm:

  • Viêm túi thừa giai đoạn I: Áp xe khu trú ngoài thành đại tràng.
  • Viêm túi thừa giai đoạn II: Áp xe vùng chậu do vỡ áp xe khu trú ở thành đại tràng. Áp xe này có thể được tạo thành bởi đại tràng, mạc treo kết tràng, ruột non, tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, có thể bao gồm phúc mạc vùng chậu.
  • Viêm túi thừa giai đoạn III: Viêm phúc mạc do vỡ áp xe quanh ổ bụng hoặc vùng chậu vào khoang phúc mạc.
  • Viêm túi thừa giai đoạn IV: Viêm phúc mạc do thủng túi thừa.

Bệnh nhân bị viêm túi thừa giai đoạn I thường không cần phẫu thuật để điều trị. Đối với giai đoạn III và giai đoạn IV, phẫu thuật dường như là lựa chọn duy nhất để điều trị hiệu quả bệnh viêm túi thừa. Viêm túi thừa giai đoạn II có thể được xem xét điều trị không phẫu thuật bằng cách dẫn lưu áp xe theo hướng dẫn của chụp CT và liệu pháp kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh nhân có áp xe nhỏ, có chứa mủ nên được điều trị bảo tồn không xâm lấn.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân viêm túi thừa là gì?

Mặc dù chưa có bằng chứng xác thực, tuy nhiên áp lực cao trong đại tràng (như dùng sức khi đi tiêu) là một trong những nguyên nhân gây viêm túi thừa, áp lực cao có khả năng làm các khu vực yếu của thành đại tràng phình ra và hình thành túi thừa. Bên cạnh đó, chế độ ăn ít chất xơ và nhiều thịt đỏ cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Trước đây, hầu hết các chuyên gia cho rằng việc ăn không đủ chất xơ có thể là nguyên nhân hình thành các túi thừa đại tràng. Thế nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nguyên nhân này chưa có mối liên hệ rõ ràng với tình trạng bệnh.

Nguyên nhân gây viêm túi thừa đại tràng

Sinh lý bệnh và nguyên nhân gây viêm túi thừa đại tràng chưa được hiểu đầy đủ và có thể thay đổi giữa các bệnh nhân. Lỗ thủng vi mô hoặc vĩ mô tiến triển trong một túi thừa từng được cho là nguyên nhân giải phóng các vi khuẩn đường ruột và gây viêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cho thấy viêm túi thừa cấp tính mang đặc điểm viêm hơn là nhiễm trùng. Hơn thế nữa, cytomegalovirus có thể là một tác nhân gây viêm. Tình trạng phát triển của virus được tìm thấy trong mô ruột bị viêm ở 2/3 các bệnh nhân bị viêm túi thừa đại tràng.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa việc tiêu thụ thịt đỏ mỗi tuần và tỷ lệ mắc bệnh viêm túi thừa. Các nghiên cứu này cũng cho thấy hầu như không có sự liên quan giữa việc tiêu thụ hạt, ngũ cốc, ngô hoặc bỏng ngô với sự phát triển của bệnh viêm túi thừa đại tràng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm túi thừa đại tràng là do các túi thừa bị thủng giải phóng các vi khuẩn dẫn đến viêm. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nguyên nhân gây bệnh viêm túi thừa đại tràng là do các túi thừa bị thủng giải phóng các vi khuẩn dẫn đến viêm. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa?

Bệnh viêm túi thừa có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên các trường hợp sau đây sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm túi thừa, bao gồm:

  • Bệnh túi thừa phổ biến ở những người trên 60 tuổi và ít xảy ra hơn với người dưới 30 tuổi.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Người hút thuốc lá thường xuyên làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa.
  • Người ít vận động: theo các nghiên cứu, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm túi thừa.
  • Người có chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều mỡ động vật, thịt đỏ và ít chất xơ.
  • Người thường xuyên sử dụng các loại thuốc như NSAIDs, steroid, aspirin,…

Dấu hiệu và triệu chứng viêm túi thừa đại tràng

Trong trường hợp bệnh túi thừa nhẹ, người bệnh có thể sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên nếu bệnh túi thừa tiến triển, người bệnh có thể cảm nhận được các triệu chứng viêm túi thừa đại tràng sau:

Bác sĩ có thể sẽ đề xuất một số cách để giảm các triệu chứng trong khi xác định chính xác nguyên nhân, chẳng hạn như dùng thuốc giảm đau nhẹ. Bác sĩ cũng sẽ loại trừ các tình trạng như hội chứng ruột kích thích (IBS)loét dạ dày – tá tràng vì chúng có cùng triệu chứng.

Đau bụng cấp tính ở vùng bụng dưới bên trái là triệu chứng phổ biến của viêm túi thừa đại tràng.
Đau bụng cấp tính ở vùng bụng dưới bên trái là triệu chứng phổ biến của viêm túi thừa đại tràng.

Các triệu chứng thường xuất hiện của viêm túi thừa đại tràng

Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện của viêm túi thừa đại tràng bao gồm:

  • Đau bụng liên tục và kéo dài trong vài ngày, thường đau bụng trái. Tuy nhiên đối với người châu Á lại thường đau bụng phải nhiều hơn.
  • Đầy hơi, chướng bụng.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Sốt và ớn lạnh.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đôi khi xuất hiện máu đỏ tươi trong phân (đi ngoài ra máu).
  • Các triệu chứng tiết niệu do kích ứng bàng quang.
  • Xuất hiện các lỗ rò được biểu hiện thông qua có khí trong đường tiết niệu, khí hư âm đạo đục hôi hoặc nhiễm trùng da, cơ ở thành bụng, đáy chậu hoặc vùng đùi.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trong cơ thể như đau bụng nhiều ngày liền, thay đổi thói quen đi tiêu, đặc biệt là sốt cao kèm với tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy.

Phương pháp chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng

Để chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng chính xác, bác sĩ sẽ khuyến cáo Cô Bác, Anh Chị nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ, tầm soát ung thư tiêu hóa hoặc khi tiến hành các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như nội soi tiêu hóa hoặc chụp X-quang. Tuy nhiên, bệnh viêm túi thừa thường được chẩn đoán khi người bệnh trong tình trạng đau bụng cấp tính. Bác sĩ cần tiến hành khám lâm sàng và cận lâm sàng để loại bỏ các nguyên nhân khác gây triệu chứng đau bụng.

Nội soi đại - trực tràng là phương pháp chẩn đoán chính xác tình trạng viêm túi thừa đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi đại – trực tràng là phương pháp chẩn đoán chính xác tình trạng viêm túi thừa đại tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khám lâm sàng

Cô Bác, Anh Chị có thể trả lời các câu hỏi giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây triệu chứng bao gồm:

  • Cô Bác, Anh Chị đang mắc phải các triệu chứng nào và chúng xuất hiện từ bao giờ?
  • Tiền sử sức khỏe bản thân, gia đình và Cô Bác có đang sử dụng loại thuốc nào không?
  • Chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe gần đây của Cô Bác như thế nào?

Ngoài ra, tại bệnh viện/phòng khám nội soi tiêu hóa bác sĩ có thể kiểm tra vị trí và tình trạng đau bụng của Cô Bác, Anh Chị, đồng thời thăm khám vùng chậu để loại trừ các bệnh vùng chậu ở nữ giới.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Khi thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vị trí và tình trạng bệnh.

Xét nghiệm

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm men gan để loại trừ các nguyên nhân gây đau bụng đến từ các tổn thương gan.
  • Xét nghiệm phân để loại trừ nhiễm trùng, xác định dấu hiệu máu ẩn trong phân, vi khuẩn, ký sinh trùng ở những người bị tiêu chảy kéo dài.
  • Đối với phụ nữ, có thể sẽ được thực hiện thêm khám phụ khoa và thử thai để loại trừ các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa hoặc nguyên nhân gây đau bụng do mang thai.

Chẩn đoán hình ảnh

Thông qua xét nghiệm nếu được chẩn đoán viêm túi thừa cấp tính, để chẩn đoán chính xác hơn bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT, X-quang sử dụng chất cản quang có thể xác định được vị trí bị viêm (như viêm túi thừa manh tràng, viêm túi thừa đại tràng sigma,…) hoặc các túi thừa vừa mới hình thành. Đồng thời, chụp CT cũng có thể xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm túi thừa và có phương pháp điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, khoảng 10% bệnh nhân không thể phân biệt được chứng viêm túi thừa với ung thư đại tràng. Chụp MRI là một biện pháp thay thế ở các bệnh nhân có thai và trẻ tuổi.

Siêu âm bụng cũng có thể được chỉ định để bác sĩ quan sát rõ hơn tình trạng đại – trực tràng của Cô Bác, Anh Chị.

Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi đại – trực tràng thường chỉ được khuyến cáo từ 1 đến 3 tháng sau khi thực hiện các đánh giá ung thư hoặc sau khi đã điều trị bệnh viêm túi thừa.

Nội soi đại – trực tràng có thể được chỉ định trong một số trường hợp giúp bác sĩ quan sát tình trạng bên trong ống tiêu hóa dưới, phân biệt các bệnh lý tiêu hóa, xác định được nguyên nhân gây bệnh nhờ sinh thiết tế bào và giải phẫu bệnh nếu cần thiết.

Biến chứng viêm túi thừa

Biến chứng viêm túi thừa xảy ra ở khoảng 25% số ca mắc bệnh cấp tính, một số trường hợp dễ xuất hiện biến chứng như:

  • Áp xe khi mủ tích tụ trong túi thừa.
  • Tắc nghẽn ruột do các mô sẹo.
  • Xuất hiện các lỗ rò giữa các phần ruột hoặc giữa ruột và các cơ quan khác.
  • Viêm phúc mạc có thể xảy ra nếu túi thừa bị nhiễm trùng hoặc bị viêm vỡ, làm tràn dịch ruột vào khoang bụng. Viêm phúc mạc là tình trạng cấp cứu nguy hiểm và cần được chăm sóc ngay lập tức.

Phương pháp điều trị viêm túi thừa

Phương pháp điều trị viêm túi thừa phụ thuộc vào tình trạng, mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, thay đổi chế độ ăn uống hoặc phẫu thuật.

Điều trị viêm túi thừa đại tràng không biến chứng

Đối với trường hợp bệnh viêm túi thừa có các triệu chứng nhẹ, không xuất hiện các biến chứng, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh điều trị tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống.

Bệnh nhân có thể phải sử dụng thức ăn dạng lỏng một thời gian giúp cho ruột được nghỉ ngơi và hồi phục, sau đó từ từ bổ sung thêm các thức ăn rắn vào khẩu phần ăn của mình. Phương pháp này thường điều trị thành công tình trạng viêm túi thừa không biến chứng.

Nếu các triệu chứng viêm túi thừa đại tràng của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt, người bệnh có thể bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp kích thích nhu động ruột. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải sử dụng thêm một số loại thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Lưu ý: Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm túi thừa đại tràng mà chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thay đổi chế độ ăn uống là phương pháp điều trị bệnh viêm túi thừa không biến chứng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Thay đổi chế độ ăn uống là phương pháp điều trị bệnh viêm túi thừa không biến chứng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Điều trị viêm túi thừa đại tràng có biến chứng

Đối với các trường hợp viêm túi thừa tiến triển nghiêm trọng hoặc có các vấn đề về sức khỏe khác, người bệnh có thể phải nhập viện và điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh được truyền qua tĩnh mạch.

Phác đồ điều trị bệnh viêm túi thừa có thể được sử dụng thông qua đường uống dành cho bệnh nhân ngoại trú từ 7 – 10 ngày.

 Thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm từ đó làm giảm các triệu chứng bệnh viêm túi thừa. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm từ đó làm giảm các triệu chứng bệnh viêm túi thừa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, kháng sinh tiêm qua tĩnh mạch, được chỉ định dựa trên nhiều yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng, nguy cơ tác dụng phụ (như các bệnh lý đi kèm, cao tuổi, tình trạng suy giảm miễn dịch).

Bệnh nhân cũng sẽ được truyền các chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để giúp ruột có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đặt ống dẫn lưu áp xe bụng nếu phát hiện áp xe đã hình thành tại các túi thừa.

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng là phương pháp điều trị viêm túi thừa đại tràng cần thiết đối với các bệnh nhân:

  • Xuất hiện tình trạng thủng, áp xe, lỗ rò hay tắc nghẽn ruột.
  • Bị tái đi tái lại tình trạng viêm túi thừa không biến chứng.
  • Bị suy yếu hệ miễn dịch.
  • Bị viêm phúc mạc hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác,…

Các phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt ruột nguyên phát: bác sĩ sẽ loại bỏ các đoạn ruột bị bệnh và nối với phần khỏe mạnh (nối tận – tận) giúp giữ nguyên chức năng tiêu hóa của cơ thể. Tùy thuộc vào mức độ viêm, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở bụng hay phẫu thuật nội soi để hạn chế xâm lấn.
  • Phẫu thuật cắt ruột nối với hậu môn nhân tạo: nếu các túi thừa bị viêm xuất hiện nhiều và nằm dọc trên đại tràng, không thể cắt bỏ từng đoạn thì các bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ toàn bộ phần đại tràng bị viêm, sau đó sẽ thực hiện phẫu thuật mở thành bụng, đưa đoạn ruột ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo, chất thải từ đó được truyền vào một túi bên ngoài. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo. Khi tình trạng viêm thuyên giảm, hậu môn nhân tạo sẽ được đưa trở lại vào ổ bụng và khâu nối với ruột để phục hồi lưu thông ruột như bình thường.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa viêm túi thừa

Cô Bác, Anh Chị có khả năng lớn mắc bệnh viêm túi thừa nếu không bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Để phòng ngừa bệnh viêm túi thừa Cô Bác, Anh Chị có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên: tập thể dục giúp thúc đẩy chức năng nhu động ruột và giảm áp lực bên trong đại tràng, hãy cố gắng tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ: các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc có chức năng làm mềm phân, hạn chế táo bón và làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa.
  • Bổ sung các thực phẩm chứa men vi sinh ở dạng viên, dạng bột hoặc các loại sữa chua có chứa lợi khuẩn probiotics.
  • Uống nhiều nước: nước giúp cơ thể hấp thu các khoáng chất và làm mềm phân ở đại tràng, tránh táo bón.
  • Hạn chế các thực phẩm tinh chế như bột mì trắng, gạo trắng và các thực phẩm chế biến sẵn.
  • Không hút thuốc lá: thuốc lá có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa hoặc làm tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Tầm soát ung thư đại tràng sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị kiểm tra toàn bộ đại tràng nhằm phát hiện các dấu hiệu, biểu hiện bất thường và dấu ấn ung thư ở giai đoạn sớm đồng thời ngăn ngừa các bệnh lý thường gặp ở đại – trực tràng.
Bổ sung chất xơ qua chế độ ăn hợp lý, khoa học sẽ giúp phòng ngừa bệnh viêm túi thừa. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Bổ sung chất xơ qua chế độ ăn hợp lý, khoa học sẽ giúp phòng ngừa bệnh viêm túi thừa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

> Tổng hợp: 10+ cách giảm và điều trị táo bón hiệu quả

Những lưu ý về bệnh viêm túi thừa

  • Viêm túi thừa là tình trạng các túi thừa bị viêm và/hoặc nhiễm trùng.
  • Tình trạng viêm túi thừa không biến chứng chiếm khoảng 75%, tỷ lệ còn lại là viêm túi thừa với các biến chứng như áp xe, lỗ rò, tắc ruột hoặc viêm phúc mạc.
  • Chẩn đoán bệnh viêm túi thừa bằng phương pháp chụp CT với chất cản quang và nội soi tiêu hóa sau điều trị 1 – 3 tháng để phòng ngừa ung thư.
  • Điều trị bệnh viêm túi thừa phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc kháng sinh và phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng.

Người mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng nên ăn và kiêng ăn gì?

Hiện nay vẫn chưa có chuyên gia dinh dưỡng nào chắc chắn vai trò của chế độ ăn uống trong việc điều trị bệnh viêm túi thừa. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống phù hợp và khoa học sẽ hỗ trợ quá trình điều trị nhanh hơn, giúp ruột mau lành và khiến cho cơ thể của người bệnh tốt hơn.

  • Trong quá trình điều trị viêm túi thừa cấp tính, bệnh nhân nên giảm lượng chất xơ trong một thời gian, tránh các loại thức ăn cứng, khô, ngoài ra, người bệnh viêm túi thừa đại tràng nên ăn thức ăn lỏng trong vài ngày.
  • Khi tình trạng trở nên tốt hơn, các thực phẩm giàu chất xơ, thức ăn cứng sẽ được bổ sung từ từ vào chế độ ăn của Cô Bác, Anh Chị theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Người bệnh viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn các loại thịt đỏ, sản phẩm từ sữa giàu chất béo và các loại ngũ cốc tinh chế.
  • Uống nhiều nước và thường xuyên tập thể dục.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các thức uống chứa cồn, chất kích thích.
  • Không sử dụng các thực phẩm cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm lên men.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Cao Y, Strate LL, Keeley BR, et al. “Meat intake and risk of diverticulitis among men.” National Library of Medicine. 09 01 2017. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28069830/ (đã truy cập 09 11, 2021).
  3. Joel A. Baum; Rafael Antonio Ching Companioni . Bệnh túi thừa của dạ dày và ruột non. 07 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/bệnh-túi-thừa/bệnh-túi-thừa-của-dạ-dày-và-ruột-non (đã truy cập 09 11, 2021).
  4. Joel A. Baum; Rafael Antonio Ching Companioni. Định nghĩa bệnh túi thừa. 07 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/bệnh-túi-thừa/định-nghĩa-bệnh-túi-thừa (đã truy cập 09 11, 2021).
  5. —. Viêm túi thừa đại tràng. 07 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/bệnh-túi-thừa/viêm-túi-thừa-đại-tràng (đã truy cập 09 11, 2021).
  6. Mayo Clinic Staff. Diverticulitis. 05 07, 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diverticulitis/symptoms-causes/syc-20371758 (accessed 09 11, 2021).
  7. Persons, Laura. Everything You Need to Know About Diverticulitis. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 06 03 2019. https://www.healthline.com/health/diverticulitis (đã truy cập 09 11, 2021).
  8. Strate LL, Keeley BR, Cao Y, et al. “Western Dietary Pattern Increases, and Prudent Dietary Pattern Decreases, Risk of Incident Diverticulitis in a Prospective Cohort Study.” National Library of Medicine. 05 01 2017. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28065788/ (đã truy cập 09 11, 2021).
  9. Strate, Lisa L. “Diverticular Disease.” National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. 05 2016. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/diverticulosis-diverticulitis (đã truy cập 09 11, 2021).
  10. WebMD. Diverticulitis. Biên tập bởi Minesh Khatri. 28 08 2019. https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-diverticulitis-basics (đã truy cập 09 11, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: