Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Creatinin là hợp chất được tạo ra trong quá trình cung cấp năng lượng trong cơ bắp của cơ thể. Xét nghiệm creatinin máu được dùng để đánh giá và theo dõi chức năng của thận. Vậy creatinin là gì? Chỉ số creatinin bao nhiêu là bình thường? Nguyên nhân gây ra tăng và giảm lượng creatinin? Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu nhé!

Creatinin là gì?

Creatinin (hay creatinine) là hợp chất được tạo ra trong quá trình cung cấp năng lượng trong cơ bắp của cơ thể, là sản phẩm của phản ứng phân hủy Creatin.[1]

Creatinin là gì?
Creatinin là gì?

Creatinin trong cơ thể có 2 nguồn gốc chính từ nội sinh và ngoại sinh:

  • Nguồn gốc ngoại sinh: Do thực phẩm ăn vào.
  • Nguồn gốc nội sinh: Ở gan, creatinin được tổng hợp từ arginine và methionine.

Trong cơ vân, Creatin trải qua quá trình biến đổi trở thành creatinin, và creatinin được đưa vào máu rồi bài tiết ra ngoài cơ thể qua thận. Do ở thận, creatinin được lọc qua các cầu thận mà không bị ống thận tái hấp thu. Vì vậy, giá trị của creatinin có thể phản ánh chính xác chức năng thận của bệnh nhân.

Xét nghiệm xác định chỉ số creatinin trong máu được coi là tiêu chuẩn để đánh giá chức năng thận. Khi có những rối loạn chức năng ở thận thì chỉ số creatinin sẽ thay đổi so với bình thường.

Chỉ số creatinin bất thường có thể phản ánh các bệnh lý liên quan đến thận như suy thận và bệnh về cơ.

Ý nghĩa chỉ số creatinin trong máu

Chỉ số creatinin được cơ thể kiểm soát ở mức bình thường, tuy nhiên có thể gia tăng ở những người mắc một số bệnh lý nhất định. Chỉ số creatinin máu bình thường, cao và thấp được thể hiện sau đây. 

Chỉ số creatinin bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số creatinin bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số creatinin máu bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số creatinin máu bình thường là khác nhau giữa nam và nữ. Ở người trưởng thành chỉ số creatinin huyết thanh ở nam là 0,7 – 1,3 mg/dL (62 – 115 µmol/L) và nữ 0,5 – 1,0 mg/dL (44 – 88 µmol/L). Ở trẻ em, chỉ số creatinin là 0,3 – 1,0 mg/dL (26 – 88 µmol/L).[2]

Phụ nữ có thai: Lưu lượng máu đến thận của phụ nữ có thai cao hơn người bình thường, do đó tốc độ bài tiết creatinin cũng nhanh hơn, dẫn đến nồng độ creatinin máu giảm cao hơn, tốc độ bài tiết creatinin.

Chỉ số creatinin máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số creatinin máu cao ở nam là >1,2 mg/dL (>110 µmol/L) và nữ >1,0 mg/dL (>90 µmol/L).[3]

Chỉ số này cao có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như suy thận, ung thư tuyến tiền liệt… Tuy nhiên, chỉ số này không thể được dùng để chẩn đoán trực tiếp. Để được chẩn đoán chính xác thì cần thực hiện một số cận lâm sàng khác ví dụ như siêu âm, X-quang hay chụp CT (CT-scan).

Chỉ số creatinin máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số creatinin máu thấp ở người trưởng thành đối với nam là <0,7 mg/dL (<62 µmol/L) và nữ là <0,5 mg/dL (<44 µmol/L).

Các giá trị chỉ số creatinin máu thấp trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy thuộc vào máy móc, hóa chất của phòng xét nghiệm và năng lực của kỹ thuật viên xét nghiệm mà các chỉ số này có thể dao động.

Từ những nhận định trên cho thấy, việc thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin để đánh giá chức năng thận là điều vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn tầm soát tốt tình trạng suy thận ngay từ giai đoạn rất nhẹ và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. 

Chỉ số creatinin máu bao nhiêu là bị suy thận?

Chỉ số creatinin máu tăng cao so với bình thường thì có nguy cơ bị suy thận. Các chỉ số creatinin máu ở từng mức độ suy thận được tổng hợp dưới đây.

Giá trị xét nghiệm creatinin để phân loại mức độ suy nhận được thể hiện quan bảng sau:[4]

Giai đoạnChỉ số creatinin máu
Scr (mg/dL)µmol/L
Suy thận độ I (mức độ nhẹ)<1,5<130
Suy thận độ II (mức độ vừa)1,5 – 3,4130 – 300
Suy thận độ IIIa (mức độ nặng)3,5 – 6300 – 500
Suy thận độ IIIb (mức độ nặng)6 – 10500 – 900
Suy thận độ IV (suy thận giai đoạn cuối, thận hầu như không còn hoạt động)>10>900

Bảng phân loại mức độ suy thận từ nhẹ đến nặng theo chỉ số creatinin (mg/dL và µmol/L).

Ngoài ra, suy thận còn được đo dựa vào thông số eGFR (ml/phút/1,73 m2) (mức lọc cầu thận).

Những nguyên nhân làm tăng creatinin máu là gì?

Chỉ số creatinin trong máu tăng cao chủ yếu là do thận hoạt động không hiệu quả. Trong đó, tình trạng gây tăng creatinin phổ biến nhất là bệnh suy thận. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như viêm bể thận do vi khuẩn, viêm cầu thận, tắc nghẽn đường tiết niệu,…

Nguyên nhân làm tăng creatinin máu?
Nguyên nhân làm tăng creatinin máu?

Suy thận

Suy thận là tình trạng  thận ngưng hoạt động.[3]

Suy thận có hai dạng là suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. Suy thận cấp tính xảy ra khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường và biểu hiện nhanh chóng như sưng ở bàn chân, sưng ở mắt cá chân, khó thở, buồn nôn,…Ngược lại, suy thận mạn tính là tình trạng các triệu chứng bệnh tiến triển chậm, kéo dài theo thời gian. Một số triệu chứng bất thường có thể kể đến như khó thở, chán ăn, chuột rút,…

Các nguyên nhân suy thận thường gặp là:

  • Suy thận trước thận.
  • Suy thận tại thận.
  • Suy thận sau thận.
  • Viêm bể thận do vi khuẩn.
  • Viêm cầu thận.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu
  • Các nguyên nhân khác.

Suy thận trước thận

Suy thận trước thận chủ yếu do giảm dòng máu tới thận như suy tim khiến lượng máu được tim bơm đi đến cơ quan khác không đủ, gồm cả thận, xuất huyết, mất nước, hẹp động mạch thận.

Suy thận tại thận:

Suy thận tại thận là tình trạng suy thận có nguồn gốc tại thận.

Nguyên nhân chính của suy thận tại thận là: 

  • Tổn thương cầu thận: Gặp trong bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Berger (lắng đọng các IgA tại cầu thận).
  • Tổn thương ống thận: Đa u tủy xương, sỏi thận, viêm nhú thận, tăng canxi máu, tăng acid uric, viêm bể thận,…

Suy thận sau thận: 

Suy thận sau thận xảy ra khi đường dẫn nước tiểu của thận bị tắc bởi sỏi thận, u bàng quang, u tử cung, ung thư tuyến tiền liệt,…

Viêm bể thận do vi khuẩn

Viêm bể thận do vi khuẩn là tình trạng bể thận bị nhiễm trùng do một số loại vi khuẩn gây ra.

Bể thận bị nhiễm trùng không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hỏng bể thận, thậm chí suy thận. Từ đó, tình trạng này làm giảm chức năng của thận đến tăng creatinin trong máu. 

Các triệu chứng thường gặp của viêm bể thận do vi khuẩn là sốt hoặc ớn lạnh, đau lưng, nước tiểu đục, màu sẫm, có máu, đi tiểu thường xuyên,…

Viêm cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng thận bị tổn thương do một số nguyên nhân như nhiễm trùng, bệnh Lupus,… Tình trạng này có thể gây hỏng chức năng lọc máu của thận và làm tăng creatinin máu. Các triệu chứng có thể có của viêm cầu thận gồm: huyết áp cao, máu hoặc protein trong nước tiểu, sưng mắt cá chân,…

Tắc nghẽn đường tiết niệu

Đường tiết niệu có thể bị tắc nghẽn do sỏi thận, khối u hoặc phì đại tuyến tiền liệt. Khi đường tiết niệu bị tắc, nước tiểu có thể tích tụ trong thận và dẫn đến thận ứ nước ảnh hưởng chức năng lọc máu làm tăng creatinin máu.[3]

Các triệu chứng của tắc nghẽn đường tiết niệu gồm đau lưng, buồn nôn, đau khi đi tiểu, máu trong nước tiểu,… 

Các nguyên nhân khác

Ngoài các vấn đề của thận làm chỉ số creatinin tăng cao còn có một số nguyên nhân khác gây tăng creatinin trong máu như bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim,…

Những nguyên nhân làm creatinin máu giảm là gì?

Mặc dù, chỉ số creatinin máu giảm rất hiếm gặp nhưng tình trạng giảm mạnh creatinin trong máu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dưới đây là một vài nguyên nhân dẫn đến chỉ số creatinin máu giảm[5]

Nguyên nhân làm giảm creatinin máu?
Nguyên nhân làm giảm creatinin máu?

Một số nguyên nhân gây suy giảm hàm lượng creatinin máu:

  • Máu bị hòa loãng: Ảnh hưởng đến quá trình lọc máu ở thận làm giảm creatinin máu.
  • Hội chứng tiết hormone chống bài niệu (ADH) không thích hợp: Dẫn đến quá trình thải creatinin qua nước tiểu ảnh hưởng, creatinin máu giảm.
  • Suy dinh dưỡng nặng: Sụt cân nghiêm trọng hoặc các bệnh mãn tính kéo dài làm khối lượng cơ thể giảm sẽ làm cho chỉ số creatinin thấp hơn bình thường.
  • Một số bệnh cơ gây teo mô cơ: Ảnh hưởng đến quá trình hình thành creatinin trong cơ, giảm creatinin trong máu.
  • Phụ nữ có thai: Lưu lượng máu đến thận của phụ nữ có thai cao hơn người bình thường, do đó tốc độ bài tiết creatinin cũng nhanh hơn, dẫn đến nồng độ creatinin máu giảm cao hơn, tốc độ bài tiết creatinin.

Xét nghiệm định lượng creatinin máu là gì?

Xét nghiệm định lượng creatinin được sử dụng để đo lường lượng creatinin trong máu, đồng thời tính toán tỉ lệ lọc cầu thận (GFR) để đánh giá khả năng hoạt động của thận.

Xét nghiệm định lượng Creatinin máu là gì?
Xét nghiệm định lượng Creatinin máu là gì?

Creatinin được cơ thể thải hoàn toàn qua thận, do vậy nồng độ creatinin tỷ lệ thuận với chức năng bài tiết thận. Nồng độ creatinin trong máu thường sẽ ổn định nếu chức năng lọc của thận vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, một số dấu hiệu bất thường như mất nước, rối loạn thận, tắc nghẽn đường tiểu,… có thể khiến creatinin máu tăng.

Xét nghiệm creatinin máu có thể kết hợp với xét nghiệm ure máu để đánh giá mức độ suy thận.

Xét nghiệm định lượng creatinin máu để làm gì?

Xét nghiệm định lượng creatinin máu là một trong những xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá chức năng thận. Creatinin tăng có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang bị tổn thương và giảm chức năng.

Xét nghiệm định lượng Creatinin máu để làm gì?
Xét nghiệm định lượng Creatinin máu để làm gì?

Ngoài ra, suy thận có rất ít dấu hiệu rõ ràng, vì vậy theo dõi chỉ số creatinin là cần thiết để có thể chẩn đoán chính xác các vấn đề bất thường của thận.

Xét nghiệm định lượng Creatinin máu để:

  • Khám sức khỏe định kỳ.
  • Theo dõi chức năng thận khi sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến thận.
  • Chẩn đoán và đánh giá khi có biểu hiện của suy thận.
  • Theo dõi sức khỏe người được ghép thận.
  • Chẩn đoán suy thận dựa vào chỉ số creatinin máu.

Khám sức khỏe định kỳ

Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm định kỳ chỉ số creatinin để có thể đưa ra phương pháp điều trị bệnh hợp lý. Việc khám sức khỏe định kỳ là cần thiết nếu cơ thể có các vấn đề bất thường liên quan đến chức năng thận.

Xét nghiệm chỉ số creatinin là xét nghiệm đơn giản nhưng rất quan trọng. Vì vậy, xét nghiệm creatinin thường nằm trong gói khám sức khỏe tổng quát. Việc theo dõi lượng creatinin định kỳ sẽ giúp cô chú, anh chị điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt kịp thời nếu như có bất kỳ bất thường nào.

Theo dõi chức năng thận khi sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến thận

Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thận.

Có nhiều nhóm thuốc gây tổn thương thận như: thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton, thuốc trị đái tháo đường,… 

Chỉ số creatinin là thông số giúp theo dõi các chức năng của thận khi sử dụng một số loại thuốc có ảnh hưởng đến thận. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm chỉ số creatinin trong quá trình điều trị bệnh.[6]

Chẩn đoán và đánh giá khi có biểu hiện của suy thận

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận. Do đó, để tìm ra nguyên nhân và có phương thức điều trị hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành thảo luận về tiền sử cá nhân và gia đình bệnh nhân, kiểm tra các dấu hiệu bất thường về tim, mạch máu, thận,…Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm liên quan như xét nghiệm máu (xét nghiệm creatinin, ure), xét nghiệm nước tiểu,; xét nghiệm hình ảnh và sinh thiết thận để đánh giá mức độ bệnh suy thận.[7]

Theo dõi sức khỏe người được ghép thận

Một lựa chọn điều trị khác dành cho người bệnh suy thận là ghép thận. Một quả thận khỏe mạnh có độ tương thích cao sẽ thay thế cho quả thận đã mất đến 90% khả năng hoạt động. Để theo dõi và đánh giá hiệu quả cấy ghép, bác sĩ cũng sử dụng xét nghiệm chỉ số creatinin. 

Chẩn đoán suy thận dựa vào chỉ số creatinin máu

Chỉ số creatinin tăng được coi là dấu hiệu của bệnh suy thận và phân ra thành 5 mức độ suy thận từ nhẹ đến nặng. Dưới đây là bảng phân loại mức độ suy thận dựa trên chỉ số creatinin máu.

Chẩn đoán suy thận dựa vào chỉ số creatinin máu
Chẩn đoán suy thận dựa vào chỉ số creatinin máu

Giá trị xét nghiệm creatinin để phân loại mức độ suy nhận được thể hiện qua bảng sau:[8][9]

Giai đoạnChỉ số creatinin và eGFR trong máuÝ nghĩa của giai đoạn
Scr (mg/dL) (creatinin huyết thanh)eGFR (ml/phút/1,73 m2) (mức lọc cầu thận)
Suy thận độ I (mức độ nhẹ)<0,7≥90Thận tổn thương nhẹ, còn hoạt động bình thường.
Suy thận độ II (mức độ vừa)0,8 – 1,060 – 89Thận tổn thương nhẹ, còn hoạt động tốt.
Suy thận độ IIIa (mức độ nặng)1,1 – 1,645 – 59Thận tổn thương nhẹ đến trung bình, không còn hoạt động bình thường.
Suy thận độ IIIb (mức độ nặng)30 – 44
Thận tổn thương trung bình đến nặng, không hoạt động bình thường.
Suy thận độ IV (suy thận giai đoạn cuối)1,7 – 2,515 – 29Thận tổn thương nặng, gần như không hoạt động.
Suy thận độ V >2,5<15Thận tổn thương nghiêm trọng, không hoạt động.

Bảng phân loại mức độ suy thận từ nhẹ đến nặng theo chỉ số creatinin và eGFR trong máu.

Chỉ số creatinin từ 130 µmol/L (1,5 mg/dL) có thể gây suy thận. Do đó, khi có các dấu hiệu bất thường về thận, Quý khác hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và có các chẩn đoán chính xác nhất.

Ngoài ra, chỉ số creatinin chỉ mang tính chất gợi ý, không dùng để chẩn đoán bệnh. Do đó, để có chẩn đoán chính xác hơn, Bác sĩ thường chỉ định thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm eGFR, xét nghiệm phân tích nước tiểu và các chẩn đoán hình ảnh liên quan.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm định lượng creatinin?

Trong quá trình xét nghiệm định lượng creatinin, tuỳ vào các điều kiện khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định thu lượng creatinin huyết thanh trong mẫu máu hoặc nước tiểu. Để quá trình xét nghiệm được diễn ra thuận lợi, Quý khách cần lưu ý một vài điều sau trước khi thực hiện xét nghiệm.

Lưu ý trước khi xét nghiệm định lượng Creatinin?
Lưu ý trước khi xét nghiệm định lượng Creatinin?

Những lưu ý cần chuẩn bị trước khi đi xét nghiệm định lượng creatinin:[10]

  • Nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm: Cần nhịn ăn thịt trong khoảng 24 giờ trước xét nghiệm, vì điều này có thể ảnh hưởng đến mức creatinin.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Những loại thuốc có thể làm tăng nồng độ creatine gồm: cimetidine, ranitidine, thuốc kháng sinh như trimethoprim,…
  • Mặc đồ thỏa mái: Xét nghiệm lấy máu tĩnh mạch cần yêu cầu quần áo thoải mái, áo tay cộc hoặc dễ dàng cuộn tay để thuận tiện cho việc lấy mẫu nhanh chóng.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế: Để có thể sắp xếp lịch trình hợp lý.

Làm sao để giảm creatinin trong máu?

Khi chỉ số creatinin trong máu cao hơn mức bình thường, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất để giải quyết nguyên nhân cơ bản gây ra các vấn đề về thận của cơ thể. Quý khách cũng có thể thực hiện những thay đổi lối sống sau đây để giảm mức creatinine.

Làm sao để giảm creatinin trong máu?
Làm sao để giảm creatinin trong máu?

Không sử dụng thực phẩm chức năng chứa creatine

Ngoài dạng creatine tự nhiên được hình thành trong quá trình phân hủy của creatin. Creatinin có trong thực phẩm chức năng sẽ làm tăng creatinin cho cơ thể. Để bảo vệ thận cần phải giảm sử dụng thực phẩm có chứa creatine.[11]

Chế độ ăn hỗ trợ giảm creatinin

Các chế đồ ăn giúp giảm creatinin trong máu có thể kể đến như sau:

  • Giảm lượng protein hằng ngày: Protein trong thịt khi nấu nướng, nhiệt sẽ chuyển creatin thành creatinin. Do đó, nên hạn chế chế độ ăn giàu protein như thịt đỏ, sữa.
  • Ăn nhiều chất xơ: Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất xơ có thể làm giảm đáng kể chỉ số creatinin ở người mắc bệnh thận mãn tính. Chất xơ được tìm thấy nhiều ở hoa quả, rau, ngũ cốc,..
  • Giảm lượng muối hấp thụ: Lượng muối dư thừa sẽ làm tăng huyết áp trong cơ thể dẫn đến tăng áp lực máu đến thận, chức năng bài tiết của thận giảm. Điều này sẽ làm tăng creatinin trong máu.

Uống đủ nước

Uống đủ nước có thể làm giảm nồng độ creatinin. Do mất nước quá nhiều dẫn đến giảm lượng máu đến thận, có thể làm hỏng thận.

Tránh lạm dụng thuốc NSAIDs

Thuốc NSAID hay thuốc chống viêm không steriod, giúp giảm đau sau quá trình phẫu thuật. Các khuyến cáo cho rằng, sử dụng NSAIDs có thể làm tổn thương thận, viêm ống thận, bệnh thận mãn tính. Vậy nên sử dụng thuốc NSAIDs quá thường xuyên hay số lượng quá liều lượng khuyến cáo sẽ làm tăng chỉ số creatinin.

Hạn chế hút thuốc

Thuốc lá có thể làm tăng nồng độ creatinin trong máu, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Do đó, hạn chế hút thuốc sẽ làm giảm lượng creatinin trong máu.

Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn

Uống quá nhiều đồ uống có cồn có thể làm tăng creatinin trong máu dẫn đến gây hại cho thận. Do đó, Quý khách nên hạn chế dùng các đồ uống có chứa cồn để giảm creatinin trong máu, hạn chế các biến chứng nguy hiểm do creatinin trong máu tăng cao.

Hạn chế vận động mạnh

Khi vận động mạnh sẽ tăng quá trình chuyển hóa của creatin tại cơ làm tăng creatinin trong máu. Do đó, Quý khách nên hạn chế vận động quá mạnh sẽ góp phần hạn chế tăng lượng creatinin máu.

Xét nghiệm định lượng creatinin máu bao nhiêu tiền?

Xét nghiệm creatinin là một xét nghiệm có vai trò chính trong quá trình chẩn đoán và phát hiện bệnh lý liên quan đến thận và cơ. Hiện nay, có rất nhiều phòng khám xét nghiệm creatinin máu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương,…

Xét nghiệm định lượng Creatinin máu bao nhiêu tiền?
Xét nghiệm định lượng Creatinin máu bao nhiêu tiền?

Tại Endo Clinic hiện nay có cung cấp dịch vụ xét nghiệm creatinin.

Giá xét nghiệm creatinin tại Endo Clinic là 80.000 VNĐ

Lưu ý, mức giá được đề cập ở trên được cập nhật mới nhất ngày 23/02/2024. Để cập nhật mức giá mới nhất, Cô Chú, Anh Chị vui lòng nhấn vào: Bảng giá.

Thêm vào đó, xét nghiệm creatinin cũng là hạng mục nằm trong gói khám nội tổng quát và các gói tầm soát ung thư, trong đó có tầm soát ung thư dạ dày và tầm soát ung thư đại – trực tràng.

Trên đây là một số thông tin về chỉ số creatinin, các chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm creatinin cũng như chi phí xét nghiệm creatinin. Nếu Cô Chú, Anh Chị thấy bài viết trên đây hữu ích, hãy để lại bình luận bên dưới và chia sẻ rộng rãi nhé!

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số creatinin bao nhiêu là suy thận?

Chỉ số creatinin gây suy thận giai đoạn đầu từ 130 µmol/L (1,5 mg/dL) và eGFR (mức lọc cầu thận) là ≥90 (ml/phút/1,73 m2).

Chỉ số creatinin bao nhiêu thì phải chạy thận?

Chỉ số creatinin ở cấp độ IIIb: 500 – 900 µmol/L (6 – 10 mg/dL) và eGFR (mức lọc cầu thận) là 30 – 44 (ml/phút/1,73 m2) phải tiến hành chạy thận nhân tạo.

Ăn gì để giảm creatinin máu?

Để giảm creatinin máu, bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ, nên bổ sung các thực phẩm từ rau, củ, quả, ngũ cốc,…

Tài liệu tham khảo

  1. N.D.Anh, “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng”, N.D.Anh và N.T.Hương, Chủ biên. NXB Công ty CP Xuất bản Trẻ, 2013.
  2. “Creatinine Test.” Mayo Clinic, 9 Feb. 2023, https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/creatinine-test/about/pac-20384646. Accessed 26 Feb. 2024.
  3. What Level of Creatine Indicates Kidney Failure? 27 Feb. 2021, https://www.medicalnewstoday.com/articles/when-to-worry-about-creatinine-levels. Accessed 26 Feb. 2024.
  4. “Giá trị xét nghiệm Creatinin máu bao nhiêu là mắc bệnh suy thận.” https://medlatec.vn/tin-tuc/gia-tri-xet-nghiem-creatinin-mau-bao-nhieu-la-mac-benh-suy-than-s159-n18192 (accessed May 22, 2023).
  5. “Low Creatinine Levels – Symptoms, Causes, And Treatments + Diet Tips.” STYLECRAZE, 25 May 2015, https://www.stylecraze.com/articles/causes-and-remedies-for-low-creatinine-levels/. Accessed 26 Feb. 2024.
  6. Alhassani, Reem Y., et al. “Drug Therapies Affecting Renal Function: An Overview.” Cureus, vol. 13, no. 11, Nov. 2021, p. e19924, https://doi.org/10.7759/cureus.19924.
  7. “Chronic Kidney Disease – Diagnosis and Treatment.” Mayo Clinic, 6 Sept. 2023, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/diagnosis-treatment/drc-20354527. Accessed 26 Feb. 2024.
  8. “Stages of Kidney Disease (CKD).” American Kidney Fund, 22 Nov. 2021, https://www.kidneyfund.org/all-about-kidneys/stages-kidney-disease. Accessed 26 Feb. 2024.
  9. Park, EelG-You, and Think-You Kim. “Where Are Cut-off Values of Serum Creatinine in the Setting of Chronic Kidney Disease?” Kidney International, vol. 77, no. 7, Apr. 2010, pp. 645–46, https://doi.org/10.1038/ki.2009.529.
  10. “Creatinine Test.” Testing.Com, 17 Sept. 2021, https://www.testing.com/tests/creatinine/. Accessed 26 Feb. 2024.
  11. “How Can I Lower My Creatine Levels Naturally?” Healthline, 13 June 2017, https://www.healthline.com/health/how-to-lower-creatinine. Accessed 26 Feb. 2024.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?