Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm, khó phát hiện, bởi các triệu chứng ban đầu dễ bị nhầm lẫn với những vấn đề tiêu hóa thường gặp. Thông thường, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần thực hiện khám lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng cần thiết.
Hiện nay, cụm từ ‘xét nghiệm ung thư dạ dày’ được khá nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, thực sự có loại xét nghiệm này không và độ chính xác thế nào? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng tìm hiểu đáp án trong bài viết dưới đây!
Khái quát về ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh lý xuất hiện các tế bào ác tính phát triển từ lớp niêm mạc dạ dày và có thể xâm lấn đến các mô xung quanh hoặc ở xa (di căn). Mặc dù nguyên nhân ung thư dạ dày vẫn chưa xác định rõ, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện việc nhiễm khuẩn Hp là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến gây nên.
Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn sớm: Thường không xuất hiện các triệu chứng tiêu hoá rõ ràng, hoặc có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày khác.
- Giai đoạn tiến triển: Xuất hiện những triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân đen, nôn ra máu,…
Những ai có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?
Một số yếu tố nguy cơ góp phần gia tăng khả năng mắc ung thư dạ dày bao gồm độ tuổi, giới tính, môi trường sống, di truyền hoặc yếu tố nội sinh. Trong đó, những người ở độ tuổi 40 trở lên có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với bình thường. Do đó, việc thực hiện tầm soát ung thư dạ dày sớm theo khuyến cáo là việc làm cần được thực hiện, ngay cả khi không gặp bất kỳ triệu chứng tiêu hóa bất thường nào.
Dưới đây là các trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày:
- Độ tuổi: Ung thư dạ dày xảy ra phổ biến ở người từ 55 tuổi trở lên.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp đôi nữ giới.
- Di truyền: Người có người thân trong gia đình có tiền sử mắc ung thư dạ dày, thì cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người khác.
- Môi trường: Công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp như than đá, kim loại, gỗ hoặc cao su là những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao.
- Tiền sử bệnh lý dạ dày: Những người đã phẫu thuật dạ dày, thiếu máu ác tính hoặc mắc tình trạng vô toan dạ dày có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
- Chế độ ăn: Người có thói quen ăn uống nhiều muối, thức ăn chế biến sẵn như sấy khô, hun khói, ướp muối hoặc ngâm chua, thức ăn bị nấm mốc.
- Thói quen sinh hoạt: Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.
Xét nghiệm ung thư dạ dày có tồn tại hay không?
Hiện nay, tại các cơ sở y tế thì không có hạng mục nào được gọi là xét nghiệm ung thư dạ dày. Đặc biệt, cũng không có bất kỳ xét nghiệm nào được dùng độc lập để chẩn đoán ung thư dạ dày.
Trên thực tế, trong các gói tầm soát ung thư dạ dày thì bác sĩ sẽ có thể chỉ định hạng mục xét nghiệm CA 72-4 hoặc xét nghiệm pepsinogen. Tuy nhiên, kết quả của xét nghiệm này chỉ được xem như gợi ý để chẩn đoán ung thư dạ dày. Để khẳng định, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số chẩn đoán hình ảnh khác như nội soi dạ dày, X-quang hay chụp CT. Trong đó, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là “tiêu chuẩn vàng” trong phát hiện và chẩn đoán ung thư dạ dày.
Endo Clinic – Trung tâm Nội soi & Chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa hàng đầu Việt Nam
Hiện nay, Endo Clinic là trung tâm nội soi dạ dày hiếm hoi tại Việt Nam chuyên sâu tầm soát và chẩn đoán ung thư tiêu hóa. Không chỉ sở hữu đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, đến từ các bệnh viện đầu ngành tại TP. HCM, trung tâm còn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại giúp phát hiện chính xác các tổn thương trong lòng ống tiêu hoá.
Đặc biệt, Endo Clinic còn kết hợp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) vừa giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, giảm căng thẳng, vừa giúp tăng khả năng phát hiện ung thư. Hơn hết, phòng khám làm việc sớm từ 6 giờ – 15 giờ, phù hợp với lịch trình của khách hàng, kể cả khách hàng ở tỉnh xa cũng có thể thăm khám, hoàn tất và về trong ngày.
Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính, có dấu hiệu ban đầu mờ nhạt nên khó nhận biết. Do đó, chủ động tầm soát ung thư dạ dày là việc cần thiết, đặc biệt là người có nguy cơ mắc bệnh cao. Cô Chú, Anh Chị trên 40 tuổi cũng nên đi tầm soát ung thư dạ dày định kỳ, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có.
> Tìm hiểu ngay dịch vụ tầm soát ung thư dạ dày tại Endo Clinic!
Xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư dạ dày không?
Xét nghiệm máu có thể cung cấp gợi ý về ung thư dạ dày, nhưng không phải xét nghiệm chẩn đoán xác định. Như đề cập ở trên, bác sĩ cần thực hiện thêm một số chẩn đoán hình ảnh bổ sung khác.
Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định trong quá trình tầm soát ung thư dạ dày bao gồm xét nghiệm CA 72-4 hoặc xét nghiệm pepsinogen. Ngoài ra, 2 xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng trong việc theo dõi hiệu quả điều trị và khả năng tái mắc bệnh lý ung thư dạ dày. Cần lưu ý rằng, các chỉ số này bất thường không đồng nghĩa với việc người bệnh mắc ung thư mà có thể liên quan đến một số bệnh lý dạ dày khác.
Cách phát hiện ung thư dạ dày hiệu quả
Ung thư dạ dày trong giai đoạn đầu rất khó phát hiện do có các dấu hiệu khá tương đồng với các triệu chứng thường gặp của bệnh lý loét dạ dày – tá tràng như đau, nóng, rát thượng vị,… Vì vậy, khi gặp phải bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và có thể thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư dạ dày phù hợp.
Tuỳ theo tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn, kết hợp thực hiện nhiều phương pháp cận lâm sàng khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày thường được sử dụng.
Nội soi dạ dày có sinh thiết
Nội soi sinh thiết dạ dày là kỹ thuật được thực hiện với mục đích kiểm tra các tổn thương bên trong dạ dày. Nếu phát hiện bất thường nào tại niêm mạc dạ dày trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể đưa dụng cụ qua ống nội soi để sinh thiết (lấy mẫu mô nhỏ tại vị trí nghi ngờ).
Sau đó, mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để thực hiện giải phẫu bệnh, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý ung thư dạ dày. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho thực hiện xét nghiệm HER2 hoặc một số gene khác để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Chẩn đoán hình ảnh khác
Bên cạnh nội soi dạ dày có sinh thiết, bệnh nhân có thể được chỉ định nhiều chẩn đoán hình ảnh khác nhau. Việc này giúp bác sĩ xác định tình trạng ung thư dạ dày dạ dày và kiểm tra khối u đã lan rộng đến đâu để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
X-quang thực quản dạ dày có cản quang
Chụp X-quang thực quản dạ dày có cản quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh, giúp quan sát niêm mạc của thực quản, dạ dày và tá tràng. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần uống một dung dịch có chứa bari (chất cản quang). Bari sẽ bao phủ lớp niêm mạc dạ dày giúp cho chất lượng hình ảnh chụp X-quang thực quản dạ dày tốt hơn. Từ đó, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện ra các tổn thương bên trong dạ dày và đưa ra chẩn đoán chính xác.
Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT)
Phương pháp chụp CT-scan là phương pháp sử dụng hình ảnh thu nhận được từ tia X, sau đó sử dụng thuật toán máy tính để dựng nên hình ảnh rõ nét về các mô mềm trong cơ thể người.
Chụp CT (CT-scan) có thể được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ khối u đã bắt đầu di căn đến các vị trí cơ quan lân cận, ví dụ như gan hay hạch bạch huyết gần đó. Thông qua chụp CT, bác sĩ sẽ xác định được chính xác vị trí cần thực hiện sinh thiết. Mẫu mô sau khi được sinh thiết sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để giải phẫu bệnh.
Siêu âm nội soi (EUS)
Siêu âm nội soi (EUS) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được thực hiện bằng cách sử dụng ống nội soi có gắn đầu dò siêu âm thu nhỏ. Ống nội soi sẽ được đưa xuống khẩu hầu và đi vào dạ dày. Tại thành dạ dày (nơi có khối u), đầu dò sẽ phát ra sóng âm, sau đó thu nhận sóng âm dội lại và chuyển đổi chúng thành hình ảnh. Dựa vào kết quả từ siêu âm nội soi (EUS), bác sĩ có thể kiểm tra là khối u đã lan tới thành của dạ dày và tới các cơ quan lân cận hay chưa.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Để xác định mức độ lan của khối u ác tính trong cơ thể, người bệnh sẽ được chỉ định chụp Positron cắt lớp (PET). Đối với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm chất chỉ điểm phóng xạ và sử dụng máy ảnh chuyên dụng để tái tạo hình ảnh về các vùng nhiễm phóng xạ. Mặc dù hình ảnh không chi tiết như chụp CT hoặc MRI, nhưng chụp PET có thể giúp bác sĩ có cái nhìn bao quát về độ xâm lấn của khối u trên toàn bộ cơ thể. Thông thường, phương pháp này được kết hợp với chụp CT (CT scan) để cho kết quả tốt hơn.
Lưu ý, việc sử dụng phóng xạ này ít gây hại như mọi người thường nghĩ. Cơ thể sẽ có khả năng thanh thải lượng chất chỉ điểm phóng xạ tồn dư.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp sử dụng lực từ trường mạnh và sóng vô tuyến để phác họa hình ảnh chi tiết của các mô mềm bên trong cơ thể con người. Từ kết quả chụp MRI, bác sĩ có thể xác định mức độ ung thư di căn đến các bộ phận khác, qua đó có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh, ví dụ như phẫu thuật hoặc xạ trị.
X-quang ngực
Thông thường, chụp X-quang ngực không được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghi ngờ khối u đã lan đến phổi, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang ngực. Nếu trước đó bác sĩ đã có chỉ định chụp CT ngực thì sẽ không cần chụp X-quang ngực.
Xét nghiệm chức năng các cơ quan
Nếu phát hiện ung thư, bác sĩ có thể chỉ định một vài xét nghiệm nhất định. Trường hợp bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để theo dõi, đảm bảo hoạt động của gan, thận và chức năng đông máu trong cơ thể diễn ra bình thường.
Ngoài ra, nếu người bệnh đã có kế hoạch phẫu thuật hoặc dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tim, bác sĩ cũng có thể chỉ định đo điện tâm đồ (EKG) hoặc siêu âm tim để đảm bảo tim hoạt động ổn định.
Ngoài ra, một số xét nghiệm khác như xét nghiệm CA 72-4, xét nghiệm pepsinogen có thể được chỉ định để theo dõi hiệu quả điều trị và khả năng tái mắc ung thư dạ dày.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu về các loại xét nghiệm:
> Fibrinogen tăng cao khi nào? Bao nhiêu thì nguy hiểm
Hy vọng qua những chia sẻ trên đây thì cô chú, anh chị đã hiểu được xét nghiệm ung thư dạ dày có tồn tại hay không. Khi có các triệu chứng bất thường nào, nên đến phòng khám nội soi dạ dày tại TPHCM uy tín để được thăm khám và chỉ định cận lâm sàng phù hợp, trong đó có nội soi dạ dày.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm:
Câu hỏi thường gặp
Nội soi dạ dày có phát hiện được ung thư không?
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong phát hiện và chẩn đoán ung thư dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh nên lựa chọn các trung tâm nội soi uy tín để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh.
Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư dạ dày không?
Xét nghiệm máu chỉ là gợi ý về ung thư dạ dày. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần thực hiện kết hợp các chẩn đoán hình ảnh khác như nội soi tiêu hóa, chụp X-quang ổ bụng, CT-scan, MRI,…
Chỉ số xét nghiệm máu nào có thể phát hiện ung thư dạ dày?
Không có chỉ số xét nghiệm máu nào có thể phát hiện ung thư dạ dày. Hiện nay, có xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 72-4 có thể được dùng để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị của bệnh lý. Tuy nhiên, vẫn cần kết hợp với các cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ung thư dạ dày.
Tài liệu tham khảo:
1. Cancer.gov. Gastric Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version. 23 09 2022. https://www.cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-treatment-pdq (đã truy cập 04 12 2023).
2. American Cancer Society. Stomach Cancer Risk Factors. 22 01 2021. https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html (đã truy cập 04 12 2023).
3. Cancer.net. Stomach Cancer: Risk Factors. 12 2021. https://www.cancer.net/cancer-types/stomach-cancer/risk-factors (đã truy cập 04 12 2023).
4. Mohamad (Bassam) Sonbol. Stomach cancer FAQs. 14 09 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352443 (đã truy cập 04 12 2023).
5. Diagnostiki Athinon. Cancer Antigen 72-4 (CA 72-4). https://athenslab.gr/en/diagnostikes-exetaseis/cancer-antigen-72-4-ca-72-4-278 (đã truy cập 04 12 2023).
6. American Cancer Society. Tests for Stomach Cancer. 22 01 2021. https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html (đã truy cập 04 12 2023).
7. American Cancer Society. MRI for Cancer. 16 05 2019. https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/tests/mri-for-cancer.html (đã truy cập 04 12 2023).